Nhà ở truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số mang kiến trúc độc đáo, chứa đựng nét văn hóa tín ngưỡng của mỗi dân tộc. Quan điểm “không bán, không phá vỡ cấu trúc nhà sàn” đã được đưa vào hương ước của từng thôn, bản.
(TTXVN) - Nhà ở truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số mang kiến trúc độc đáo, chứa đựng nét văn hóa tín ngưỡng của mỗi dân tộc. Cùng với tốc độ đô thị hóa, điều kiện kinh tế - xã hội thay đổi, ở nhiều nơi, đồng bào các dân tộc thiểu số có xu hướng "thoát ly" nhà ở truyền thống, khiến nguy cơ mai một bản sắc ngày càng hiện hữu... Trước thực trạng này, tỉnh Lào Cai đã và đang nỗ lực gìn giữ kiến trúc những nếp nhà truyền thống để bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc.
* Giữ nếp nhà truyền thống
Người Tày ở Lào Cai tập trung chủ yếu ở các huyện vùng thấp như: Bảo Yên, Văn Bàn và một số ít ở vùng cao nguyên Bắc Hà. Với lịch sử cư trú lâu đời, cộng đồng dân tộc Tày ở Lào Cai đã hình thành nên một không gian văn hóa đa dạng, phong phú, là tài sản vô giá. Điển hình là hàng ngàn nếp nhà sàn - nơi sinh hoạt, cư trú của nhiều thế hệ gia đình đồng bào dân tộc Tày, với kiến trúc gần như còn nguyên vẹn đã được trao truyền hàng trăm năm lịch sử.
Mảnh đất xinh đẹp Nghĩa Đô, Bảo Yên có tới 98% đồng bào Tày cư trú. Nơi đây là một điểm sáng của tỉnh Lào Cai trong triển khai công tác bảo tồn văn hóa dân tộc một cách bài bản, gìn giữ nguyên bản các nếp nhà sàn truyền thống.
Nhà sàn của người Tày ở Nghĩa Đô có nhiều sự khác biệt và nổi trội so với địa phương khác, trước hết ở số lượng trong cộng đồng dân cư nhà sàn chiếm trên 90% với hơn 1.000 ngôi nhà. Không chỉ vậy, các ngôi nhà sàn ở Nghĩa Đô đều được bảo tồn gần như nguyên vẹn cả về kiến trúc và cảnh quan. Nhìn từ xa, ngôi nhà sàn của người Tày như cây nấm khổng lồ, khiến cho bản làng Tày có vẻ đẹp rất riêng, hòa hợp với thiên nhiên và môi trường xung quanh.
Không giống với phương cách sống du canh, du cư của nhiều dân tộc thiểu số khác, người Tày luôn có tư tưởng ổn định nơi ở, từ đó mới tính chuyện làm kinh tế. Quan niệm đó đã hình thành nên nét độc đáo trong kiến trúc nhà sàn. Theo quan niệm từ cha ông để lại, người Tày rất coi trọng nơi đặt nhà, hướng nhà phải trùng với hướng núi, rộng, thoáng và hài hòa với thiên nhiên, đặc biệt phải gần nguồn nước. Do đó, những ngôi nhà sàn của đồng bào Tày Nghĩa Đô đều đặt ở địa thế cao ráo, thoáng mát, lưng tựa vào núi, mặt quay ra suối hoặc cánh đồng.
Theo tập quán dựng nhà từ xưa, người Tày dựng gian nhà theo số lẻ; kiêng dùng số chẵn, nhất là nhà 4 gian vì trùng với số tử (sinh, lão, bệnh, tử). Đồng bào Tày Nghĩa Đô đặt bếp nấu ăn ở gian chính giữa nhà, đây là bếp chính dùng để tiếp khách, là nơi giữ lửa cho các bếp khác cũng như sưởi ấm cho cả gia đình. Nhiều nhà còn lắp khuôn bếp phụ ở gian trái trong của ngôi nhà, chủ yếu để các cụ già dùng hoặc dựng ở gian riêng để chế biến thức ăn. Cầu thang lên nhà sàn làm bằng gỗ và thường có 9 bậc. Mỗi bậc tượng trưng cho một vía của người phụ nữ Tày.
Những ngôi nhà sàn là điểm nhấn đặc biệt, hấp dẫn đối với du khách khi đến với Nghĩa Đô. Để bảo tồn không gian văn hóa nhà sàn, xã Nghĩa Đô đã vận động đồng bào Tày giữ gìn kiến trúc nhà sàn truyền thống bằng vật liệu thân thiện với môi trường, lợp lá cọ. Quan điểm “không bán, không phá vỡ cấu trúc nhà sàn” đã được đưa vào hương ước của từng thôn, bản.
