Nâng cao hiệu quả công tác giám sát của Mặt trận trong xây dựng nông thôn mới
Mặt trận Tổ quốc các cấp đã xây dựng kế hoạch và lựa chọn nội dung giám sát phù hợp yêu cầu của địa phương như: thực hiện các tiêu chí về môi trường, quy hoạch cơ sở hạ tầng, kết quả thực hiện các tiêu chí về nhà ở.
TTXVN - Ngày 11/8, tại An Giang, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Tọa đàm "Nâng cao hiệu quả công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng nông thôn mới" cho cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long.
Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì buổi tọa đàm; đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long tham dự.
Tọa đàm là dịp để cán bộ Mặt trận các cấp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về những kết quả làm được, những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc để tìm ra cách làm tốt, kinh nghiệm hay, giải pháp khả thi, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Theo đánh giá của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, đang được cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương triển khai thực hiện. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân ở nông thôn, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về mức sống, chất lượng cuộc sống giữa vùng nông thôn với thành thị.
Phát triển nông nghiệp, nông thôn nhằm xây dựng nền nông nghiệp xanh, nông thôn hiện đại đáng sống mà người dân là chủ thể. Xác định được tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, những năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Từ đó, vận động nhân dân tham gia hưởng ứng, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo thống kê, hiện cả nước có 6.022/8.177 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, có 1.331 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, tăng 340 xã so với cuối năm 2022 và 176 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Cả nước có 263 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 8 đơn vị so cuối năm 2022; 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm tỉnh là Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Trên cơ sở Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, giai đoạn 2021 - 2023, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã chủ trì phối hợp giám sát được gần 532.000 cuộc. Về lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, Mặt trận các cấp đã tổ chức giám sát được hơn 98.400 cuộc; trong đó cấp tỉnh hơn 2.300 cuộc, cấp huyện gần 12.300 cuộc, cấp xã gần 84.000 cuộc. Mặt trận Tổ quốc các cấp cũng tổ chức lấy được trên 2,6 triệu lượt ý kiến của người dân về công nhận cấp huyện và xã đạt chuẩn nông thôn mới…
Tại buổi tọa đàm, đại diện Mặt trận Tổ quốc các các, tỉnh thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã tập trung trao đổi, thảo luận về công tác kiểm tra, giám sát của Mặt trận trong xây dựng nông thôn mới; chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới của từng địa phương.
Ông Nguyễn Tiếc Hùng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang cho biết, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã xây dựng kế hoạch và lựa chọn nội dung giám sát phù hợp yêu cầu của địa phương như: thực hiện các tiêu chí về môi trường, quy hoạch cơ sở hạ tầng, kết quả thực hiện các tiêu chí về nhà ở, phát triển ngành nghề, làng nghề, cơ sở y tế, trường học, an ninh trật tự... Đặc biệt, thông qua việc tổ chức lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới đã phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới.
Tại buổi tọa đàm, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh giá công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng nông thôn mới thời gian qua đã có sự chuyển biến và đạt được kết quả quan trọng. Nhiều địa phương, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm xây dựng cơ chế, điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Những kiến nghị sau giám sát ở một số địa phương có chất lượng tốt, được các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tiếp thu, phản hồi, nhất là các kiến nghị sau giám sát, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân trong xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc còn một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục như: Việc tổ chức triển khai giám sát ở một số nơi còn lúng túng, còn hiện tượng nể nang, né tránh, ngại va chạm; việc theo dõi, đôn đốc giải quyết kiến nghị sau giám sát, tiếp thu, phản hồi sau giám sát ở nhiều nơi chưa được chú trọng, dẫn đến việc kiến nghị một chiều, hình thức, hiệu quả chưa cao...
Bà Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh, các ý kiến và trao đổi của các đại biểu tại tọa đàm sẽ giúp Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có thêm cơ sở thực tiễn tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các nội dung, cơ chế trong chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện các Chương trình xây dựng nông thôn mới nói chung và công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc trong xây dựng nông thôn mới nói riêng. Từ đó, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả, đảm bảo tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới./.