Văn hóa

200 năm thương hiệu bánh tráng Thuận Hưng

Cần Thơ

Nghề làm bánh tráng Thuận Hưng, vừa được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia ở lĩnh vực nghề thủ công truyền thống.

Bánh tráng Thuận Hưng. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)

TTXVN - Nghề làm bánh tráng tại phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ, vừa được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia ở lĩnh vực nghề thủ công truyền thống.

Đây là làng nghề truyền thống đầu tiên của Cần Thơ nhận được vinh dự này. Bên cạnh niềm tự hào, điều này đặt ra nhiều thách thức đối với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, kinh tế của làng nghề bánh tráng Thuận Hưng.

* Vang bóng một thời

Theo sử liệu, nghề làm bánh tráng Thuận Hưng đã tồn tại và phát triển khoảng 200 năm. Thương hiệu bánh tráng Thuận Hưng đã trải qua đủ “cung bậc” thăng trầm. Từ những hộ làm bánh nhỏ lẻ ban đầu, dần được thị trường ưa chuộng, cung không đủ cầu, các hộ dân lân cận bắt đầu gia nhập vào chuỗi cung ứng. Rồi cha mẹ truyền bí kíp cho con, hàng xóm chỉ nghề cho nhau… lò nhà nào cũng đỏ lửa, những vỉ bánh tráng phơi tít tắp dọc các con đường.

Mỗi mẻ bánh tráng Thuận Hưng chỉ cần phơi 30 phút dưới ánh nắng. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)


Bà Hà Thị Sáu, nghệ nhân đã hơn 30 năm gắn bó với nghề chia sẻ, để có sự đón nhận của thị trường, bánh tráng Thuận Hưng phải tạo được sự khác biệt, vừa có sự thống nhất chung để nhận diện thương hiệu, lại vừa có “bí kíp” riêng của từng hộ mà không làng bánh tráng nào giống được. Theo đó, hầu hết bánh được tạo ra từ nguyên liệu chính là gạo và pha bột theo tỉ lệ chuẩn của từng hộ, thêm một chút muối để vị bánh đậm đà hơn. Gạo ngâm vừa tới là phải xay luôn, bánh mới ngon. Các công đoạn nạo dừa, nước cốt dừa pha tráng bánh, canh lửa trấu, phơi sao cho bánh có độ khô vừa phải, không bị cong nứt… đều đòi hỏi sự tỉ mỉ và cân chỉnh chính xác bằng kinh nghiệm lâu năm của nghệ nhân.

Những giai đoạn cao điểm, các lò bánh đỏ lửa ngày đêm, bạn hàng “xếp tài” chờ lấy bánh. Thế nhưng, ngày nay lớp trẻ không còn mặn mà với nghề tráng bánh truyền thống, phần do sự cực nhọc tỉ mỉ của nghề, phần do tâm lý muốn thoát ly làm ăn xa. Do đó, làng nghề bánh tráng Thuận Hưng đang đứng trước nguy cơ mai một. Sự nhộn nhịp của làng nghề bánh tráng Thuận Hưng ngày xưa chỉ còn “vang bóng một thời”.

Thông tin từ Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, làng nghề bánh tráng Thuận Hưng hiện chỉ còn 75 hộ hoạt động thường xuyên phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho nhân dân trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu sang Campuchia, 41 hộ sản xuất theo thời vụ trong dịp Tết. Các hộ chủ yếu sản xuất với dạng lò thủ công tráng bánh bằng lò trấu, có 4 hộ đầu tư sản xuất tráng bánh bằng máy.

