Xây dựng Đảng

Cựu chiến binh tích cực tham gia chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới

Phú Thọ

Đại biểu cựu chiến binh các tỉnh trao đổi, thảo luận về thực trạng công tác chuyển đổi số ở Hội Cựu chiến binh địa phương; nhận thức về chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn.

Toàn cảnh buổi tọa đàm “Chuyển đổi số trong xây dựng Nông thôn mới khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc năm 2023”. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

TTXVN - Ngày 11/8, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam phối hợp với Hội Cựu chiến binh tỉnh Phú Thọ tổ chức Tọa đàm “Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới khu vực trung du và miền núi phía Bắc năm 2023”.

Lãnh đạo Hội Cựu chiến binh Việt Nam, tỉnh Phú Thọ, các cơ quan thuộc Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Hội Cựu chiến binh 15 tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc đã tham dự.

Phát biểu đề dẫn tại Tọa đàm, Thiếu tướng Trần Đình Hướng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam khẳng định, chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi về nhận thức và người dân chính là trung tâm của chuyển đổi số. Mục tiêu cơ bản là đến năm 2025, Việt Nam thuộc nhóm 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử; hạ tầng mạng băng thông rộng cáp quang phủ hơn 80% hộ gia đình và 100% các xã; Việt Nam thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng...

Tọa đàm “Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới khu vực trung du và miền núi phía Bắc năm 2023” được chức nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới cũng như cách tuyên truyền, vận động đối với hội viên và người dân về vấn đề này. Trên cơ sở đó, thống nhất về quan điểm, nhận thức, cách thức tiến hành ở hội viên và Hội cơ sở.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phú Thọ Phùng Khánh Tài thông tin khái quát những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả này có đóng góp quan trọng của Hội Cựu Chiến binh, các cơ quan khối Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh. Phú Thọ xác định xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, lâu dài và việc chuyển đổi số trong nông nghiệp phục vụ xây dựng nông thôn mới là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm. Qua thời gian triển khai thực hiện, Phú Thọ đứng ở vị trí nhóm đầu và là tỉnh đầu tiên có huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong khu vực miền núi phía Bắc.

Ông Phùng Khánh Tài mong muốn, các đại biểu cùng thảo luận, đóng góp ý kiến để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn và thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh. Đây cũng là dịp để các cấp Hội Cựu chiến binh trong khu vực giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, phát huy hơn nữa vai trò của mình, đóng góp tích cực cùng Đảng bộ, chính quyền và cả hệ thống chính trị hoàn thành mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra, xây dựng Phú Thọ là tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Tại Tọa đàm, đại biểu cựu chiến binh các tỉnh tập trung trao đổi, thảo luận về thực trạng công tác chuyển đổi số ở Hội Cựu chiến binh địa phương; nhận thức về chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn; trách nhiệm của các cấp Hội trong tuyên truyền, vận động hội viên, người dân thực hiện; chức năng giám sát, phản biện xã hội về các đề án, dự án chuyển đổi số ở địa phương; chia sẻ những mô hình mới, cách làm hay, đề xuất giải pháp thực hiện chuyển đổi số trong tổ chức Hội Cựu chiến binh.

Cựu chiến binh Hoàng Văn Thế (hội viên Hội Cựu chiến binh xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) chia sẻ, hiện nay nhiều người trồng quế ở xã Chiềng Ken có thể quản lý hàng chục đến hàng trăm héc-ta quế chỉ với một chiếc điện thoại thông minh kết nối internet. Cụm từ “chuyển đổi số” hay “ứng dụng thông minh” không còn xa lạ với người dân trồng quế bởi họ đã thuần thục các thao tác trong hệ thống truy xuất nguồn gốc thông qua app QGS (nhật ký điện tử dành cho sản xuất nông nghiệp). Kết quả này một phần nhờ các hội viên cựu chiến binh của xã, đặc biệt là các hội viên trẻ, đã tích cực truyền đạt cho người dân theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”, qua đó góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Bên cạnh những thuận lợi, các đại biểu thẳng thắn nêu lên những khó khăn trong việc tham gia chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới như: các địa phương đều ở vùng miền núi nên hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin còn khó khăn. Kinh phí dành cho chuyển đổi số chưa đáp ứng nhu cầu. Nhận thức và trình độ dân trí của một số đồng bào còn chưa đồng đều, một số còn hạn chế…

Các đại biểu đã có nhiều kiến nghị và đề xuất với các cấp có thẩm quyền về giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn thông minh giai đoạn 2021 - 2025 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt./.

Trung Kiên

Xem thêm