Quy định số 12 - QĐ/TU về quản lý cán bộ, phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử được sửa đổi, bổ sung để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa các quy chế, quy định của Thành ủy.
Sáng 23/10, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII tiến hành Hội nghị lần thứ 19, thảo luận 3 nội dung quan trọng. Trong đó công tác cán bộ được các đại biểu đặc biệt quan tâm, thảo luận
Bên cạnh đó là, các đại biểu cũng tích cực bàn thảo về việc bổ sung, sửa đổi Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy khóa XVII; cho ý kiến về Dự thảo lần 1 Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII trình Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XVIII.
Tại hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ thống nhất cao các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc số 09 - QC/TU của Ban Chấp hành do Ban Thường vụ Thành ủy trình tại Hội nghị và một số ý kiến tham gia, đóng góp xác đáng của đại biểu. Các nội dung đề xuất sửa đổi Quy chế làm việc bảo đảm nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện, tuân thủ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trên tinh thần đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền hợp lý, phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và thẩm quyền của từng cấp; cập nhật đầy đủ các quy định trong văn bản mới của Đảng, Nhà nước đối với các nội dung liên quan. Các đề xuất sửa đổi, bổ sung Quy chế cũng tập trung vào điều chỉnh việc quy trình, thủ tục đảm bảo thực chất, hiệu quả, tránh lãng phí thời gian, nguồn lực, tăng tính chủ động trong xử lý các công việc của thành phố, khắc phục một số bất cập trong triển khai Quy chế làm việc và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức thực hiện.
Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố thống nhất thể thức ban hành văn bản là Quyết định của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quy chế làm việc số 09 của Thành ủy; đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của Quy định số 12 - QĐ/TU về quản lý cán bộ, phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa các quy chế, quy định của Thành ủy.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đã gợi mở các nội dung trọng tâm đề nghị đại biểu tập trung thảo luận. Trong đó, việc thảo luận, quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều trong Quy chế làm việc của Thành ủy nhằm bổ sung một số nội dung mới do được Trung ương phân cấp, phân quyền cho thành phố; đảm bảo đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, tăng tính chủ động trong giải quyết công việc của chính quyền theo thẩm quyền và quy định của pháp luật; tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong Đảng, đảm bảo nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện nhưng không bao biện, làm thay chính quyền hoặc buông lỏng công tác lãnh đạo.
Theo Bí thư Thành ủy, với vị trí, vai trò là Thủ đô, Hà Nội phải là địa phương đi đầu trong triển khai thực hiện quyết liệt, đột phá, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Ban Thường vụ Thành ủy và Tiểu ban Văn kiện tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Trung ương và tinh thần chỉ đạo mới của Tổng Bí thư Tô Lâm vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XVIII Đảng bộ thành phố. Dự thảo Văn kiện phải là kết tinh trí tuệ của toàn Đảng bộ, hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, thực sự xứng tầm và thể hiện được ý chí vươn lên, khát vọng cống hiến cho sự nghiệp phát triển Thủ đô.
Về dự thảo lần 1 Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ 18, trên cơ sở các ý kiến thảo luận, Ban Chấp hành đánh giá Dự thảo được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, bám sát đề cương chi tiết đã được thông qua tại Kỳ họp lần thứ 18 và đã kế thừa cách xây dựng báo cáo của nhiệm kỳ trước. Đồng thời, Ban Chấp hành đề nghị cập nhật kết quả của năm 2024, năm 2025 trong các dự thảo tiếp theo. Các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu, khâu đột phá và 5 nhóm giải pháp trọng tâm trong giai đoạn 2025 - 2030 cũng đã bám sát định hướng phát triển Thủ đô theo Nghị quyết 15 - NQ/TW và Kết luận 80 - KL/TW của Bộ Chính trị, Luật Thủ đô, quy hoạch của Thủ đô và các văn bản liên quan.
Các đại biểu cũng đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy, Tiểu ban Văn kiện tiếp tục nghiên cứu, phân tích, đánh giá sâu sắc các tồn tại, hạn chế, nhất là các “điểm nghẽn” đối với quá trình phát triển Thủ đô, trên cơ sở đó, đề ra những giải pháp đột phá, khả thi để thực hiện nhiệm vụ thời gian tới.
Góp ý vào Dự thảo, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định nêu, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ tới là tập trung hoàn thiện và triển khai quy hoạch khu vực ngoài đê sông Hồng, sông Đuống trên tinh thần cải tạo môi trường sống, tái thiết và chỉnh trang đô thị, nhằm nâng cao đời sống người dân. Nếu tập trung làm được trong nhiệm kỳ tới chắc chắc sẽ là một bước đột phá về phát triển đô thị.
Còn Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên bày tỏ tâm đắc với những cụm từ “Bản lĩnh hội nhập”, “Đổi mới sáng tạo”, “Đột phá phát triển” được nêu trong dự thảo Báo cáo chính trị; đồng thời đề nghị đưa những đòi hỏi bức thiết của cuộc sống vào dự thảo. Đó là việc bảo vệ môi trường song hành với phát triển kinh tế, quan tâm yếu tố con người, đặc biệt là sức khỏe; tập trung xây dựng các chương trình công tác trọng tâm, các khâu đột phá và quan tâm phát triển không gian ngầm./.