Ấn vàng được đúc vào tháng 3/1923, niên hiệu Minh Mệnh 4.
Bắc Ninh-Kinh Bắc là mảnh đất với truyền thống văn hiến và thừa hưởng trữ lượng di sản đồ sộ cùng kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú. Trong só các bảo vật đó, bảo vật vừa được công nhận là Kim bảo “Hoàng đế chi bảo” (hay còn gọi là ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” đang được lưu giữ tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Đây là niềm vinh dự, tự hào cũng là trách nhiệm của Bắc Ninh trong bảo tồn, phát huy giá trị các bảo vật này.
Theo tài liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh, ấn vàng được đúc vào tháng 3/1923, niên hiệu Minh Mệnh 4. Trải qua thời gian, ngày 30/8/1945, khi tuyên bố thoái vị, vua Bảo Đại đã chọn chiếc ấn đẹp nhất, quý nhất, biểu trưng của chế độ quân chủ thời Nguyễn là Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” cùng thanh bảo kiếm mà “phụ vương” của ông (là vua Khải Định trao lại) để bàn giao cho chính quyền cách mạng tại sân Ngọ Môn.
Sau này, do ảnh hưởng chiến tranh, năm 1952, hai cổ vật này đã rơi vào tay người Pháp và đến ngày 8/3/1952, người Pháp tổ chức lễ trao lại ấn kiếm cho cựu hoàng Bảo Đại với vai trò là Quốc trưởng, sau đó được đưa sang Pháp vào năm 1953. Trước khi qua đời (năm 1997), Bảo Đại đã di chúc để lại toàn bộ tài sản ở Pháp, trong đó có ấn vàng “Hoàng đế chi bảo,” cho vợ là bà Monique Baudot, người Pháp. Sau khi bà Monique Baudot qua đời năm 2021, các tài sản trên thuộc về những người thừa kế và được giao bán đấu giá vào cuối năm 2022.
Trải qua quá trình thương thảo, đàm phán, dưới sự bảo trợ của Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan Việt Nam và Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, ngày 18/11/2023, ấn “Hoàng đế chi bảo” đã về tới Việt Nam và hiện được trưng bày, bảo quản tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng.
Theo ông Nguyễn Hữu Mạo, Giám đốc Bảo tàng và Xúc tiến du lịch tỉnh Bắc Ninh: Ấn “Hoàng đế chi bảo” được lưu giữ tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng là hiện vật gốc, độc bản, đã được Hội đồng chuyên gia giám định cổ vật của Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia giám định.
Trong 143 năm tồn tại, triều Nguyễn cho chế tạo hơn 100 chiếc ấn gồm kim bảo và ngọc tỷ. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam đang lưu giữ, bảo lưu 85 chiếc ấn. Mỗi loại ấn có cách sử dụng riêng. Ấn “Hoàng đế chi bảo” được đúc bằng vàng ròng, nặng 10,78 kg, mặt hình vuông, kích thước 13,7x13,7cm, dày 2,2cm. Đây được coi là bảo ấn lớn nhất, đẹp nhất của triều Nguyễn, được dùng trong các dịp gặp khánh tiết ban ơn, đại xá thiên hạ, cáo dụ thân huân, đi tuần thú các nơi để xem xét các địa phương...
Sự hoàn hảo của chiếc ấn không chỉ ở màu vàng long lanh mà còn ở nghệ thuật tạo hình tượng rồng: Ấn “Hoàng đế chi bảo” được tạo tác dáng vẻ uy nghi, thân rồng cuốn thành một vòng tròn bao toàn bộ 4 chân rồng, chân phải rồng đạp lên thân rồng, đầu rồng vươn cao mạnh mẽ. Hai sừng to dài, phân chia rõ 2 nhánh. Đuôi rồng có 7 nhánh hình dẻ quạt nhưng uốn cong về phía trước. Thân rồng được phủ kín lớp vẩy kép, khiến hình tượng rồng càng mạnh mẽ. Việc sưu tầm, đưa ấn về Việt Nam thêm tư liệu giúp công tác nghiên cứu về hình tượng rồng thời Nguyễn, đặc biệt góp phần bổ sung bộ sưu tập kim bảo, ngọc tỷ của triều Nguyễn thêm hoàn thiện đầy đủ.
