Hội nhập

Chia sẻ những thách thức đối với Việt Nam trong hội nhập quốc tế

Việc nhận diện tác động của những thách thức, đặc biệt là những tác động trực tiếp đối với Việt Nam là cần thiết để giúp các nhà quản lý đưa ra những giải pháp ứng phó với các thách thức trong quá trình theo đuổi các mục tiêu phát triển của Việt Nam.

TTXVN - Ngày 22/3, tại Hà Nội, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “An ninh và tính dễ bị tổn thương: Việt Nam ở thời điểm quan trọng” nhằm mục đích trao đổi, chia sẻ quan điểm, đánh giá về những thách thức bên ngoài đối với Việt Nam trong hội nhập quốc tế.

 Tiến sỹ Phí Vĩnh Tường, Quyền Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới phát biểu khai mạc Hội thảo.
Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sỹ Phí Vĩnh Tường, Quyền Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho biết, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát đến nay, Việt Nam đã nỗ lực ứng phó với cuộc khủng hoảng y tế, có lẽ là vấn đề an ninh phi truyền thống lớn nhất trong những thập kỷ vừa qua nhằm đảo ngược những tác động xấu mà đại dịch COVID-19 mang tới cho các dân tộc và các nền kinh tế. Tuy nhiên sau đó, thế giới tiếp tục chứng kiến các cuộc xung đột vũ trang nổ ra ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Bản thân các cuộc xung đột vũ trang đó đặt thế giới vào việc giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống như: An ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh hàng hải...

Tiến sỹ Phí Vĩnh Tường nhấn mạnh, tác động to lớn mà các thách thức mang lại cho nền kinh tế, chính trị, xã hội của các quốc gia, khu vực và toàn thế giới. Việc nhận diện tác động của những thách thức đó, đặc biệt là những tác động trực tiếp đối với Việt Nam là cần thiết để giúp các nhà quản lý đưa ra những giải pháp ứng phó với các thách thức trong quá trình theo đuổi các mục tiêu phát triển của Việt Nam.

Diễn giả quốc tế trao đổi tại hội thảo. 
Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN

Đánh giá về những bất ổn kinh tế toàn cầu, tác động đến Việt Nam, Tiến sỹ Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, những bất ổn kinh tế toàn cầu trước hết phải kể đến suy thoái kinh tế toàn cầu, xung đột địa chính trị, chính sách thắt chặt tiền tệ, lạm phát ở mức cao và bất ổn về tài chính...

Cụ thể, năm 2023, nền kinh tế Việt Nam đối mặt nhiều khó khăn, thách thức như: Hệ thống tài chính tiền tệ ứng phó tốt với các cú sốc như chính sách tiền tệ thể hiện sự độc lập, tuy nhiên rủi ro vẫn còn nhiều, đặc biệt thị trường bất động sản, các tổ chức tài chính. Nền kinh tế ngày càng phụ thuộc vào bên ngoài, quy mô nền kinh tế càng lớn, mức độ độc lập tự chủ dường như càng giảm. Tăng trưởng kinh tế năm 2023 đạt 5,05%, thấp hơn mục tiêu đề ra là 6,5%, doanh nghiệp thiếu đơn hàng, xuất khẩu giảm 4,4%, nhập khẩu giảm 8,9% so với năm 2022. Tiến sỹ Phạm Anh Tuấn hy vọng, nền kinh tế Việt Nam triển vọng sẽ tích cực hơn ở nửa cuối năm 2024 bởi doanh nghiệp đã bắt đầu khôi phục các đơn hàng xuất khẩu.

Quang cảnh Hội thảo.
Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN

Nhân dịp này, các nhà khoa học, các chuyên gia đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học cùng các học giả quốc tế tập trung phân tích, đánh giá về một số vấn đề quan trọng như: Nhận diện những vấn đề an ninh (truyền thống và phi truyền thống) trên thế giới và khu vực tác động trực tiếp đến Việt Nam; những chiến lược và chính sách của các cường quốc có ảnh hưởng đến Việt Nam…; đề xuất cách thức ứng phó, giải quyết để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển của đất nước tới năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045./.

Diệu Thúy

Xem thêm