Khoa học

Khoa học và công nghệ động lực phát triển đất nước

Nguồn lực tài chính từ xã hội cho khoa học - công nghệ tăng mạnh. Tỷ trọng đầu tư giữa Nhà nước và doanh nghiệp được cải thiện theo chiều hướng tích cực

Các học viên thực hành lập trình và vận hành Robot tại Trung tâm Đào tạo khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN phát)

TTXVN - Trải qua 15 năm, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước- Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng về công tác trí thức đã thể hiện rõ tính hiệu quả trong thu hút, trọng dụng nhân tài. Cùng với đó, nâng cao nhận thức toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

* Phát triển ngành khoa học và công nghệ

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, các bộ, ngành, địa phương các cấp đã triển khai nhiều văn bản pháp luật, chương trình, đề án xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức theo ngành, lĩnh vực khác nhau, đóng góp to lớn đối với sự phát triển ngành khoa học và công nghệ. Từ đó, nâng cao nhận thức xã hội, xây dựng và phát triển đất nước, đạt được những thành quả nổi bật. Tiêu biểu như: Tốc độ tăng trưởng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 5,8% (cao hơn mức 4,3% năm của giai đoạn 2011 - 2015). Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020.

Hệ sinh thái Việt Nam bắt đầu hình thành và phát triển với khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cùng số lượng vốn được công bố đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đạt gần 1 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành quốc gia năng động thứ 3 ASEAN về khởi nghiệp sáng tạo. Hệ thống sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn đo lường chất lượng ngày càng được hoàn thiện cũng góp phần không nhỏ trong hoạt động nghiên cứu sáng tạo, nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa của đất nước trong thời kỳ hội nhập…

Khoa học cơ bản cũng đạt được nhiều thành tựu, thể hiện qua các chỉ số xếp hạng, công bố quốc tế. Số lượng bài báo công bố quốc tế ISI của Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2020 tăng trung bình 20%. Riêng trong năm 2020, công bố quốc tế của Việt Nam tăng 45% so với năm 2019.

Bên cạnh đó, nguồn lực tài chính từ xã hội cho khoa học - công nghệ tăng mạnh. Tỷ trọng đầu tư giữa Nhà nước và doanh nghiệp được cải thiện theo chiều hướng tích cực. Nếu 10 năm trước đây, kinh phí hoạt động khoa học - công nghệ chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước (chiếm khoảng 70% - 80% tổng đầu tư cho khoa học - công nghệ), thì nay đầu tư từ ngân sách nhà nước và từ doanh nghiệp đã tương đối cân bằng, với tỷ lệ tương ứng là 52% và 48%.

150 gian hàng giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Đắk Lắc (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Hệ thống các tổ chức khoa học - công nghệ phát triển mạnh, đội ngũ nhân lực khoa học - công nghệ phát triển cả về số lượng và chất lượng với khoảng 72.990 cán bộ nghiên cứu tương đương toàn thời gian (đạt 7,6 người/vạn dân), trong đó, có nhiều nhà khoa học uy tín, được thế giới công nhận. Hệ thống sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng ngày càng hoàn thiện, góp phần khuyến khích hoạt động nghiên cứu sáng tạo trong nước, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, bất cập trong đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ của nước ta hiện nay. Đó là về ngành nghề, độ tuổi, giới tính, thiếu các tập thể khoa học mạnh, thiếu các cán bộ đầu ngành có khả năng dẫn dắt các hướng nghiên cứu mới…

Khẳng định trí thức khoa học và công nghệ được hiểu là một bộ phận hợp thành của đội ngũ trí thức Việt Nam, có vai trò quyết định đẩy nhanh tiến trình thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang cho rằng, để khoa học và công nghệ trở thành động lực phát triển đất nước, cần phải có các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ của đội ngũ trí thức, đặc biệt là trong bối cảnh cách mạng khoa học công nghệ và cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.

