Là đơn vị đi đầu trong công tác chuyển đổi số của tỉnh, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Chuyển đổi số y tế là một trong 8 lĩnh vực ưu tiên hàng đầu của chuyển đổi số quốc gia mang lại lợi ích trong công tác khám, điều trị và quản lý ngành Y tế. Là đơn vị đi đầu trong công tác chuyển đổi số của tỉnh, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Chuyển đổi số thủ tục hành chính, quy trình chuyên môn
Theo Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh Đào Khắc Hùng, thực hiện chủ trương chuyển đổi số của Sở Y tế Bắc Ninh, Bệnh viện đã xây dựng kế hoạch toàn diện thực hiện chuyển đổi số trong các thủ tục hành chính, quy trình chuyên môn và dịch vụ phục vụ tiện ích cho người bệnh. Để tạo thuận lợi cho người đến khám, chữa bệnh, Bệnh viện đã cải tiến quy trình tiếp đón bệnh nhân, triển khai cây lấy số tự động, hệ thống tự động gọi bệnh nhân vào khám, chẩn đoán hình ảnh và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm. Từ đó khắc phục tình trạng bệnh nhân chờ đợi lâu, chen lấn, giảm bớt áp lực cho cán bộ y tế, hoàn thiện quy trình khép kín ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh.
Từ ngày 14/10/2021, Bệnh viện triển khai hồ sơ bệnh án điện tử và là đơn vị đầu tiên của tỉnh, bệnh viện thứ 18 trong cả nước áp dụng bệnh án điện tử trong quản lý khám, chữa bệnh.
Theo Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh, khi triển khai bệnh án điện tử, Bệnh viện đã “số hóa” hầu hết các tài liệu y khoa trong hồ sơ bệnh án, chuyển từ bản giấy sang bản điện tử; sử dụng chữ ký số trong bệnh án điện tử. Mọi hoạt động từ đăng ký khám bệnh, điều trị, kê đơn thuốc, phát thuốc, bán thuốc, đến thanh toán ra viện đều được quản lý bằng hệ thống phần mềm bệnh viện và bệnh án điện tử.
Việc triển khai bệnh án điện tử tạo bước đột phá quan trọng về ứng dụng công nghệ thông tin; giúp Bệnh viện thuận lợi hơn trong triển khai giám sát tuân thủ phác đồ điều trị cùng hệ thống nhắc, cảnh báo kê đơn, chỉ định cận lâm sàng hỗ trợ bác sỹ ra quyết định. Đồng thời, bệnh nhân không phải lưu trữ các loại giấy tờ bệnh án như: Kết quả chẩn đoán, kết quả xét nghiệm, siêu âm, hay danh mục thuốc…
Cùng với đó, việc triển khai “thẻ khách hàng” khi bệnh nhân đến khám và điều trị đã giúp các y, bác sỹ và người bệnh giảm tối đa những thủ tục, giấy tờ. Chị Phạm Thị Thanh (thôn Mao Dộc, xã Phượng Mao, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) chia sẻ, trước đây khi đưa con đi khám, chị phải mua sổ khám bệnh. Mỗi xét nghiệm, chị đều phải mang theo nhiều giấy tờ và kết quả khám bệnh. Tuy nhiên, hiện nay, toàn bộ kết quả xét nghiệm và thông tin cần thiết đều tích hợp trong “thẻ khách hàng”. Vì vậy, các bác sỹ có thể theo dõi tình hình sức khỏe của người bệnh để đưa ra hướng điều trị phù hợp.
Theo bác sỹ Vũ Thị Vân Anh, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu khám, chữa bệnh ban đầu, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh, nhờ ứng dụng chuyển đổi số trong ngành Y tế đã giúp bác sỹ và bệnh nhân giảm các thao tác thủ tục hành chính, có nhiều thời gian khám và điều trị cho bệnh nhân. Đặc biệt, khi sử dụng “thẻ khách hàng”, Bệnh viện thuận lợi trong việc lưu giữ hồ sơ, tra cứu lịch sử khám, chữa bệnh nhanh chóng để đưa ra hướng điều trị hiệu quả.
