Tính đến ngày 20/7, Hà Nội mới chi hỗ trợ cho 65.034 người lao động tại 2.437 doanh nghiệp với tổng số tiền 33 tỷ 648 triệu đồng.
(TTXVN) Thực hiện Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã yêu cầu các cấp Công đoàn cơ sở triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, sau 3 tháng triển khai, số lượng người lao động được thụ hưởng chính sách này còn rất thấp. Tính đến ngày 20/7, Hà Nội mới chi hỗ trợ cho 65.034 người lao động tại 2.437 doanh nghiệp với tổng số tiền 33 tỷ 648 triệu đồng; trong đó, có 62.974 lượt người lao động đang làm việc và 2.062 người lao động quay trở lại thị trường lao động. Trong khi đó, tính đến thời điểm này, Bảo hiểm Xã hội Hà Nội đã xác nhận để hỗ trợ tiền thuê nhà cho 4.311 đơn vị với 1.103.403 người lao động (gồm 1.083.031 lao động đang làm việc tại 4.046 đơn vị, 20.372 lao động quay trở lại thị trường lao động tại 605 đơn vị).
Gói hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg được triển khai từ đầu tháng 4, dự kiến chi trả cho hơn 3,4 triệu người lao động cả nước. Theo đó, người lao động đang làm việc nhận mức hỗ trợ là 500.000 đồng/tháng, tối đa 3 tháng; còn người lao động quay trở lại thị trường lao động được hỗ trợ là 1 triệu đồng/tháng, tối đa 3 tháng.
Để đẩy nhanh tiến độ, không để quá hạn thời hiệu được hưởng chính sách hỗ trợ cho người lao động, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đề nghị Liên đoàn Lao động các quận, huyện, thị xã; Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội khẩn trương chỉ đạo các Công đoàn cơ sở trực thuộc đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người lao động làm đơn đề nghị hỗ trợ và xin xác nhận của chủ cơ sở cho thuê, cho trọ.
Đồng thời, Công đoàn phối hợp với người sử dụng lao động rà soát, tổng hợp danh sách, hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà của người lao động, gửi đến cơ quan Bảo hiểm Xã hội để xác nhận việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Trong đó, lưu ý sau khi Bảo hiểm Xã hội xác nhận, người sử dụng lao động gửi hồ sơ đến UBND quận, huyện nơi đặt trụ sở chính hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm sản xuất, kinh doanh chậm nhất đến hết ngày 15/8/2022.
Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội yêu cầu các cấp Công đoàn phải giám sát quá trình thực hiện, đảm bảo quyền lợi hợp hợp pháp, chính đáng của người lao động; khẩn trương đôn đốc, hướng dẫn Công đoàn cơ sở và người lao động kịp thời thực hiện chính sách.
Theo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, tại Hội nghị giao ban dư luận xã hội thường kỳ tháng 7/2022, nhiều đề xuất, kiến nghị của công nhân viên chức lao động đã được các cấp Công đoàn cơ sở nắm bắt từ tình hình thực tiễn. Đó là các vấn đề về sự xuất hiện của các biến chủng COVID-19 mới, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 4, dịch sốt xuất huyết, cúm A, tiến độ hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định 08/2022/QĐ-TTg. Đặc biệt, công nhân lao động lo lắng về tình hình lạm phát, giá cả hàng hóa leo thang; tình hình thiếu công nhân, “khát” lao động nghiêm trọng tại nhiều doanh nghiệp; vấn đề quá tải các trường mẫu giáo công lập, ách tắc giao thông đô thị và tình trạng ngập lụt mỗi khi xảy ra mưa lớn…
Công nhân viên chức lao động tiếp tục kiến nghị thành phố khi phê duyệt thành lập các khu công nghiệp mới cần phê duyệt tổng thể hạ tầng cả khu bao gồm nhà ở, trường học, trường mầm non…để đáp ứng nhu cầu ổn định sinh hoạt đời sống của người lao động, nhất là lao động ngoại tỉnh đến sinh sống và làm việc tại Hà Nội.
Thành phố cần kiểm soát tốt giá cả không để lạm phát tăng cao, tổ chức bán hàng bình ổn giá tại những nơi tập trung đông công nhân lao động; tăng cường thanh, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động, chú trọng an toàn vệ sinh lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm để đảm bảo quyền lợi và sức khỏe cho người lao động./.