Xã hội

Thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nông nghiệp đặc thù

Bạc Liêu

Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển tài sản trí tuệ đối với các đặc sản địa phương phía Nam”.

TTXVN - Ngày 29/12, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển tài sản trí tuệ đối với các đặc sản địa phương phía Nam”. Tham dự có ông Lê Duy Anh, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ; ông Phan Thanh Duy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu và cùng lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển tài sản trí tuệ đối với các đặc sản địa phương phía Nam”. (Ảnh: Chanh Đa/TTXVN)

Hội thảo là dịp để tỉnh có cơ hội hợp tác, học hỏi kinh nghiệm, từng bước khắc phục hạn chế, củng cố và nâng cao hiệu quả mọi mặt trong hoạt động sở hữu trí tuệ và quản lý sở hữu trí tuệ như: hoạt động phát triển tài sản trí tuệ, hoạt động tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, công tác xúc tiến quảng bá cho các sản phẩm được bảo hộ, sự phối hợp hoạt động về sở hữu trí tuệ giữa các ngành hữu quan, nhất là nhận thức của các doanh nghiệp, cá nhân có liên quan đến sở hữu trí tuệ, nhằm góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, xã hội góp phần nâng cao đời sống của nhân dân. Hội thảo còn đóng vai trò quan trọng nhằm thúc đẩy các hoạt động sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu và các tỉnh, thành phố phía Nam; hỗ trợ người nông dân, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nâng cao ý thức về sở hữu trí tuệ trong bảo hộ giống cây trồng, vật nuôi.

Ông Lê Huy Anh, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, việc bảo hộ và khai thác hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực, đặc thù đã và đang góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân nơi có đặc sản. Việc này giúp nâng cao năng lực, vị thế của các địa phương và doanh nghiệp, giúp tạo ra các sản phẩm có giá trị thương hiệu lớn, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước. Nhiều đặc sản đã trở thành những thương hiệu lớn, có uy tín, danh tiếng không chỉ ở thị trường trong nước mà còn ở thị trường quốc tế như: nước mắm Phú Quốc, bưởi da xanh Bến Tre, xoài cát Hòa Lộc, gạo thơm Sóc Trăng, muối Bạc Liêu, cua Cà Mau... Tuy nhiên, nhiều đặc sản nổi tiếng của vùng đang bị mai một và biến mất dần khỏi trí nhớ của người tiêu dùng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do địa phương chưa quan tâm đầu tư đúng mức việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho các đặc sản địa phương.

Tại đây, các chuyên gia, doanh nghiệp, hiệp hội, cơ quan, ban, ngành đã có nhiều chia sẻ về các nội dung như: Quy định pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các đặc sản địa phương; Thực trạng và kinh nghiệm trong việc bảo hộ, quản lý, khai thác và phát triển quyền sở hữu trí tuệ đối với đặc sản các tỉnh miền Tây Nam Bộ; Giải pháp cho việc quản lý, khai thác và phát triển thương hiệu đối với các đặc sản địa phương khu vực phía Nam…

Theo Thạc sỹ Lê Quốc Hội (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu), Bạc Liêu hiện có trên 3.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động đã tạo giá trị sản phẩm hàng hóa hàng ngàn tỷ đồng/năm. Nhìn chung, năng lực sản xuất, kinh doanh cũng như số lượng sản phẩm còn hạn chế. Hàng hóa của các doanh nghiệp địa phương phát triển chưa bền vững bởi vì còn nhiều sản phẩm chưa được bảo hộ, chưa xây dựng và định vị được thương hiệu. Các doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu là sản xuất các mặt hàng nhỏ, gia công và phân phối hàng hóa là chính. Do đó, ý thức trong việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ về đăng ký nhãn hiệu còn chưa được chú trọng. Từ năm 2019 - 2023, Cục Sở hữu trí tuệ đã nhận khoảng 245 đơn đăng ký nhãn hiệu của tỉnh và đã cấp cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn khoảng 178 Giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ./.

Chanh Đa

Tin liên quan

Xem thêm