Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội giao Tổng Liên đoàn đứng ra đầu tư thí điểm 5 -10 dự án xây dựng nhà ở tại các khu công nghiệp có nhu cầu về nhà ở để cho công nhân thuê.
TTXVN - Ngày 25/4, lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, từ năm 2017, Công đoàn Việt Nam đã triển khai đề án đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Từ tháng 5/2017 đến tháng 10/2020, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã làm việc với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đã có 23 địa phương có văn bản chính thức giới thiệu địa điểm để đầu tư xây dựng thiết chế công đoàn, trong đó có 17/31 khu đất đã được giải phóng mặt bằng. Đến nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã hoàn thành đầu tư thí điểm một dự án thiết chế công đoàn tại Khu Công nghiệp Đồng Văn II, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, gồm: 5 block nhà ở cao tầng với 244 căn hộ, một nhà đa năng và hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Toàn bộ căn hộ đã được công nhân thuê để ở.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành các quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư công trình văn hóa thể thao thuộc quy hoạch khu thiết chế công đoàn tại 4 địa phương; chuẩn bị đầu tư dự án tại 11 địa phương; ký quy chế phối hợp xây dựng thiết chế công đoàn với 14 UBND địa phương; đã đầu tư xây dựng công trình nhà đa năng và hạ tầng kỹ thuật tại khu thiết chế công đoàn tỉnh Tiền Giang, dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2023. Riêng về xây dựng nhà ở được thực hiện theo hướng mời gọi các nhà đầu tư bên ngoài hệ thống Công đoàn tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Tuy nhiên, so với nhu cầu rất lớn của công nhân lao động về nhà ở, tiến độ và số lượng các dự án vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.
Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, nguyên nhân là do khi xây dựng không lường trước được các vướng mắc, chồng chéo giữa Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản; chưa tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý để phát triển nhà ở xã hội, ưu đãi cho chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chưa sát thực tế… Mục tiêu đến sau năm 2045, tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất đều có thiết chế văn hóa, thể thao gắn với nhà ở cho công nhân lao động, người có thu nhập thấp.
Trong bối cảnh triển khai đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân tại khu công nghiệp" và các luật liên quan còn trong giai đoạn sửa đổi, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đứng ra đầu tư thí điểm 5 -10 dự án xây dựng nhà ở tại các khu công nghiệp có nhu cầu về nhà ở để cho công nhân thuê. Bộ Xây dựng đã nhất trí với đề xuất này.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị và được Thủ tướng giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, lồng ghép phần xây dựng nhà ở tại "Đề án đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất" vào "Đề án xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp" để đảm bảo quyền lợi cho công nhân lao động.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất, trước mắt, khi các dự án luật liên quan đến xây dựng nhà ở cho công nhân đang được sửa đổi, Chính phủ giao Bộ Xây dựng sớm nghiên cứu, trình Chính phủ đề xuất Quốc hội ban hành nghị quyết về chính sách xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, qua đó, kịp thời giải quyết những khó khăn, bức xúc hiện nay do chồng chéo giữa các luật./.
- Từ khóa:
- Công đoàn
- Thiết chế
- Người lao động
- Nhà ở xã hội