Hình tượng rồng trên ấn mang đầy đủ biểu tượng của vương quyền: trán rồng khắc chữ “vương”, chân đúc 5 móng biểu tượng cho mệnh thiên tử... Đế ấn mang đầy đủ thông tin về niên đại tuyệt đối, về trọng lượng, tuổi vàng sử dụng đúc ấn... Cho đến hiện nay, đây là chiếc ấn có kích thước lớn nhất, trọng lượng nặng nhất, còn đẹp nhất trong số các ấn của triều Nguyễn, cho thấy khả năng thẩm mỹ và bàn tay khéo léo của người thợ đúc ấn.
Bên cạnh ý nghĩa lớn về giá trị nghệ thuật, ấn vàng còn có giá trị về lịch sử, văn hóa. Đây là một trong những kim ấn quan trọng của vương triều Nguyễn. Ấn “Hoàng đế chi bảo" được cất giữ nghiêm ngặt. Đặc biệt, kim ấn này còn gánh vác sứ mệnh lớn khi được chọn là vật tượng trưng trong việc chuyển giao lịch sử khi vua Bảo Đại đã chọn chiếc ấn “Hoàng đế chi bảo” cùng thanh bảo kiếm tượng trưng cho đế quyền triều Nguyễn để trao lại cho chính quyền cách mạng tại sân Ngọ Môn. Sự kiện này đánh dấu cột mốc lịch sử quan trọng của cách mạng Việt Nam, chấm dứt sự thống trị hàng trăm năm của chế độ phong kiến triều Nguyễn và xóa bỏ chế độ phong kiến hàng nghìn năm.
Việc hồi hương ấn vàng là dấu mốc lịch sử của ngành Văn hóa khi đàm phán thành công để hồi hương di sản cho đất nước, giúp Việt Nam có tiếng nói mạnh mẽ hơn trên trường quốc tế, khẳng định Việt Nam có khả năng hồi hương các cổ vật.
Hiện ấn “Hoàng đế chi bảo” được bảo quản tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng trong điều kiện tốt về môi trường và an ninh. Ấn được trưng bày trang trọng trong tủ trưng bày làm bằng kính chống đạn. Đơn vị đang xây dựng bảo tàng với quy mô, chuyên nghiệp để trưng bày cổ vật và kết hợp một số Bảo tàng quảng bá di sản đến đông đảo nhân dân, khách tham quan.
Ông Nguyễn Văn Đáp, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh khẳng định, ấn “Hoàng đế chi bảo” được công nhận là bảo vật quốc gia là niềm tự hào và trách nhiệm của chính quyền và nhân dân Bắc Ninh nói chung, Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng nói riêng.
Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích, di vật, cổ vật trên địa bàn tỉnh, năm 2021, UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành quyết định Quy định về quản lý di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh. Căn cứ vào quyết định này, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các địa phương thường xuyên kiểm kê định kỳ, có kế hoạch bảo tồn, bảo quản từng bảo vật gắn với chất liệu khác nhau.
Để phát huy giá trị các di tích, bảo vật, tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo xuất bản ấn phẩm chuyên đề: Sách Văn bia Văn Miếu Bắc Ninh, sách Bảo vật quốc gia tỉnh Bắc Ninh, tài liệu du lịch…gắn phát huy giá trị Bảo vật quốc gia với đề án phát triển du lịch của tỉnh và tổ chức tour du lịch đưa khách tham quan về di tích có Bảo vật quốc gia. Đặc biệt, năm 2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo đưa vào giảng dạy môn Giáo dục địa phương, góp phần giới thiệu, quảng bá những di tích, bảo vật của tỉnh./.
- Từ khóa:
- bảo vật quốc gia
- ấn vàng
- Hoàng đế chi bảo