Khoa học

Chú trọng công tác lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích

Hưng Yên

Công tác lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Quá trình hiện đại hóa và tốc độ đô thị hóa nhanh đã trực tiếp tác động đến không gian, cảnh quan, phần nào làm biến đổi giá trị của các di tích.

Chùa Chuông là một trong những di tích tiêu biểu nằm trong khu di tích Quốc gia đặc biệt Phố Hiến. (Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN)

TTXVN - Trưởng Ban Quản lý di tích tỉnh Hưng Yên Nguyễn Thị Thu Hường cho biết, trên địa bàn hiện có 1.802 di tích lịch sử văn hóa; trong đó có 3 di tích, khu di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; 175 di tích và cụm di tích được xếp hạng cấp quốc gia; 7 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia, cùng hàng nghìn tài liệu, hiện vật, cổ vật có giá trị.

Hưng Yên còn là nơi lưu giữ hơn 500 lễ hội truyền thống mang đậm văn hóa, phong tục Việt như: Lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến (thành phố Hưng Yên), Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung (huyện Khoái Châu), Lễ hội cầu mưa ở Lạc Hồng (huyện Văn Lâm), Lễ hội đền Đậu An (huyện Tiên Lữ)...

Tỉnh còn có hàng trăm làng nghề truyền thống như: Hương xạ thôn Cao, đan đó Thủ Sỹ, hoa - cây cảnh huyện Văn Giang, đúc đồng Lộng Thượng cùng nhiều đặc sản nổi tiếng hấp dẫn du khách như nhãn lồng, gà Đông Tảo, bún thang lươn, chè sen long nhãn...

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hường, từ khi thành lập (năm 2005) đến nay, Ban Quản lý di tích tỉnh đã thực hiện công tác lập hồ sơ khoa học, đề nghị xếp hạng các di tích theo đúng quy trình, quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đây là công việc xác định giá trị khoa học, phát hiện tư liệu nhằm tìm lại và trả về cho di tích; trên cơ sở đó, nghiên cứu, lập hồ sơ đề nghị các cấp có thẩm quyển công nhận xếp hạng di tích.

Giai đoạn 2018 - 2023, Ban Quản lý Di tích tỉnh đã tiến hành lập hồ sơ khoa học và trình các cấp có thẩm quyền xem xét xếp hạng hai Di tích quốc gia đặc biệt là: Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Thái Lạc, huyện Văn Lâm (năm 2018) và Di tích Quốc gia đặc biệt đền An Xá, huyện Tiên Lữ (năm 2020); 10 di tích, cụm di tích cấp quốc gia; 57 di tích, cụm di tích cấp tỉnh; 7 Bảo vật quốc gia và 4 lễ hội truyền thống được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tuy nhiên, công tác lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Quá trình hiện đại hóa và tốc độ đô thị hóa nhanh đã trực tiếp tác động đến không gian, cảnh quan, phần nào làm biến đổi giá trị của các di tích, gây khó khăn cho việc lập hồ sơ xếp hạng.

Một số di tích trong quá trình bảo quản, tu bổ, tôn tạo chưa đảm bảo đúng quy trình hoặc giao cho các đơn vị tư vấn thiết kế không đạt năng lực dẫn đến việc tu bổ mất đi các cấu kiện, yếu tố gốc của di tích…

Thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tiếp tục tham mưu, đề xuất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm ban hành Thông tư quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, định mức kinh tế, kỹ thuật kiểm kê, lập hồ sơ xếp hạng Di tích Lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Sở tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích. Đơn vị tiếp tục tham mưu với tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong thực hiện các chế độ, chính sách, công tác quản lý, tu bổ tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn; khuyến khích hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích từ nguồn kinh phí xã hội hóa; bảo tồn và phát huy giá trị các di tích gắn với phát triển du lịch.

Hưng Yên là địa phương có nhiều di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu; trong đó có các di tích cấp quốc gia nổi tiếng như: Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Phố Hiến (thành phố Hưng Yên), Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Thái Lạc (huyện Văn Lâm), Di tích Quốc gia đặc biệt đền An Xá, (huyện Tiên Lữ)...

Do đó, ngoài việc đầu tư, trùng tu, tôn tạo, tỉnh luôn chú trọng công tác lập hồ sơ xếp hạng di tích. Đây là tiền đề trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích./.

PV

Tin liên quan

Xem thêm