Dự kiến năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức 12 phiên họp thường kỳ và 5 phiên họp chuyên đề, xem xét, cho ý kiến, quyết định hơn 80 nội dung.
(TTXVN) Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 18, chiều 14/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
* Đúng thẩm quyền
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết về Chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bám sát các nguyên tắc gồm: Tuân thủ đúng thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình tự, thủ tục trong xem xét, quyết định, cho ý kiến về các nội dung thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó, bảo đảm tính toàn diện, khoa học, hợp lý và khả thi trong việc bố trí các nội dung thuộc Chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đối với các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được các cơ quan đề xuất nhưng chưa có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 thì cần được cho phép bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trước khi bố trí trong Chương trình công tác.
Theo nguyên tắc này, chưa bố trí vào chương trình các phiên họp thường kỳ, phiên họp chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2023 đối với 12 dự án luật theo đề xuất của Chính phủ, 2 dự án luật, 1 dự án pháp lệnh theo đề xuất của Tòa án nhân dân tối cao chưa có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Tại phiên họp tháng 5 và tháng 10/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến đối với các nội dung sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp; không bố trí cho ý kiến đối với các dự án luật trình Quốc hội lần đầu do 2 phiên họp này sát ngày khai mạc Kỳ họp thứ 5, thứ 6 của Quốc hội khóa XV.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng cho biết, dự kiến trong năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức 12 phiên họp thường kỳ và 5 phiên họp chuyên đề, xem xét, cho ý kiến, quyết định hơn 80 nội dung tại phiên họp, cho ý kiến bằng văn bản đối với một số nội dung khác.
Ông Bùi Văn Cường nêu một số vấn đề xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm: Việc xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2022 – 2030; Nội dung “cho ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và dự án Luật Viễn thông (sửa đổi)”; Về một số nội dung về tài chính, ngân sách; Về xem xét một số báo cáo tại phiên họp; Về việc xem xét, cho ý kiến đối với Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao Chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được xây dựng rất công phu, bài bản, tương đối toàn diện, bao quát đầy đủ. Tuy nhiên, Nghị quyết nên viết ngắn gọn hơn và bổ sung phần đánh giá tình hình thực hiện chương trình công tác năm cũ, rút ra một số kinh nghiệm để xây dựng chương trình trong năm mới.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Nghị quyết cần nêu rõ tinh thần tiếp tục đổi mới theo hướng từ sớm, từ xa, đề cao công tác nghiên cứu tài liệu, chuẩn bị cho ý kiến kỹ lưỡng từ các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chỉ đưa ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội những vấn đề lớn, còn ý kiến khác nhau. Việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có dự thảo văn bản kèm theo. Đối với những nội dung đã có sự thống nhất cao và mang tính nội bộ có thể trình bằng văn bản, dành thời gian cho ý kiến vào những vấn đề lớn; giảm thời gian đọc tờ trình… giúp tiết kiệm thời gian họp tập trung và nâng cao chất lượng các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận trong năm 2021 và 2022, do bối cảnh tình hình đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải họp đột xuất nhiều để quyết định các vấn đề về phòng, chống dịch. Năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức thêm phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật bảo đảm bám sát chức năng, nhiệm vụ.
Cơ bản tán thành với khối lượng công việc như Tổng Thư ký Quốc hội chuẩn bị, Chủ tịch Quốc hội lưu ý điều chỉnh số lượng phiên họp chuyên đề pháp luật ít hơn, chủ yếu nhằm phục vụ cho 2 kỳ họp Quốc hội. Thời gian mỗi phiên họp ít nhất 1 ngày và có 1 ngày dự phòng. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tiếp tục rà soát để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết ngắn gọn, rõ ràng.
* Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội
Trong phiên họp chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết ban hành Quy chế về việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội.
Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh khẳng định, mục đích của Nghị quyết nhằm xây dựng khuôn khổ pháp lý chặt chẽ và khả thi về hoạt động bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đại biểu Quốc hội; đưa công tác bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội đi vào nền nếp, chuyên nghiệp, hiệu quả; xác định nhiệm vụ, giải pháp, nguồn lực để đáp ứng nhu cầu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội; xác định quyền, trách nhiệm tham gia bồi dưỡng.
Đề cập về một số nội dung chính của quy chế, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nêu rõ quyền, trách nhiệm tham gia bồi dưỡng của đại biểu Quốc hội. Theo đó, đại biểu Quốc hội có quyền tham gia bồi dưỡng, chủ động đăng ký dự các chương trình bồi dưỡng; phản ánh nhu cầu, đề xuất nội dung, phương thức, thời gian bồi dưỡng; quyền được phục vụ với các lựa chọn khác nhau; được coi số ngày tham gia các hoạt động bồi dưỡng là thời gian thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội.
Có thể xác định thời gian bồi dưỡng tối thiểu của các năm thứ ba đến thứ năm là 6 ngày/năm, tức là 2 hội nghị. Tuy nhiên, do năm thứ nhất của nhiệm kỳ chỉ kéo dài khoảng 6 tháng, cho nên số ngày tham gia bồi dưỡng tối thiểu của năm thứ nhất ít hơn năm thứ hai. Bên cạnh đó, một số Đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị quy định thời gian bồi dưỡng tối thiểu hàng năm nhiều hơn đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở địa phương. Ban Công tác đại biểu nhận thấy đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở địa phương khó có thể bố trí thời gian để thực hiện quy định này.
Ban Công tác đại biểu đề xuất thời gian bồi dưỡng tối thiểu hàng năm đối với đại biểu Quốc hội lần đầu tham gia Quốc hội là 6 ngày trong năm thứ nhất; 9 ngày trong năm thứ hai; 6 ngày một năm trong những năm tiếp theo. Đối với đại biểu Quốc hội tái cử, thời gian bồi dưỡng tối thiểu là 6 ngày mỗi năm.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, đại diện cơ quan thẩm tra cho biết, về thời gian tham gia bồi dưỡng của đại biểu Quốc hội (khoản 2 Điều 4), Thường trực Ủy ban thấy rằng, việc quy định thời gian bắt buộc tham gia hoạt động bồi dưỡng đối với đại biểu Quốc hội là vấn đề cần được tính toán, cân nhắc thận trọng để bảo đảm tính khả thi. Để tạo điều kiện thuận lợi cho đại biểu Quốc hội bố trí thời gian, sắp xếp công việc để tham dự đầy đủ vào hoạt động bồi dưỡng, Thường trực Ủy ban đề nghị chỉnh lý quy định này theo hướng linh hoạt, mềm dẻo hơn, phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của đại biểu Quốc hội, nội dung, phương thức của từng hoạt động bồi dưỡng. Có thể quy định đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tham gia bồi dưỡng tối thiểu là 3 ngày mỗi năm, trường hợp không thể tham gia đầy đủ thời gian bồi dưỡng trực tiếp thì có thể được cung cấp các hình thức bồi dưỡng khác.
Nhất trí với dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh kiến nghị nên phân ra 2 nhóm là kiến thức nền và kỹ năng căn bản cần có với những nhóm đối tượng đại biểu Quốc hội tham gia lần đầu, đảm bảo ai tham gia Quốc hội thì đều được trang bị khối kiến thức đó. Ban Công tác đại biểu chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng bộ tài liệu, khung chương trình để các đại biểu Quốc hội tham gia lần đầu có thêm các kiến thức đó.
Theo chương trình, trong phiên họp chiều 14/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm và miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam./.