Sức khỏe

Thành phố Hồ Chí Minh: Y tế cơ sở và địa phương cần quyết liệt hơn trong phòng, chống dịch

TP. Hồ Chí Minh

Phòng, chống sốt xuất huyết và tay chân miệng là ưu tiên hàng đầu trong 28 nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm của ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Đoàn kiểm tra Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra một điểm nguy cơ trên địa bàn huyện Nhà Bè. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN).

TTXVN - Các trạm y tế, trung tâm y tế địa phương cần quyết liệt hơn trong công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng; đặc biệt trong tuyên truyền, hướng dẫn người dân và các cơ sở giáo dục, trong nhóm trẻ gia đình các biện pháp phòng, chống dịch. Đây là yêu cầu của ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh trong buổi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại huyện Nhà Bè, ngày 27/7.

Tại một điểm thu mua phế liệu trên địa bàn xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, Đoàn kiểm tra phát hiện khá nhiều chai, lọ, thùng có chứa nước mưa, có nhiều lăng quăng (bọ gậy) trong các vật chứa. Theo chủ cơ sở, hằng tuần cơ sở này đều dọn dẹp và rải vôi bột xung quanh bãi tập kết phế liệu nhưng hiện đang là mùa mưa nên vẫn xuất hiện tình trạng nước đọng. Cùng với đó, xung quanh khu vực tập kết phế liệu có nhiều cây cối nên có muỗi và sản sinh ra lăng quăng.

Trước thực tế này, bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) lo ngại, những khu vực như thế này nguy cơ phát sinh bệnh sốt xuất huyết rất cao. Theo Phó Giám đốc HCDC, nhân viên của Trạm y tế xã Phú Xuân cần chú ý hơn đến các cơ sở tương tự trên địa bàn, thường xuyên nhắc nhở người dân kiểm tra các vật chứa, không để phát sinh lăng quăng, muỗi vằn, các kho phế liệu phải có màn che tránh nước mưa. “Nếu cơ sở nào vẫn để tái diễn phát sinh lăng quăng thì lập biên bản và xử phạt theo quy định”, bác sĩ Lê Hồng Nga yêu cầu.

Còn tại Trường Mầm non xã Phú Xuân, Đoàn kiểm tra cũng ghi nhận trong tuần qua xuất hiện một chùm ca bệnh tay chân miệng ở nhóm trẻ 18-24 tháng tuổi. Đoàn kiểm tra yêu cầu nhà trường theo dõi sát hơn nữa tình trạng nghỉ học của trẻ để sớm có các biện pháp phòng ngừa, tránh nguy cơ dịch bệnh lây lan rộng.

Bãi tập kết phế liệu với nhiều vật chứa nguy cơ gây bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN).

Kết luận buổi kiểm tra, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, phòng, chống sốt xuất huyết và tay chân miệng là ưu tiên hàng đầu trong 28 nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm của ngành Y tế Thành phố. Điều này thể hiện rõ quyết tâm của toàn ngành trong phòng, chống dịch. Từ thực tế khi đi kiểm tra tại nhiều địa phương, ông Nam cho rằng một số trạm y tế chưa chủ động trong việc xác minh ca bệnh, khoanh vùng dập dịch, dẫn đến báo cáo chưa diễn tả đúng tình hình dịch bệnh. Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu, các trung tâm y tế, trạm y tế cần quyết liệt hơn nữa trong phòng, chống sốt xuất huyết và tay chân miệng. Bên cạnh kiểm soát tốt các điểm nguy cơ dễ phát sinh sốt xuất huyết, cần quan tâm đến các nhóm trẻ gia đình trước nguy cơ tay chân miệng tấn công.

Qua kiểm tra, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam đánh giá, hiện công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng ở các trường mầm non khá tốt nhưng vẫn chưa thể kiểm soát được các nhóm trẻ gia đình. “Y tế cơ sở cần nắm bắt địa bàn để hướng dẫn người dân, người trông giữ trẻ các biện pháp phòng bệnh cũng như phát hiện sớm các dấu hiệu tay chân miệng ở trẻ”, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu. Bên cạnh đó, trạm y tế cần tăng cường phối hợp với các phòng khám tư nhân trên địa bàn để phát hiện sớm ca bệnh, có biện pháp xử lý hiệu quả, tránh để dịch lây lan trong cộng đồng.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 17-23/7 (tuần 29), số ca mắc tay chân miệng tiếp tục tăng nhanh trên địa bàn, với 2.356 ca bệnh được ghi nhận, tăng gấp 1,6 lần so với trung bình 4 tuần trước. Các nơi có số ca mắc trên 100.000 dân cao gồm: quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và quận Tân Phú. Trong tuần 29, Thành phố Hồ Chí Minh cũng ghi nhận 256 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 12,2% so với trung bình 4 tuần trước. Các địa phương có số ca mắc trên 100.000 dân cao, gồm: Quận 1, huyện Bình Chánh và Quận 8.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh kêu gọi người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng theo khuyến cáo của ngành Y tế./.

Đinh Hằng

Xem thêm