Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, việc bảo hộ giống cây trồng mới chỉ dừng lại ở các giống cây lương thực như lúa, ngô... trong khi các giống cây ăn quả, cây lâu năm chưa được quan tâm bảo hộ.
TTXVN - Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2022 tăng 3,33% so với năm 2021, trong đó, giá trị sản xuất trồng trọt tăng 2,88%. Việc ra đời những giống cây trồng mới đã tạo ra nhiều giá trị mới, nhất là trong xuất khẩu nhưng cũng đặt ra không ít thách thức trong việc bảo hộ cũng như thực thi pháp luật về bảo hộ giống cây trồng tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Từ thời điểm Việt Nam tham gia Công ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới (UPOV), Việt Nam đã và đang tích cực trong việc bảo hộ thêm nhiều nguồn giống mới cũng như sửa đổi và hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ hiện hành phù hợp với tinh thần của Công ước. Theo báo cáo, công tác bảo hộ giống cây trồng tại Việt Nam đang cho thấy những tín hiệu tích cực, song chưa đáp ứng được mục tiêu đã đề ra, bởi người nông dân làm nông nghiệp chưa ý thức được tầm quan trọng cũng như vai trò của việc bảo hộ cây trồng trong sản xuất và xuất khẩu.
Tính đến tháng 6/2023, các giống đăng ký bảo hộ mới chủ yếu là cây lương thực, trong khi đó, các giống cây ăn quả chưa được các tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ, điều này đặt ra những lo ngại về việc mất các giống quý hiếm do bị du nhập vào các nước trong khu vực và quốc tế. Việt Nam đã nghiên cứu, phát triển được một số giống thanh long ruột đỏ chất lượng cao, bước đầu đem lại giá trị kinh tế và nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân, nhưng Việt Nam lại chưa chú trọng đến vấn đề đăng ký bản quyền, sở hữu và bảo hộ giống thanh long ruột đỏ, gây trở ngại cho việc xuất khẩu thanh long ruột đỏ của Việt Nam ra thị trường quốc tế.
Giống nhãn tím tại Sóc Trăng cũng được phát hiện và nhân giống cách đây vài năm nhưng người dân, các tổ chức, cá nhân chưa quan tâm đến hoạt động bảo hộ giống nguy cơ sẽ đánh mất khả năng độc quyền giống cây mới, tác động trực tiếp tới việc bảo tồn và phát triển các giống tiên tiến có hiệu quả kinh tế cao.
Trên thực tế, người nông dân tham rẻ thường chọn các giống không rõ nguồn gốc xuất xứ, thay vì chọn mua các giống đã được cấp chứng nhận bản quyền. Vì vậy, không chỉ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp chọn tạo được giống mới cần nâng cao ý về sở hữu trí tuệ trong bảo hộ giống cây trồng mà người nông dân cũng cần chú ý vấn đề này.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, việc bảo hộ giống cây trồng mới chỉ dừng lại ở các giống cây lương thực như lúa, ngô... trong khi các giống cây ăn quả, cây lâu năm chưa được quan tâm bảo hộ.
Việt Nam có tới hơn 10.000 loại nhưng lượng cây trồng nông nghiệp được bảo hộ chưa tới 10%. Cục Sở hữu trí tuệ đang tích cực hướng dẫn và đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân trong quá trình đăng ký bảo hộ giống cây trồng mới.
Bên cạnh đó, hỗ trợ việc điều tra, thu thập, lưu giữ và xây dựng ngân hàng gen giống cây trồng, bởi, nguồn gen giống chính là tài sản của mỗi quốc gia.
Nhằm phù hợp với tinh thần của Công ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới cũng như tình hình thực tế hiện nay, Việt Nam đã và đang tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc bảo hộ giống cây trồng để tránh tình trạng giống cây trồng được bảo hộ, đăng ký độc quyền nhưng vẫn bị nhái như: Giống lúa Đài thơm, OM5451 hay ST24, ST25... đã ảnh hưởng tới quyền lợi của chủ thể quyền, không những vậy còn ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng./.