Bên cạnh đó, việc trả kết quả online đã tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân. Cụ thể, người bệnh thực hiện quy trình khám bệnh như thường quy và kết quả khám bệnh, chữa bệnh được trả cho người bệnh qua trang website của Bệnh viện. Việc triển khai trả kết quả khám, chữa bệnh trực tuyến cho bệnh nhân ngoại trú là bước tiến mới trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tại đơn vị, tạo tiền đề hướng tới bệnh viện “3 không” (Không giấy tờ, không xếp hàng, không thanh toán tiền mặt).
Anh Nguyễn Văn Chiến (xã Đức Long, huyện Quế Võ) cho biết, trước đây khi đưa con đi khám bệnh, sau khi được các y, bác sỹ hướng dẫn tới các khoa, phòng khám và làm các xét nghiệm cần thiết, anh mất nhiều thời gian chờ đợi kết quả. Nhiều hôm anh phải ở lại bệnh viện qua trưa đến đầu giờ chiều mới có đầy đủ kết quả khám và tư vấn của bác sỹ. Tuy nhiên hiện nay, sau khi kết thúc khám, anh có thể về nhà và sau 15 phút kể từ khi khám xong bệnh viện sẽ gửi tin nhắn đường link và hướng dẫn anh vào website xem kết quả khám, đơn thuốc và những tư vấn của bác sỹ.
Để bệnh nhân tiếp cận với các dịch vụ y tế hiện đại
Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh Đào Khắc Hùng cho biết, hiện hầu hết các hoạt động của Bệnh viện được thực hiện trên phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin. Qua đó, giảm đáng kể các thủ tục hành chính, giấy tờ, thời gian chờ đợi cho người bệnh giúp Bệnh viện, người dân và người bệnh được thụ hưởng nhiều tiện ích. Điều này cũng giúp các cán bộ y tế giảm thời gian làm các thủ tục hành chính, dành nhiều thời gian trong công tác khám, chữa bệnh; tạo hiệu quả trong quản lý hạch toán kinh tế. Hằng năm, khi thực hiện chuyển đổi số, Bệnh viện tiết kiệm được hàng tỷ đồng từ việc tiết kiệm giấy, phim X-Quang, mực in…
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi số trong ngành Y tế giúp Bệnh viện nâng cao năng lực khám, chữa bệnh. Trước đây mỗi ngày, Bệnh viện thường khám có 200 bệnh nhân khám ngoại trú nhưng hiện nay số lượng bệnh nhân đến khám ngoại trú tăng lên gấp đôi. Trong khi đó, năng lực của đội ngũ y tế vẫn đảm bảo chăm sóc tốt cho người bệnh. Thời gian tới tiếp tục công cuộc chuyển đổi số, Bệnh viện kiện toàn các khâu đã triển khai từ đón tiếp đến khám chữa bệnh; thực hiện chuyển đổi số công tác hậu cần như: trả kết quả online, đăng ký khám online và thanh toán không dùng tiền mặt…
Với mục tiêu tạo mọi điều kiện để bệnh nhân tiếp cận với các dịch vụ y tế hiện đại một cách nhanh nhất, không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng và yêu cầu ngày càng cao của người dân trong và ngoài tỉnh, song song với việc đẩy mạnh chuyển đổi số, Bệnh viện đang triển khai nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu, tăng cường các dịch vụ chăm sóc bệnh nhân, trong đó có triển khai phát triển chuyên sâu đối với hỗ trợ sinh sản, chẩn đoán trước và sau sinh, lĩnh vực tim mạch.
Theo kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2020, địa phương sẽ ưu tiên chuyển đổi số trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực y tế nhằm phát triển nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa, giúp giảm tải các cơ sở y tế, hạn chế tiếp xúc đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo; 100% các cơ sở y tế có bộ phận khám, chữa bệnh từ xa; thúc đẩy chuyển đổi số ngành y tế.
Bên cạnh đó, ngành Y tế xây dựng và từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên các công nghệ số; ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở khám, chữa bệnh góp phần cải cách hành chính, giảm tải bệnh viện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí, hình thành các bệnh viện thông minh; xây dựng nền tảng quản trị y tế thông minh dựa trên công nghệ số tích hợp thông tin, dữ liệu, hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế.../.