Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương: Tiếp tục đầu tư phòng đọc sách cho các xã, phường, thị trấn
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về ý nghĩa, mục đích, yêu cầu và tầm quan trọng của Đề án; trách nhiệm trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện; tăng cường nắm bắt nhu cầu của cán bộ, đảng viên và nhân dân
TTXVN - Chiều 28/12, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn (2009 - 2023) theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chủ trì Hội nghị.
Ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả, thành tích của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp; Hội đồng chỉ đạo, Ban Tổ chức thực hiện Đề án; các đơn vị thực hiện Đề án trong việc triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án 15 năm qua, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về ý nghĩa, mục đích, yêu cầu và tầm quan trọng của Đề án; trách nhiệm trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện; tăng cường nắm bắt nhu cầu của cán bộ, đảng viên và nhân dân,... từ đó xác định mục tiêu, kế hoạch xuất bản phù hợp về đề tài, số lượng.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương lưu ý cần tiếp tục đổi mới công tác lựa chọn đề tài, biên soạn nội dung sách cho phù hợp với tình hình thực tiễn; bố trí nguồn kinh phí đầu tư xây dựng phòng đọc sách, trang thiết bị phục vụ cho việc quản lý, bảo quản, sử dụng sách, đồng thời với việc tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, đơn vị thực hiện tốt việc tiếp nhận, quản lý, nghiên cứu, học tập sách của Đề án. Ngoài ra, công tác tuyên truyền thực hiện Đề án tiếp tục được đẩy mạnh, trong đó chú trọng phát hiện, biểu dương và đề nghị nhân rộng những mô hình tốt, sáng tạo trong việc bảo quản, sử dụng sách; đẩy mạnh số hóa, xuất bản và phát hành sách điện tử trên mạng internet, tạo điều kiện thuận lợi trong việc khai thác, tra cứu, tìm hiểu.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu Hội đồng chỉ đạo, Ban Tổ chức Đề án tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc; khẩn trương hoàn thiện báo cáo, đề xuất Ban Bí thư Trung ương Đảng về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Đề án một cách phù hợp nhất trong giai đoạn tiếp theo, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của cấp cơ sở trong tình hình mới.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Trọng Lâm - Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật cho biết, các hoạt động và sản phẩm của Đề án đã góp phần quan trọng vào việc cung cấp vũ khí tư tưởng sắc bén đến tận cấp cơ sở trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tăng cường năng lực và sức chiến đấu của hệ thống chính trị; củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Các sản phẩm sách của Đề án góp phần đáng kể trong việc bồi dưỡng đạo đức, nhân cách mới, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời phổ biến những thông tin, tri thức hữu ích về các lĩnh vực kinh tế, sản xuất, kinh doanh, làm phong phú thêm đời sống văn hóa - xã hội của cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận và thống nhất, qua 15 năm triển khai (2009 - 2023), Đề án thực sự phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở. Đề án nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể ,của đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân, trở thành một trong những Đề án có ý nghĩa thiết thực đối với việc đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cấp xã, phường, thị trấn.
Trong điều kiện nguồn kinh phí của các xã, phường, thị trấn dành cho việc mua sách còn khó khăn, đặc biệt đối với các xã ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc triển khai trang bị sách của Đề án đã góp phần giúp cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân ở cơ sở có thêm nguồn tài liệu chính thống, tin cậy để nghiên cứu, học tập, ứng dụng trong thực tiễn.
Đến nay, Đề án đã trang bị cho cơ sở xã, phường, thị trấn ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước 593 đầu sách (cả đĩa CD-ROM và CD Audio), với tổng số hơn 14 triệu bản in. Để tăng cường hiệu quả của Đề án, Trang Thư viện sách điện tử (Thuviencoso.vn) đã được xây dựng từ đầu năm 2020 và cung cấp bản số hóa hơn 500 đầu sách của Đề án, phục vụ việc đọc và tra cứu trực tuyến của cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở.
Để tiếp tục triển khai một cách thiết thực, hiệu quả Đề án, nhiều đại biểu đã đề xuất các nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục nâng cao chất lượng nội dung, hình thức sách của Đề án, tăng cường xuất bản sách điện tử và phổ biến nội dung sách trên mạng xã hội và các nền tảng số; chú trọng tăng cường xuất bản thêm nhiều đầu sách nói, sách hình ảnh, sách đa phương tiện, sách bằng nhiều thứ tiếng phục vụ đồng bào các dân tộc thiểu số...
Tại Hội nghị, Ban Tuyên giáo Trung ương đã trao 2 Bằng khen tặng tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác chỉ đạo, triển khai Đề án và 9 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức, thực hiện Đề án./.