Lạng Sơn là tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nhưng việc chuyển đổi số, trong đó có lĩnh vực y tế đã được tỉnh chú trọng, đẩy mạnh.
Ngày 23/10, UBND tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Giải pháp chuyển đổi số lĩnh vực y tế trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn trong giai đoạn hiện nay”. Hội thảo nhằm đưa ra giải pháp để nâng cao chất lượng quản lý, chăm sóc sức khỏe người dân và thực hiện nghiên cứu, tư vấn chính sách về chuyển đổi số lĩnh vực y tế...
Tại hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá cao nỗ lực của tỉnh trong thực hiện chuyển đổi số, tạo tiền đề quan trọng để nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh. Hiện 100% bệnh viện tuyến tỉnh, huyện đã có cầu truyền hình trực tuyến, thực hiện kết nối qua nền tảng số để phục vụ khám, chữa bệnh nên nhiều ca bệnh được hội chẩn trực tuyến, đưa ra hướng xử trí kịp thời, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người bệnh… Dù vậy, việc thanh toán không dùng tiền mặt ở các bệnh viện tuyến tỉnh đạt chưa đến 20% so với mục tiêu đề ra là 50% tổng viện phí thanh toán. Ngành Y tế tỉnh chưa có văn bản hướng dẫn quy trình làm thủ tục khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân có gắn chíp. Nhiều người dân chưa biết, chưa có thói quen dùng căn cước công dân để làm thủ tục đăng ký khám chữa bệnh…
Từ thực tế trên, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi đề nghị, các đại biểu, nhà khoa học đánh giá toàn diện, kết quả của quá trình triển khai chủ trương, chính sách của Trung ương về chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế; kết quả triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử trong hệ thống chăm sóc sức khỏe từ cấp tỉnh đến cấp xã tại Lạng Sơn. Từ đó phân tích, nhận diện những khó khăn, điểm “nghẽn” trong quá trình triển khai, khả năng tiếp cận và năng lực thích ứng của người dân. Trên cơ sở phân tích, đánh giá toàn diện thực trạng, các yếu tố tác động, các đại biểu đề xuất các giải pháp, kiến nghị chính sách có tính khả thi, hướng đến hoàn thiện khuôn khổ chính sách, cải thiện chất lượng dịch vụ y tế các cấp; thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế nói riêng và trong quản lý, phát triển xã hội nói chung…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên cho biết, Lạng Sơn là tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nhưng việc chuyển đổi số, trong đó có lĩnh vực y tế đã được tỉnh chú trọng, đẩy mạnh. Tỉnh xác định, chuyển đổi số trong khám, chữa bệnh là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt nhằm từng bước nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao và đa dạng của nhân dân.
Theo công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông, kết quả xếp hạng chỉ số chuyển đổi số (DTI) từ năm 2021 - 2023 của Lạng Sơn xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố; tỷ trọng kinh tế số chiếm trên 12%, xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố. Từ năm 2022 - 2024, Lạng Sơn đều đoạt giải thưởng “Cơ quan chuyển đổi số xuất sắc”. Hiện, 100% cơ sở khám, chữa bệnh công lập tại tỉnh sử dụng phần mềm quản lý thông tin bệnh viện để quản lý thông tin bệnh nhân; thực hiện khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân có gắn chíp và ứng dụng VneID; 95% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử. Tỉnh đã triển khai Đề án khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2021 - 2025. Tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt…
Dịp này, Đoàn công tác của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã khảo sát thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế tại huyện Bắc Sơn và thành phố Lạng Sơn./.