Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu năm 2024 có 87% lao động qua đào tạo, phấn đấu có 30.000 việc làm tăng thêm, số người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng là 600 người.
TTXVN - Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh thông tin, năm 2023, tỉnh tạo việc làm tăng thêm cho trên 23.400 lao động, tăng 1,8 lần so với năm 2022, dần đáp ứng nhu cầu lao động tại các Khu công nghiệp, doanh nghiệp, hợp tác xã, các ngành nghề trong tỉnh. Số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ước đạt 1.207 người, tăng khoảng 3 lần so với kế hoạch năm.
Đối với công tác giáo dục nghề nghiệp, năm 2023, tuyển sinh đào tạo nghề đạt 39.500 người, trong đó trình độ đào tạo Cao đẳng và Trung cấp 6.900 người, trình độ đào tạo Sơ cấp và đào tạo thường xuyên 32.600 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2023 đạt 86,46%, trong đó lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 50% (kế hoạch là 48,5%).
Các lớp dạy nghề đã nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo và là nguồn cung nhân lực phổ thông cho nhiều công ty, doanh nghiệp. Mặt khác sau đào tạo nghề, nhiều học viên đã mạnh dạn áp dụng kiến thức khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm cho chính mình để có nguồn thu nhập chính đáng từ sản xuất kinh doanh. Cơ cấu lao động theo hướng giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động ngành nghề và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về lao động.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh, chất lượng, hiệu quả đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện, nâng cao. Tuy nhiên, với một số ngành nghề, học sinh, sinh viên sau đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Một số nghề vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu nhân lực của từng ngành, lĩnh vực cụ thể cũng như yêu cầu của đổi mới cơ cấu kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, công tác đào tạo và chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn còn gặp khó khăn do một số địa phương không có trung tâm dạy nghề, các lớp dạy nghề một số nơi còn phải mượn trụ sở của cơ quan khác.
Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu năm 2024 có 87% lao động qua đào tạo, phấn đấu có 30.000 việc làm tăng thêm, số người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng là 600 người. Toàn tỉnh không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của Trung ương và của tỉnh.
Việc tăng thêm tỷ lệ lao động có việc làm và được đào tạo đã góp phần rất lớn trong thực hiện các mục tiêu xoá đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Đến nay, Quảng Ninh không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Trung ương; theo chuẩn nghèo của tỉnh thì có 246 hộ, chiếm 0,06% tổng số hộ dân trong toàn tỉnh./.