Bạc Liêu tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với nông dân trên địa bàn tỉnh năm 2023 với chủ đề “Hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy liên kết, hợp tác phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”.
(TTXVN)-Ngày 29/8, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với nông dân trên địa bàn tỉnh năm 2023 với chủ đề “Hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy liên kết, hợp tác phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”.
Tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho rằng, thời gian qua, nông nghiệp - nông dân - nông thôn Bạc Liêu có nhiều bước phát triển rõ rệt, đạt được mức tăng trưởng nhanh và ổn định. Trong những tháng đầu năm 2023, tuy phải đối diện với rất nhiều khó khăn thách thức của tình hình thế giới và trong nước cũng như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và hạn hán xâm nhập mặn, song nông nghiệp Bạc Liêu đạt được nhiều kết quả rất khả quan, tiếp tục là trụ đỡ quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì nông nghiệp - nông dân - nông thôn của Bạc Liêu vẫn đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức như: Sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, thiếu bền vững, vốn đầu tư xã hội vào phát triển nông nghiệp còn quá nhỏ so với nhu cầu. Sản xuất nông nghiệp chậm chuyển biến theo hướng hiện đại; năng suất chất lượng, giá trị thương mại, khả năng cạnh tranh và hiệu quả sản xuất nông sản chưa cao. Việc quy hoạch sản xuất nông nghiệp thiếu đồng bộ, không ổn định, nhất là quy hoạch các khu vực sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp xanh, hệ thống giao thông, thủy lợi, cấp thoát nước, xử lý môi trường..., đặc biệt là môi trường nuôi tôm siêu thâm canh. Ngoài ra, còn rất nhiều vấn đề phát sinh liên quan đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo nên những chồng lấn, mâu thuẫn, bất cập trong quản lý xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của nông dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh, Hội nghị đối thoại là diễn đàn quan trọng, dân chủ để đại diện cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh trực tiếp phản ánh tâm tư, nguyện vọng với Tỉnh ủy, UBND tỉnh về những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách liên quan đến nông nghiệp - nông dân - nông thôn trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là dịp để đánh giá toàn diện hơn cho nông nghiệp - nông dân - nông thôn nhằm tháo gỡ các nút thắt về cơ sở pháp lý và vai trò của các ngành, các cấp đối với đầu ra của nông, lâm, thủy sản; xuất xứ nông sản và thương hiệu; phát triển công nghiệp chế biến và bảo quản; phát triển hợp tác xã...
Trong không khí chân thành, cởi mở và xây dựng, đại diện nông dân các huyện đã đặt nhiều câu hỏi, trao đổi thẳng thắn các vấn đề như: Ô nhiễm môi trường nước do xả thải từ các hộ nuôi tôm công nghiệp; hỗ trợ vay vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất; giải pháp bình ổn thị trường và giảm chi phí trong sản xuất; đầu tư trang thiết bị y tế để khám chữa bệnh cho nhân dân….
Nông dân Trần Đức Quý ở xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải có ý kiến, người dân địa phương chủ yếu sống bằng nghề nuôi tôm công nghiệp, quảng canh tôm, cua, cá kết hợp. Tuy nhiên, hiện nay giá các loại thủy sản này giảm mạnh, trong khi giá cả thức ăn, con giống, thuốc xử lý tôm bị bệnh, xăng, dầu… lại không giảm hoặc tăng giá làm cho nhiều hội viên nông dân tuy thu hoạch có sản lượng nhưng vẫn không có lãi, một số hộ còn bị lỗ vốn. Thời gian tới, đề nghị UBND tỉnh cần có những giải pháp cụ thể để bình ổn giá cả.
Nông dân Lâm Quốc Viện ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình nêu ý kiến về thu nhập bình quân của nông dân thấp, có trên 90% hộ nghèo đang sống ở nông thôn, nhất là vùng dân tộc thiểu số. Thực tế, nông dân là đối tượng chịu nhiều rủi ro trong sản xuất và đời sống nhưng chế độ, chính sách hỗ trợ cho nông dân chưa nhiều, nhất là về vốn và việc làm; kiến nghị tỉnh có giải pháp thiết thực hơn để giúp đỡ, hỗ trợ nông dân vươn lên trong cuộc sống.
Nhiều vấn đề khác được nông dân kiến nghị như: giải quyết việc làm cho lực lượng lao động nông thôn; giải quyết khó khăn liên quan đến nước sinh hoạt; đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác sinh hoạt, giải quyết ô nhiễm môi trường; cơ chế chính sách khuyến khích chuyển đổi sản xuất, nuôi trồng thủy sản phù hợp với điều kiện đất đai, biến đổi khí hậu…
Tại hội nghị, các ý kiến, kiến nghị của nông dân đã được Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị trả lời trực tiếp, đồng thời cung cấp thêm các thông tin liên quan đến cơ chế, chính sách của Trung ương và tỉnh đối với các nhóm vấn đề nông dân quan tâm…
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều nhấn mạnh, buổi đối thoại với không khí dân chủ, sôi nổi, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng các Sở, ban, ngành đã được nghe những tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của cán bộ, hội viên, nông dân các cấp, đều là những nội dung rất quan trọng, “sát sườn” với đời sống của bà con.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo, ngay sau buổi đối thoại, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố cần triển khai các ý kiến đã trao đổi tại Hội nghị để giải quyết kịp thời thắc mắc của hội viên nông dân. Các đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ, chủ động tham mưu với UBND tỉnh các giải pháp để thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đáp ứng nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của nông dân. Cùng với đó, tập trung giải quyết những đề xuất, kiến nghị theo thẩm quyền để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa nông sản gắn với chuỗi giá trị trong nước và xuất khẩu./.