Du lịch

Du lịch nông nghiệp hướng tới sự phát triển bền vững

Bến Tre

Cùng với các tỉnh, thành phố trên cả nước, hoạt động du lịch nông nghiệp nông thôn của Bến Tre được khai thác và phát huy thế mạnh với nhiều loại hình, sản phẩm, dịch vụ du lịch.

Du khách tham quan trải nghiệm vườn cây ăn quả. (Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN).

Hội thảo khoa học Du lịch nông nghiệp hướng tới sự phát triển bền vững giữa kinh tế, văn hóa và môi trường tại tỉnh Bến Tre diễn ra ngày 22/2. Sự kiện do UBND tỉnh Bến Tre phối hợp với Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tổ chức.

Cùng với các tỉnh, thành phố trên cả nước, hoạt động du lịch nông nghiệp nông thôn của Bến Tre được khai thác và phát huy thế mạnh với nhiều loại hình, sản phẩm, dịch vụ du lịch. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười cho biết, Bến Tre là địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch nông nghiệp nông thôn. Cùng với các tỉnh, thành phố trên cả nước, hoạt động du lịch nông nghiệp nông thôn của Bến Tre được khai thác và phát huy thế mạnh với nhiều loại hình, sản phẩm, dịch vụ du lịch như: Du lịch tham quan vườn dừa, vườn cây ăn trái, du lịch trải nghiệm sống trong nhà dân và tham gia sinh hoạt với người dân; tham quan, trải nghiệm tại làng nghề truyền thống, thưởng thức món ăn đặc trưng gắn liền với cây dừa, tham quan, mua sắm sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn OCOP...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre mong muốn nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận từ chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học đến từ các trường đại học, đơn vị kinh doanh du lịch để làm cơ sở vận dụng trong quá trình quản lý, xây dựng chương trình, đề án, kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh, của từng địa phương, đơn vị kinh doanh du lịch thời gian tới. Hội thảo góp phần đưa du lịch Bến Tre nói riêng, du lịch khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước ngày càng phát triển bền vững.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung phân tích, làm sáng tỏ nhiều vấn đề như: Giải pháp quy hoạch phát triển nông nghiệp; cơ chế, chính sách đặc thù, ưu tiên cho loại hình du lịch nông nghiệp; quy hoạch đào tạo, liên kết đào tạo, chuẩn hóa nguồn nhân lực cho mô hình du lịch nông nghiệp; giải pháp khắc phục tình trạng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, đảm bảo hoạt động sản xuất nông nghiệp; sự liên kết chặt chẽ giữa các bên trong mô hình phát triển du lịch nông nghiệp…

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho rằng, nhu cầu và xu hướng khách du lịch nội địa cũng như quốc tế đến các vùng nông thôn, nông nghiệp ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, du lịch nông nghiệp hiện nay chủ yếu mang tính tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng dịch vụ hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp. Liên kết ngành giữa Du lịch, ngành Nông nghiệp và khu vực nông thôn để tạo thành chuỗi giá trị sản phẩm chưa thực sự hiệu quả, chưa phát huy được lợi thế của một quốc gia nông nghiệp. Do vậy, hội thảo sẽ đưa ra các giải pháp hợp tác, xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp đa dạng, độc đáo nhằm thu hút khách du lịch, nâng cao thu nhập cho người nông dân cũng như phát huy, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.

Du khách tham quan trải nghiệm vườn cây ăn quả. (Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN).

Tiến sĩ Phan Thị Ngàn, Khoa Du lịch và Việt Nam học, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành chia sẻ, phát triển du lịch nông nghiệp như là hoạt động xuất khẩu tại chỗ của nông dân. Hoạt động du lịch nông nghiệp ở vùng nông thôn có thể tạo ra thị trường tiêu dùng mới, tăng thu nhập trung bình của nông dân thông qua việc bán thành quả sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ cho du khách, nhờ đó đảm bảo tính bền vững của ngành. Nông nghiệp kết hợp với du lịch là sự kết hợp tuyệt vời để nông dân tiếp tục gắn bó nghề nông, chăm sóc, duy trì, làm mới nông trang. Mặt khác, tính bền vững xã hội nông thôn sẽ được đảm bảo khi du lịch nông nghiệp tạo cơ hội cho người dân thiếu việc làm ở vùng nông thôn kiếm thu nhập tại nơi mình sinh sống, không phải đổ dồn về thành thị để mưu sinh…

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre, toàn tỉnh hiện có 41 homestay với sức chứa trên 1.000 khách, tập trung chủ yếu ở các huyện Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm, thành phố Bến Tre. Du lịch homestay góp phần không nhỏ trong việc thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm; đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Hoạt động của các hộ sản xuất nông nghiệp huyện Thạnh Phú đang bước đầu gắn kết với phát triển du lịch, du khách được hướng dẫn tham quan và mua sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương như xoài tứ quý, nghêu, tôm, cua…

Toàn tỉnh có 57 làng nghề đã được công nhận, trong đó 39 làng nghề nông nghiệp, 18 làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Các làng nghề nông nghiệp truyền thống chủ yếu sử dụng phương pháp sản xuất thủ công, tạo sự hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước khi tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm công đoạn tạo ra sản phẩm như: Sản xuất cây giống, hoa kiểng, hàng thủ công mỹ nghệ, dệt chiếu, đan giỏ cọng dừa, chế biến cá khô, rượu Phú Lễ, kẹo dừa, bánh tráng, bánh phồng...

Cùng với sản phẩm du lịch gắn nông nghiệp đang được khai thác, hiện nay, Bến Tre đang triển khai Đề án Làng Văn hóa Du lịch Chợ Lách, đây là một trong những nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Làng Văn hóa Du lịch Chợ Lách sau khi hoàn thành, đưa vào hoạt động sẽ là trung tâm du lịch, tham quan, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí mang tầm quốc gia trên cơ sở khai thác lợi thế sẵn có về tài nguyên văn hóa bản địa, tài nguyên thiên nhiên và sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của ngành Du lịch Bến Tre thời gian tới./.

Huỳnh Phúc Hậu

Xem thêm