Chương trình nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức về hậu quả lâu dài của chất độc da cam/dioxin, đồng thời tri ân những tấm lòng vàng, các nhà tài trợ trong và ngoài nước.
TTXVN - Sáng 28/7, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Đà Nẵng phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Lễ phát động Tháng Hành động vì nạn nhân chất độc da cam năm 2023.
Chương trình được tổ chức nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức về hậu quả lâu dài của chất độc da cam/dioxin, đồng thời tri ân những tấm lòng vàng, các nhà tài trợ trong và ngoài nước; khơi dậy lòng nhân ái, sẻ chia của toàn xã hội, vận động tham gia ủng hộ về tinh thần lẫn vật chất.
Tại chương trình, Ban tổ chức đã trao 14 xe lăn và hỗ trợ máy may cho nạn nhân chất độc da cam. Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam phát động chương trình nhắn tin từ thiện, với nội dung soạn tin: “DACAM gửi 1409”, mỗi tin nhắn ủng hộ là 20.000 đồng sẽ gửi đến nạn nhân chất độc da cam.
Ban tổ chức đã phát động kêu gọi sự ủng hộ của các đơn vị từ đầu năm 2023. Tính đến ngày 28/7, có gần 20 đơn vị, tổ chức cá nhân trong và ngoài nước tham gia ủng hộ chương trình bằng tiền mặt, quà tặng, nhu yếu phẩm... với tổng số tiền 3,7 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam Nguyễn Văn Khanh cho biết, đây là hoạt động mang tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc, phù hợp với văn hóa, truyền thống, đạo lý dân tộc Việt Nam. Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, có nhiều chủ trương, chính sách giải quyết hậu quả chất độc da cam. Hàng năm, Nhà nước dành khoản ngân sách hơn 10.000 tỷ đồng để trợ cấp, chăm sóc sức khỏe, hồi phục chức năng cho nạn nhân, hỗ trợ vùng đặc biệt khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam.
Theo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Đà Nẵng, chất độc da cam đã làm 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân; nhiều gia đình có từ 2-3 nạn nhân, hoàn cảnh rất bi thương. Đặc biệt, chất độc này khiến nhiều nạn nhân không còn duy trì được nòi giống. Nhiều phụ nữ không được thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ. Hàng vạn trẻ em bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống đời sống thực vật. Hầu hết nạn nhân đều mắc các bệnh như liệt, teo cơ một phần hoặc toàn cơ thể, mù, câm, điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư, tai biến sinh sản, biến đổi gen...
Theo kết quả khảo sát năm 2020, tại Đà Nẵng có 2.476 người trực tiếp tham gia kháng chiến, 815 người là con cháu của họ bị nhiễm chất độc da cam và hơn 13.000 người nghi bị phơi nhiễm chất độc hóa học. Phần lớn các gia đình đều có hoàn cảnh rất khó khăn, luôn cần có sự giúp đỡ về vật chất, tinh thần.
Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 62 năm thảm họa da cam Việt Nam và hưởng ứng Tháng Hành động năm 2023, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo các cấp Hội tổ chức nhiều chương trình thiết thực nhằm vận động gây quỹ hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam như, xây dựng nhà, trao học bổng, sinh kế, chữa bệnh miễn phí, tặng xe đạp, xe lăn…
Đặc biệt, Hội đang nuôi dưỡng, đào tạo nghề cho 110 nạn nhân da cam tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố Đà Nẵng./.
- Từ khóa:
- Đà Nẵng
- hỗ trợ
- nạn nhân
- chất độc da cam