Nội dung giám sát, phản biện tập trung vào những vấn đề bức thiết, các vụ việc đang được dư luận xã hội quan tâm và gắn chặt với nhu cầu, quyền lợi chính đáng, thiết thực của đoàn viên, hội viên, nhân dân trong toàn tỉnh.
TTXVN - Ngày 10/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị khóa XI về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị khóa XI về Quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; sơ kết 5 năm thực hiện Quy định số 124-QĐ/TW, ngày 2/2/2018 của Ban Bí thư về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên.
Tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Long Nguyễn Thành Thế yêu cầu, các cấp ủy Đảng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đặc biệt là những chủ trương, chính sách có liên quan đến quyền lợi của các tầng lớp nhân dân.
Bên cạnh đó, các cấp ủy Đảng lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền quan tâm, thực hiện có hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở, các quy chế, chương trình phối hợp, ký kết liên tịch giữa Ủy ban nhân dân với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp; phối hợp cung cấp kịp thời thông tin, dự thảo cơ chế, chính sách, chương trình, dự án để Mặt trận Tổ quốc phản biện xã hội theo quy định; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tiếp thu và sớm xem xét giải quyết kiến nghị, đề xuất sau giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc các cấp.
Mặt trận Tổ quốc các cấp tiếp tục phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát, phản biện xã hội, trong đó quan tâm đến việc chuẩn bị, xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội phải cụ thể, chặt chẽ, phù hợp với tình hình thực tiễn. Nội dung giám sát, phản biện tập trung vào những vấn đề bức thiết, các vụ việc đang được dư luận xã hội quan tâm và gắn chặt với nhu cầu, quyền lợi chính đáng, thiết thực của đoàn viên, hội viên, nhân dân trong toàn tỉnh.
Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc chủ động tham mưu, đề xuất cấp ủy và phối hợp với các cơ quan có liên quan sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy về số lượng, chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu trong tình hình mới, trong đó quan tâm đến cán bộ trẻ, cán bộ nữ, người dân tộc thiểu số. Mặt trận Tổ quốc các cấp chú trọng tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ thực hiện công tác Mặt trận, tham gia nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội; kịp thời củng cố tổ chức, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, phát huy quyền giám sát của người dân nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện trong thời gian tới.
Qua 10 năm triển khai Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị và 5 năm thực hiện Quy định số 124-QĐ/TW của Ban Bí thư, nhận thức của cả hệ thống chính trị về công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của tỉnh Vĩnh Long đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Nhiều chủ trương của Đảng về thực hiện các nội dung trên đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo triển khai có hiệu quả, kịp thời, bám sát mục tiêu đề ra, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng nhiệm vụ chính trị cụ thể của từng địa phương, đơn vị. Mặt trận Tổ quốc các cấp đã chủ trì giám sát 1.676 nội dung và tổ chức phản biện xã hội được 816 cuộc; các tổ chức chính trị - xã hội đã chủ trì giám sát 3.642 nội dung và tham gia phối hợp giám sát 275 nội dung. Hàng năm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Ban Công tác Mặt trận khu dân cư giám sát, góp ý cho trên 25.200 cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức sinh hoạt nơi cư trú.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã phát huy vai trò tích cực, nhất là chú trọng phối hợp, tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân; chủ động, kịp thời nắm bắt tư tưởng, tình cảm, nguyện vọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân thông qua việc góp ý cho cấp ủy, chính quyền ban hành các chủ trương, chính sách có liên quan trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Thông qua đó đã góp phần tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền; khơi gợi được tính chủ động của người dân tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; củng cố, thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân./.