UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ triển khai 22 dự án du lịch trọng điểm trên địa bàn; yêu cầu các ngành chức năng giám sát tiến độ, tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư.
TTXVN-Tỉnh Ninh Thuận đang tập trung triển khai các giải pháp đưa ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2025.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Long Biên, giải pháp cụ thể là làm tốt và hoàn thành công tác lập quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch ngành du lịch. Trong năm 2023, tỉnh thông qua đồ án, quyết định các đồ án quy hoạch xây dựng Khu du lịch quốc gia Ninh Chữ đến năm 2040; tham mưu, quyết định các đồ án quy hoạch phân khu đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch ven biển phía Nam; ban hành đề án phát triển kinh tế đô thị, trọng tâm là xây dựng Phan Rang - Tháp Chàm thành thành phố thông minh... Tỉnh thực hiện các giải pháp kích cầu du lịch; tham mưu kế hoạch tổ chức các hoạt động tại sự kiện “Năm Du lịch Quốc gia 2023 - Bình Thuận - Hội tụ xanh”; xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị tài nguyên rừng và biển Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa đến năm 2025...
Để đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch, tỉnh đầu tư các tuyến xe buýt nội tỉnh, tuyến Phan Rang - Cam Ranh (Khánh Hòa), Phan Rang - Bắc Bình (Bình Thuận); đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo tuyến đường ven biển và các tuyến đường kết nối đến các dự án, khu, điểm du lịch trọng điểm, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh. Tỉnh tham mưu chủ trương tận dụng hạ tầng sẵn có của sân bay Thành Sơn để khai thác thành sân bay lưỡng dụng; bổ sung sân bay Thành Sơn vào quy hoạch tổng thể Cảng Hàng không Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch quốc gia giai đoạn 2030, định hướng đến năm 2050.
Đặc biệt, UBND tỉnh chỉ đạo các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ triển khai 22 dự án du lịch trọng điểm trên địa bàn; yêu cầu các ngành chức năng và các địa phương theo dõi, giám sát tiến độ, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đưa dự án vào hoạt động, bảo đảm tiến độ được duyệt; tập trung đưa vào khai thác và đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án lớn như Dự án Sunbay Park Hotel & Resort, Dự án Khu du lịch sinh thái Nam Núi Chúa, Dự án Khu du lịch Bình Tiên, Dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Bãi Hõm...
Ông Nguyễn Long Biên cho biết, thời gian tới, tỉnh tập trung thực hiện ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động du lịch; thống kê, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch, kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Ứng dụng công nghệ số để kết nối nhằm hỗ trợ và tăng tính trải nghiệm cho khách du lịch; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú du lịch thực hiện chuyển đổi số trong vận hành, quản lý, lựa chọn giải pháp chiếu sáng tiện ích, thông minh và tiết kiệm năng lượng. Từ đó tạo nên những giá trị đặc biệt để du khách sử dụng và trải nghiệm dịch vụ du lịch với sự hài lòng, thân thiện nhất.
Ngành Du lịch tỉnh Ninh Thuận tiếp tục chủ động liên kết, hợp tác với các địa phương trên các lĩnh vực kêu gọi xúc tiến đầu tư; xúc tiến quảng bá, phát triển sản phẩm du lịch và đào tạo nguồn nhân lực; phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và khai thác tốt các cơ hội, nguồn lực để phát triển. Ngành tăng cường liên kết với các tỉnh lân cận như Lâm Đồng - Ninh Thuận - Bình Thuận - Khánh Hòa nhằm hình thành tứ giác trọng điểm phát triển du lịch; liên kết phát triển các sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh, hấp dẫn cao trong khu vực; đẩy mạnh hợp tác với tỉnh Khánh Hòa, liên kết, kết nối các tuyến du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù giữa hai tỉnh, khai thác thị trường khách quốc tế có đường bay thẳng tới Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh.
Ngành tiếp tục khảo sát, phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, xây dựng các sản phẩm đặc thù phục vụ du lịch; phát triển hệ thống dịch vụ du lịch như đẩy mạnh khai thác các giá trị tài nguyên phát triển du lịch; tăng cường khai thác du lịch cộng đồng tại huyện Bác Ái, đưa vào hoạt động hiệu quả, tăng sự trải nghiệm cho du khách, liên kết kết nối các điểm, tour du lịch mới trong tỉnh, quảng bá sản phẩm OCOP của tỉnh, nhằm phát huy hết sự đa dạng cũng như thế mạnh về sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, kết hợp sự đa dạng giữa du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch gắn với nông nghiệp nông thôn của địa phương có sự lồng ghép ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.
Năm 2023, tỉnh Ninh Thuận phấn đấu đón 2.700.000 lượt khách, trong đó khách nội địa đạt 2.680.000 lượt khách; khách quốc tế đạt 20.000 lượt khách; công suất sử dụng phòng đạt 60%; doanh thu từ du lịch đạt khoảng 1.900 tỷ đồng.
Tín hiệu vui của ngành Du lịch tỉnh trong năm 2023 là lượng khách quốc tế đến tỉnh ngày càng tăng. Trong dịp Tết Quý Mão vừa qua, tổng số du khách tới tham quan, nghỉ dưỡng tại tỉnh ước đạt 98.000 lượt khách, tăng 92,1% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế ước đạt 1.800 khách, tăng trên 172% so với cùng kỳ./.