Chia sẻ quan điểm về công tác xây dựng đội ngũ trí thức, trọng dụng nhân tài, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt khẳng định, trọng dụng nhân tài là vấn đề cốt lõi, cần lưu tâm; cần tập trung xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao gồm các nhà khoa học đầu ngành; các nhà khoa học chủ trì các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học quan trọng của đất nước, đặc biệt là đội ngũ cán bộ nghiên cứu trẻ. Đây là nhiệm vụ quan trọng, cần có sự phối hợp của ngành Giáo dục và Đào tạo cùng ngành Khoa học và Công nghệ.

* Giải pháp hoàn thiện chính sách

Thủ tướng nêu rõ: “Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo phải gắn liền với thực tiễn, các Xu hướng của thế giới; phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, đồng thời có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số lĩnh vực đặc thù, có thế mạnh của Việt Nam”.

Khẳng định đầu tư cho nhân lực khoa học và công nghệ là đầu tư cho phát triển bền vững, nâng tầm trí tuệ và sức mạnh của dân tộc; khuyến khích phong trào nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo ở tất cả các lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp…, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, mạnh dạn đề xuất, triển khai các chế độ, chính sách đãi ngộ vượt trội cho đội ngũ khoa học, công nghệ; khơi dậy niềm đam mê, khát vọng cống hiến, tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, khuyến khích sự dấn thân, dám đối diện với rủi ro trong thực hiện các nhiệm vụ khoa học, công nghệ. Từ đó, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, mang lại ấm no và hạnh phúc cho nhân dân.

Trong bối cảnh phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo được Đại hội XIII của Đảng xác định là một trong những đột phá chiến lược của đất nước; trong đó, đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam chính là hạt nhân quan trọng của tiến trình này, việc xây dựng, đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách đối với đội ngũ này trong thời gian tới là rất cấp thiết.

Tiếp nối bước thành công của Nghị quyết 27, ngày 31/7/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 899/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan trưng bày sản phẩm ứng dụng khoa học và công nghệ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Chiến lược có mục tiêu là xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chính sách, giải pháp mạnh, đột phá để thu hút và trọng dụng nhân tài (cả trong và ngoài nước) đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực mũi nhọn như: Khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa; khoa học xã hội; y tế; thông tin và truyền thông, chuyển đổi số... Qua đó, góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, thực hiện mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2050 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Về trách nhiệm thực hiện, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định thu hút, trọng dụng, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài hoạt động Khoa học và Công nghệ, bao gồm cả người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ tại Việt Nam. Cùng với đó, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan xây dựng đề án thiết lập, phát triển mạng lưới chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam toàn cầu; rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách ưu đãi về vốn, thuế và các ưu đãi đối với nhân tài hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Tại sự kiện nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt giới trí thức, 10 năm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5/2013 – 18/5/2023), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam là quốc gia đạt tiến bộ và có tiềm năng lớn với giá trị ngày càng tăng về đổi mới sáng tạo, nhất là đối với thế hệ trẻ. Nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam ngày càng quan tâm, tập trung đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ thông qua các quỹ, viện nghiên cứu, trường đại học, trung tâm và các loại hình liên kết... Chỉ số đổi mới sáng tạo thuộc nhóm 50 quốc gia dẫn đầu thế giới.

Cùng với đó, đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ ngày càng lớn mạnh, phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nhiều nhà khoa học Việt Nam, trong đó có các nhà khoa học nữ, khoa học trẻ đã có những nghiên cứu mang tầm ảnh hưởng khu vực và quốc tế. Thị trường khoa học, công nghệ đã được hình thành, bước đầu phát huy tác dụng và đạt một số kết quả tích cực.

Để thực hiện Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ 10 năm 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045, phải tiếp tục đổi mới tư duy và hành động một cách quyết liệt nhằm khai thông, giải phóng tối đa, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, đặc biệt là phát huy mạnh mẽ trí tuệ và sức sáng tạo của con người Việt Nam, lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo làm một động lực tăng trưởng chủ yếu./.

PV

Tin liên quan

Xem thêm