Khoa học

Tiếp cận công nghệ số làm phong phú đời sống tinh thần người cao tuổi m

Hà Nội

Nhiều chuyên gia, nhà xã hội học khẳng định, internet nói chung và mạng xã hội nói riêng đã làm thay đổi cuộc sống của con người và mở ra một thế giới mới đối với người già, người cao tuổi.

TTXVN - Về hưu gần chục năm, hàng ngày, ông Đỗ Văn Ước (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trông cháu và chăm sóc cây cảnh trong vườn nhà... Sức khỏe và tinh thần vẫn tốt nhưng nghỉ công tác chuyên môn, đầu óc ít hoạt động, nhiều lúc khiến ông Ước cảm thấy bí bách.

Từ nhu cầu thực tế, ông đề xuất với chi bộ nơi cư trú tham gia công tác xã hội ở địa phương, hàng ngày cùng mọi người đi tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự… Ông sắm điện thoại thông minh để tham gia nhóm các câu lạc bộ trên địa bàn. Được hướng dẫn sử dụng, ông Ước cùng nhiều người cao tuổi đã thành thạo cách truy cập internet, đọc báo online, vào facebook, zalo kết bạn, trao đổi thông tin…

Không chỉ ông Ước, nhiều người cao tuổi trên cả nước nhờ “chơi” facebook mà đời sống tinh thần được nâng cao, phong phú, sinh động hơn, thoát được những ưu tư, trầm mặc của tuổi già. Nhiều người qua “face” mà tìm lại được bạn bè cũ đã thất lạc qua mấy mươi năm, ôn lại kỷ niệm. Việc kết nối với con cháu ở xa trở nên đơn giản, khiến tình cảm gia tình từ đó trở nên gần gũi, thân thiết hơn.

Một trong những tác dụng rất thiết thực của việc tiếp cận công nghệ, đó là người cao tuổi dễ dàng xem tin tức, đọc báo, đọc sách trên internet mọi lúc, mọi nơi. Nhiều người cho biết, nhờ “lên mạng” nên có thêm kiến thức về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tự chăm sóc cho bản thân, hiểu biết về thế giới rộng lớn với đủ chuyện đông tây kim cổ khiến cuộc sống cảm thấy thú vị, không buồn tẻ.

Thông qua nền tảng công nghệ số, người cao tuổi dễ dàng cập nhật kiến thức, có thêm cơ hội giao lưu, chia sẻ thông tin chăm sóc sức khỏe bản thân. Tiếp cận công nghệ số không chỉ cải thiện, làm phong phú đời sống tinh thần, thay đổi bản thân, mà còn giúp người cao tuổi nâng cao trình độ hiểu biểu biết để kéo dài tuổi thọ và sống có ích hơn.

Bà Nguyễn Thị Hồng (70 tuổi, ở Phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) cho hay, từ khi được cháu chỉ cho cách dùng điện thoại thông minh, bà có thể tìm hiểu kỹ hơn những căn bệnh thường gặp ở người già và cách phòng tránh. Bên cạnh đó, việc tìm hiểu cách ăn uống sao cho khoa học, phù hợp với người cao tuổi là điều hết sức cần thiết mà theo bà Hồng, nếu không biết sử dụng thiết bị thông minh, không thể hiểu được. “Cầm chiếc điện thoại và biết cách sử dụng là có cả thế giới trong tay, nâng cao sự hiểu biết cho bản thân, khiến cuộc sống không nhàm chán”, bà Hồng cho hay.

Nhiều chuyên gia, nhà xã hội học khẳng định, internet nói chung và mạng xã hội nói riêng đã làm thay đổi cuộc sống của con người và mở ra một thế giới mới đối với người già, người cao tuổi, tiếp thêm sinh lực và tâm trí cho nhiều người theo những cách khác nhau. Vì thế, “chơi” facebook, mạng xã hội… là cách giúp người già tránh được cảm giác cô độc, buồn chán và nhất là kéo dài tuổi thọ trong niềm vui đời thường mỗi ngày.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình (Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng, thông qua công nghệ số, người cao tuổi trở nên an toàn hơn vì các thành viên trong gia đình có thể theo dõi, biết được bố mẹ, ông bà ở nhà gặp phải những khó khăn gì. Nhiều người cao tuổi đã có thể mua hàng hóa, hoặc đăng ký một số dịch vụ khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế thông qua nền tảng số. Điều này giúp cho người cao tuổi tiếp cận được với công nghệ hiện đại ở môi trường sống xung quanh và giúp cho người già thu hẹp được khoảng cách đối với giới trẻ.

