Tỉnh xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP gắn với du lịch cộng đồng tại làng gốm Phù Lãng, làng tranh dân gian Đông Hồ và làng Quan họ cổ Viêm Xá.
TTXVN - Bắc Ninh đang triển khai Đề án Xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP về du lịch tỉnh giai đoạn 2023 - 2025 nhằm phát triển đa dạng các loại hình sản phẩm du lịch để thu hút du khách.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn nhấn mạnh, việc thực hiện Đề án góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế làng nghề truyền thống, hệ thống các di sản văn hóa tạo nên các sản phẩm du lịch xanh, có trách nhiệm, mang bản sắc của con người Bắc Ninh - Kinh Bắc; đồng thời, bảo tồn văn hóa, giới thiệu hình ảnh đẹp của địa phương đến với du khách trong nước và quốc tế.
Bước đầu, tỉnh xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP gắn với du lịch cộng đồng tại làng gốm Phù Lãng (thị xã Quế Võ), làng tranh dân gian Đông Hồ (thị xã Thuận Thành) và làng Quan họ cổ Viêm Xá (còn gọi là làng Diềm, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh).
Theo đó, tỉnh tiến hành khảo sát, phân tích, đánh giá thực trạng, tiềm năng du lịch, điều kiện phát triển du lịch cộng đồng tại khu vực làng gốm Phù Lãng, làng tranh Đông Hồ, khu phố Viêm Xá và vùng phụ cận của các địa điểm này. Trên cơ sở đó, các ngành đề xuất định hướng phát triển, giải pháp quản lý, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật; hình thành các gói sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách du lịch, phân khúc khách hàng. Các ngành cần định hướng phát triển sản phẩm OCOP du lịch cộng đồng tại khu vực sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững tài nguyên du lịch nhân văn; đáp ứng các tiêu chuẩn của sản phẩm OCOP về du lịch cộng đồng theo quy định…
Ông Vương Quốc Tuấn nêu rõ, để thực hiện Đề án, tỉnh yêu cầu ngành Nông nghiệp phối hợp với các ngành chức năng, địa phương thiết kế, phát triển sản phẩm, dịch vụ để du khách có thể trải nghiệm cuộc sống làng nghề, cuộc sống nông thôn tại các điểm du lịch cộng đồng (gốm Phù Lãng, khu Viêm Xá, tranh Đông Hồ và vùng phụ cận), thực hành các công đoạn làm ra sản phẩm nghề truyền thống (như: gốm, tranh dân gian, nghi thức, lề lối, trình diễn của Quan họ làng Diềm). Tỉnh chú trọng liên kết với các điểm du lịch, doanh nghiệp lữ hành hình thành các tour, tuyến du lịch đến các nơi triển khai xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP du lịch nhằm tăng cường trải nghiệm để giữ chân du khách.
Cụ thể, điểm Viêm Xá tại khu vực ven sông Cầu quy hoạch hình thành khu vui chơi, giải trí, check in cho du khách; khu vực cho du khách trải nghiệm, thực hành nghi lễ và hoạt động khác của người Quan họ; xây dựng bảo tàng nhỏ trưng bày các sản phẩm văn hóa và truyền thuyết về Đền Cùng - Giếng Ngọc, Thủy tổ Quan họ; thành lập các tổ, nhóm đưa du khách khám phá sông Cầu, nghe hát Quan họ bằng thuyền.
Tại làng gốm Phù Lãng, tỉnh tổ chức quy hoạch địa điểm trưng bày, giới thiệu lịch sử, trải nghiệm làm gốm; hình thành các khu vực cắm trại, dã ngoại ngoài trời, khu vực tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí; cải tạo giao thông nội đồng để du khách tham gia trải nghiệm, tham quan đồng lúa.
Tại Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa tranh Đông Hồ, địa phương bố trí các khu vực trải nghiệm khác nhau cho du khách liên quan đến nghề làm tranh truyền thống (tạo màu, in tranh, phơi tranh, chợ…); tái hiện các hình ảnh (phơi tranh, chợ tranh Tết…); chỉnh trang, trồng hoa, cây cảnh tạo không gian, cảnh quan cho du khách tham quan, check in...
Trong quá trình triển khai, Bắc Ninh sẽ tổng kết, đánh giá việc xây dựng sản phẩm OCOP du lịch trên phạm vi toàn tỉnh. Địa phương phấn đấu đến hết năm 2030, mỗi huyện có ít nhất một sản phẩm OCOP du lịch được công nhận; hoàn thành tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 tại các địa bàn triển khai xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP du lịch. Tỉnh đào tạo, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho 100% người dân, chủ thể, cán bộ quản lý tại các địa phương triển khai xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP du lịch; đầu tư nâng cấp, phát triển hạ tầng, phát triển thêm các điểm vui chơi giải trí, trưng bày sản phẩm OCOP./.