Các chức sắc, chức việc, bà con Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa hoạt động đạo sự theo đúng tinh thần Hiến chương của Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa và pháp luật Nhà nước
TTXVN-Ngày 13/6, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang dẫn đầu Đoàn công tác của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đến thăm và chúc mừng Ban Trị sự Trung ương Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa, nhân Đại lễ Tam hợp năm 2023 (Ngày Đản sinh Đức Bổn sư Ngô Lợi - Ngày Đức Bổn sư thành đạo - Ngày Khai sáng đạo Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa).
Thay mặt Đoàn công tác, Bí thư Tỉnh ủy Lê Hồng Quang đã gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến Ban Trị sự Trung ương Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa và toàn thể bà con theo đạo Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa.
Ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của Ban Trị sự Trung ương Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa và toàn thể bà con theo đạo Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang khẳng định, thành quả của tỉnh trong phòng, chống COVID-19, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, cũng như chăm lo an sinh xã hội, bảo vệ vững chắc biên giới, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội có một phần đóng to lớn của các dân tộc, tôn giáo nói chung, bà con theo đạo Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa nói riêng.
Theo ông Lê Hồng Quang, Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa là một trong ba tôn giáo nội sinh của tỉnh An Giang, có sức lan tỏa những giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam không chỉ riêng ở tỉnh An Giang, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mà còn lan tỏa rộng khắp trong cả nước.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa tiếp tục phát huy những giá trị tốt đẹp của một tôn giáo nội sinh, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan và UBND huyện Tri Tôn phối hợp, hướng dẫn Ban Trị sự Trung ương Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa làm tốt công tác trùng tu, xây dựng các hạng mục trong quần thể Di tích lịch sử cấp Quốc gia "Chùa Tam Bửu - Phi Lai - Nhà mồ Ba Chúc. Qua đó, nghiên cứu, phát triển loại hình du lịch lịch sử cách mạng, du lịch tâm linh theo hướng chất lượng, hiệu quả, bền vững; xây dựng hình ảnh du lịch quần thể di tích "Chùa Tam Bửu - Phi Lai - Nhà mồ Ba Chúc" là một trong những điểm đến du lịch lịch sử, du lịch tâm linh không thể thiếu của du khách khi đến An Giang…
Bí thư Tỉnh ủy mong muốn và tin tưởng Ban Trị sự Trung ương Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa và bà con theo đạo Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa tiếp tục “sống tốt đời đẹp”, đồng hành cùng dân tộc, chung tay xây dựng quê hương An Giang ngày càng phát triển, giàu đẹp.
Thay mặt Ban Trị sự Trung ương Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa và bà con tín đồ Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, ông Nguyễn Ngọc Trác, Trưởng Ban Trị sự Trung ương Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa trân trọng cảm ơn những tình cảm, sự quan tâm chăm lo, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho người theo đạo Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa sinh hoạt tôn giáo, lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, tham gia các hoạt động từ thiện xã hội vì cộng đồng…
Trưởng Ban Trị sự Trung ương Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa Nguyễn Ngọc Trác cho biết, thời gian tới, Ban Trị sự Trung ương Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa sẽ tiếp tục hướng dẫn các chức sắc, chức việc, bà con Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa hoạt động đạo sự theo đúng tinh thần Hiến chương của Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa và pháp luật Nhà nước; động viên các chức sắc, chức việc, bà con theo đạo Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa luôn giữ gìn sự trong sáng của nền đạo, xây dựng khối đại đoàn kết trong đạo, đoàn kết với các tôn giáo bạn, đoàn kết đạo - đời trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…
Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa do Đức Bổn sư Ngô Tự Lợi sáng lập vào ngày 5 tháng 5 năm Đinh Mão (1867). Sau nhiều biến cố lịch sử, Đức Bổn sư Ngô Lợi đã chọn khu vực núi Tượng nay là thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang làm nơi hoằng khai đạo pháp. Hiện nay, trên 78.000 người đang sinh sống tại 16 tỉnh, thành phố trong cả nước theo đạo Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa; riêng tại An Giang có trên 36.000 người.
Với tôn chỉ hành đạo “Tu nhân - Học phật” và đường hướng hành đạo “Hành tứ ân - Sống hiếu nghĩa - Vì đại đoàn kết dân tộc”, trải qua 156 hình thành và phát triển, các chức sắc, chức việc, người theo đạo Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa luôn phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước; tham gia tích cực các hoạt động từ thiện tại địa phương, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho công cuộc đổi mới đất nước./.