Lãnh đạo UBND huyện Bảo Yên cho biết, địa phương đang thực hiện Nghị quyết chuyên đề và quy hoạch triển khai mô hình bảo tàng sinh thái tại Nghĩa Đô nhằm bảo tồn các di sản văn hóa và thiên nhiên ngay tại chỗ gắn với phát triển du lịch.
Theo đó, địa phương sẽ có bảo tàng trung tâm, các khu dân cư giữ nguyên nếp sống của người bản địa. Khách đến tham quan có thể tiếp xúc thật với các giá trị di sản. Các di sản này đều có những câu chuyện lịch sử được người dân địa phương lưu truyền từ đời này qua đời khác.
* Nhân rộng mô hình nhà văn hóa truyền thống
Cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, không phải địa phương nào ở Lào Cai cũng làm tốt công tác bảo tồn nhà ở truyền thống như Nghĩa Đô. Trên thực tế, tại nhiều nơi, các nếp nhà cổ, nhà mang kiến trúc truyền thống đang dần mai một thay thế vào đó là nhà xây kiểu hiện đại bởi giá thành và tính tiện dụng của nó.
Lâu nay, các xã Y Tý, Trịnh Tường… huyện Bát Xát được xem là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước khi đến với Lào Cai. Đến đây, du khách được khám phá những nét độc đáo trong văn hóa của đồng bào Hà Nhì, đặc biệt là những ngôi nhà trình tường - bản sắc riêng của đồng bào nơi đây.
Anh Lương Duy Hải, du khách từ Bình Dương lần đầu tiên đến với Y Tý rất ấn tượng với những ngôi nhà trình tường độc đáo này. Anh cho biết đã đi nhiều nơi, đến nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Khi đến với Y Tý, anh thật sự bất ngờ với vẻ đẹp những ngôi nhà trình tường.
Độc đáo là vậy nhưng hiện nay, tại các bản của người Hà Nhì, không khó để nhận thấy những ngôi nhà xây với gạch, ngói và xi măng… đang dần thay thế những ngôi nhà trình tường.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Lào Cai Sùng Hồng Mai, làm một ngôi nhà trình tường mất khá nhiều thời gian, công sức với kinh phí không rẻ, khoảng từ 300 - 400 triệu đồng. Vì vậy, chính quyền địa phương và các ban, ngành vẫn gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý định hướng cho bà con giữ kiến trúc nhà truyền thống.
Trước thực trạng đó, mô hình nhà văn hóa truyền thống đang được một số địa phương ở Lào Cai nhân rộng, coi đây là một trong những giải pháp khả thi góp phần nhắc nhở người dân trân trọng và tự hào về di sản văn hóa tộc người thông qua các hoạt động sinh hoạt cộng đồng.
Đồng bào dân tộc Bố Y sinh sống ở thôn Lao Hầu, xã Thanh Bình, huyện Mường Khương chiếm trên 90% dân số của thôn, thuộc nhóm dân tộc thiểu số rất ít người (có dân số dưới 10.000 người). Nhà văn hóa truyền thống dân tộc Bố Y tại thôn được khởi công xây dựng năm 2020 do Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai làm chủ đầu tư. Công trình được hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng từ năm 2021.
Nhà văn hóa có không gian rộng, thoáng mát, kiến trúc xây dựng giống với nhà truyền thống của dân tộc Bố Y, được trang bị hệ thống cơ sở vật chất cơ bản đảm bảo hoạt động như: tăng âm, loa đài, bộ trang trí khánh tiết, bàn ghế,…
Nghệ nhân Lồ Lài Sửu, người có uy tín của thôn - cho biết, từ khi có nhà văn hóa mới, bà con trong thôn rất phấn khởi và tự hào khi thấy sự quen thuộc của các đường nét kiến trúc nhà truyền thống dân tộc mình hiện hữu ở công trình. Nhờ đó, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, hội họp, học tập cộng đồng của thôn và xã diễn ra thường xuyên hơn.
Tại Nghĩa Đô, chính quyền và nhân dân xây dựng nhà văn hóa thôn, bản theo mẫu thiết kế chung bằng vật liệu bền vững nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc truyền thống nhà sàn của dân tộc Tày. Địa phương hiện có ba thôn là Mường Kem, Bản Hón và Thâm Mạ đã dựng nhà văn hóa là nhà sàn, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Để tiếp tục nhân rộng mô hình này, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai Nông Đức Ngọc cho biết, Ban sẽ đẩy mạnh phối hợp cùng Sở Văn hóa và Thể thao triển khai các nội dung bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số thuộc Dự án 6, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Lào Cai Sùng Hồng Mai nêu rõ, trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các Sở Du lịch, Tài chính, Sở Giao thông Vận tải - Xây dựng tiến hành nghiên cứu các chính sách liên quan tới bảo tồn nhà truyền thống của cộng động các dân tộc Lào Cai bởi đây là một hệ thống di sản quý giá. Mang di sản hòa mình trong cuộc sống đương đại chính là gìn giữ văn hóa truyền thống cho thế hệ tương lai./.