Xã hội

Cung cấp các gói dịch vụ hỗ trợ người bán dâm hoàn lương

Năm 2024, Cục tập trung đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống mại dâm; nghiên cứu, xây dựng, hướng dẫn hình thành mạng lưới cung cấp dịch vụ, các gói dịch vụ hỗ trợ người bán dâm hoàn lương.

TTXVN- Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, tình hình tệ nạn mại dâm vẫn diễn biến phức tạp về quy mô, tính chất và phương thức hoạt động.

Theo báo cáo của các địa phương, hiện nay trên cả nước ước tính có 7.504 người bán dâm, trong đó số người bán dâm được các cơ quan chức năng thống kê qua xử lý vi phạm hành chính, hỗ trợ xã hội, y tế… là 2.116 người. Tuy nhiên, con số thực tế có thể còn cao hơn rất nhiều do tính di biến động, phức tạp, trá hình của hoạt động mại dâm.

Tình trạng mại dâm trá hình “núp bóng” trong cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện vẫn tiếp diễn ở nhiều nơi. Mại dâm biến tướng theo “hợp đồng”, đường dây “gái gọi” hoạt động liên tỉnh, có yếu tố nước ngoài với nhiều hình thức; có sự tham gia của học sinh, sinh viên, người mẫu, diễn viên, mại dâm nam, mại dâm đồng tính nam xuất cảnh ra nước ngoài bán dâm.

Lực lượng Công an lập biên bản buộc tháo dỡ quán Bar chui. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Các đối tượng lợi dụng mạng Internet, ứng dụng công nghệ cao, thông qua các trang mạng xã hội, diễn đàn, nhóm kín để đăng tải thông tin, hình ảnh giới thiệu, tiếp thị, thoả thuận mua, bán dâm. Các vụ việc về mại dâm vẫn tập trung chủ yếu ở một số tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa và một số địa phương có các khu du lịch, khu công nghiệp.

Nhằm tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn mại dâm, năm 2024, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành rà soát, nghiên cứu, đánh giá và đề xuất hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm; đồng thời, tổ chức các hoạt động tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện pháp luật phòng, chống mại dâm, đề xuất, sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm.

Năm 2024, Cục tập trung chỉ đạo xây dựng, tổ chức thực hiện các hoạt động phòng ngừa mại dâm; đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền phòng, chống mại dâm; nghiên cứu, xây dựng, hướng dẫn hình thành mạng lưới cung cấp dịch vụ, các gói dịch vụ hỗ trợ người bán dâm hoàn lương, hòa nhập cộng đồng; hỗ trợ kỹ thuật xây dựng mô hình thí điểm có hiệu quả ở một số địa phương. Bên cạnh đó, tăng cường công tác phối hợp liên ngành nhằm triển khai một cách toàn diện và hiệu quả công tác này.

Năm 2023, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đã chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị là thành viên Ủy ban quốc gia rà soát, kiện toàn tổ chức và xây dựng Quy chế của Tổ công tác liên ngành phòng, chống mại dâm trung ương nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong việc chỉ đạo, điều phối, phối hợp tổ chức thực hiện công tác phòng, chống mại dâm và các hoạt động của Chương trình phòng, chống mại dâm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đơn vị cũng nghiên cứu xây dựng Bộ chỉ số giám sát và quy trình kiểm tra, đánh giá thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021-2025 nhằm thống nhất các tiêu chí đánh giá, quy trình, trách nhiệm thực hiện giúp các bộ, ngành có liên quan và địa phương tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả về cơ quan thường trực để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Hướng dẫn điều tra, khảo sát, nghiên cứu đánh giá, dự báo nhu cầu của người bán dâm có khó khăn về tài chính, thanh niên chưa có việc làm, người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm và khả năng đáp ứng của các dịch vụ hiện có tại 20 tỉnh, thành phố trọng điểm, đại diện vùng miền, khu vực, trên cơ sở đó đề xuất hướng dẫn thực hiện lồng ghép hoạt động phòng, chống mại dâm với các chương trình có liên quan tại địa bàn cơ sở.

Cục phối hợp với Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) nghiên cứu xây dựng và tổ chức ký kết Chương trình phối hợp thực hiện công tác phòng, chống mại dâm, cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma túy và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.

Cũng theo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, hiện nay có nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống mại dâm.

Nổi lên là một số quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm không còn phù hợp với thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng chống mại dâm trong tình hình mới như: Khái niệm mại dâm, đối tượng, điều kiện đảm bảo các biện pháp phòng ngừa, thực hiện can thiệp giảm hại, phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS, về xử lý vi phạm liên quan đến cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn mại dâm…

Một trong những nguyên nhân của tình trạng này được xác định do sự phát triển công nghệ thông tin, biến tướng về phương thức hoạt động mại dâm dẫn đến khó khăn trong công tác đấu tranh, truy quét, xử lý các hành vi vi phạm hành chính, tội phạm liên quan đến mại dâm./.

Hạnh Quỳnh

Xem thêm