Một công bố gần đây của Công ty nghiên cứu thị trường eMarketer cho thấy, mạng xã hội facebook đang dần mất đi sức hút với giới trẻ nhưng lại đón nhận làn sóng người dùng trên 55 tuổi. Nguyên nhân được đưa ra là người cao tuổi có nhiều thời gian, họ có nhu cầu kết nối bạn bè, chia sẻ những câu chuyện trong cuộc sống. Đặc biệt, hiện nay, các gia đình nhiều thế hệ ít dần, con cái có xu hướng lập gia đình sẽ tách ra ở riêng. Không chỉ để vơi nỗi cô đơn, nhiều người cao tuổi tìm ra cách để công nghệ trở nên thú vị và ý nghĩa hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích, nhiều nhà khoa học cho biết, việc người cao tuổi sử dụng mạng Internet cũng có những mặt trái vì người già là đối tượng dễ tổn thương trong xã hội nên việc đưa ra các khuyến nghị để bảo vệ họ cũng hết sức quan trọng trong thời đại công nghệ hiện nay.

Đã có rất nhiều trường hợp tội phạm công nghệ đã lợi dụng lòng tin, sự thật thà của người cao tuổi để đưa ra những chiêu lừa đảo, dụ dỗ và chiếm đoạt nhiều tài sản… Bộ Công an đã nhiều lần khuyến cáo, người lớn tuổi cần tỉnh táo, cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo trên mạng, tránh kết bạn với người lạ, không chuyển tiền và thông tin cá nhân của mình cho bất cứ ai trên mạng...

Có thể nói, dù tồn tại cả ưu lẫn nhược điểm nhưng việc người cao tuổi tiếp cận và sử dụng công nghệ vẫn được xã hội hết sức ủng hộ và cho rằng, đó cũng là một trong những giải pháp giúp người cao tuổi nâng cao đời sống tinh thần.

Người cao tuổi là nông dân có cơ hội tiếp xúc với thế giới bên ngoài, mở mang kiến thức thông qua mạng xã hội, người cao tuổi là cán bộ nghỉ hưu có điều kiện cập nhật thông tin về tình hình chính trị, ngoại giao, sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước để không nghĩ mình bị tụt hậu so với thế hệ trẻ. Không ít các chuyên gia, nhà khoa học sau khi về hưu, nhờ có thể tiếp cận công nghệ số vẫn tiếp tục làm việc, cống hiến cho đất nước.

Có thể thấy, thời đại công nghệ số phát triển, Internet phủ sóng rộng rãi từ thành thị đến nông thôn không chỉ giúp mọi người dễ dàng kết nối với nhau, mà còn là kho dữ liệu khổng lồ về tri thức, thông tin, giải trí…, đem lại nhiều tiện ích cho người sử dụng, trong đó có người cao tuổi.

Dù có những rào cản về tuổi tác nhưng đa phần người cao tuổi trên cả nước vẫn đang cố gắng tiếp cận với công nghệ hiện đại, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần, giúp người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích…

Theo thống kê, cả nước hiện có trên 6,5 triệu người cao tuổi đang tham gia lao động sản xuất, kinh doanh, 656.000 người tham gia công tác Đảng, đoàn thể, thanh tra nhân dân, hòa giải cơ sở; trên 300.000 người tham gia các tổ an ninh nhân dân phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự an ninh cơ sở…

Nhiều người cao tuổi sau khi về hưu vẫn tiếp tục tham gia quản lý, giảng dạy ở các trường tư thục mầm non, phổ thông, đại học. Nhiều người cao tuổi là nhà khoa học, nghệ nhân văn hóa... vẫn hăng say làm việc, tạo ra những sản phẩm, tác phẩm có giá trị cao, góp phần vào sự phát triển của đất nước. Nhiều người cao tuổi cho biết, công nghệ số giúp họ rất nhiều trong việc kết nối với các đầu mối, giải quyết công việc nhanh chóng, hiệu quả hơn./.

PV

Xem thêm