Nguyên nhân của tình trạng này trước tiên phải kể đến sự thiếu hụt nhân lực. Trước đây, con cháu muốn nối nghiệp cha ông để hưởng sự thuận lợi như quen việc, quen mối, gần nhà… Ngày nay, các bạn trẻ lại có xu hướng muốn đi xa, làm công sở để có thu nhập ổn định và quan hệ bạn bè rộng. Nhân lực chính ở các lò bánh chỉ còn người già, sức khỏe mỗi ngày mỗi giảm, không thể cáng đáng được nhiều công đoạn quan trọng nữa. Bên cạnh đó, tiến trình đô thị hóa khiến những không gian rộng của làng nghề dành để phơi bánh cũng dần thu hẹp lại. Không có chỗ phơi, các hộ e ngại chất lượng bánh không được đảm bảo, vì vậy sản xuất bánh theo kiểu cầm chừng.

Sự phát triển của công nghệ cũng đang là rào cản khiến làng nghề bánh tráng Thuận Hưng chững lại. Những nút thắt về tư duy, về nguồn vốn, về khả năng điều khiển máy móc hiện đại… đang được chỉ ra. Câu chuyện về xây dựng thương hiệu và gắn mác sản phẩm cho nhãn hiệu là bài toán khó đối với các cấp chính quyền, khi người dân nơi đây vẫn chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của câu chuyện thương hiệu.

Đặc thù bánh tráng cần thời tiết nắng ráo để phơi, trong khi thời tiết Nam Bộ có 6 tháng mùa mưa. Do đó, tư duy của các hộ dân làng bánh đa phần vẫn sản xuất theo tính mùa vụ, “nắng đỏ lò, mưa xếp liếp”, “Tết làm bánh, hết Tết làm mướn”…

Với những nét đặc trưng của làng nghề hơn 200 năm tuổi, làng bánh tráng Thuận Hưng còn thường xuyên có khách du lịch ghé thăm. Tuy vậy, hầu như việc đón tiếp, hướng dẫn khách tham quan và trải nghiệm tại đây vẫn mang tính tự phát. Do đó, chất lượng chưa cao, du khách chưa thỏa mãn khám phá cũng như sẵn sàng chi tiêu nhiều.

* Định hướng phát triển bền vững

Trước thực trạng làng nghề bánh tráng Thuận Hưng có nguy cơ mai một, giá trị kinh tế không được khai thác tốt, các cấp sở, ngành thành phố Cần Thơ đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn nét đẹp văn hóa dân gian của làng nghề, song song với gia tăng giá trị kinh tế mà làng nghề có thể mang lại.

Đại diện lãnh đạo phường Thuận Hưng cho biết, phường đã phối hợp các ban, ngành, hội, đoàn thể kết nối tín dụng cho các hộ dân như Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Thuận Hưng hỗ trợ hội viên vay vốn mua sắm nguyên vật liệu. Phường phối hợp với các bên liên quan như: Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ để xây dựng thương hiệu cho làng nghề, Sở Công Thương, các điểm du lịch… để tìm đầu ra cho sản phẩm.

Bánh tráng Thuận Hưng nổi tiếng là nhờ kinh nghiệm 200 năm trước được các cụ truyền nghề lại cho con cháu nối nghiệp. (Ảnh: Thu Hiền/TXVN)

Có vốn, các hộ còn có cơ hội đầu tư trang thiết bị hiện đại. Hiện làng nghề đã có một số hộ trang bị máy tráng bánh. Việc sử dụng máy tráng được khách hàng rất ưa chuộng vì bánh được tráng bằng máy có độ dày vừa phải, bóng và bánh tròn đều rất đẹp. Là hộ đưa máy tráng bánh vào hoạt động từ năm 2020, máy của gia đình ông Phan Rang gần như hoạt động hết công suất. Ngoài máy tráng bánh, ông còn sử dụng xe đẩy chuyển bánh đi phơi, giảm bớt sức người, nhẹ nhân công.

Mới đây, hai hộ gia đình được UBND thành phố Cần Thơ trao giấy chứng nhận sản phẩm đạt OCOP. Đây là một bước tiến trong việc quảng bá sản phẩm, đưa hình ảnh bánh tráng Thuận Hưng tiến xa hơn tới các thị trường tiêu thụ. Để bánh tráng đến gần hơn nữa với người tiêu dùng khắp nơi, các hộ làm bánh còn được hỗ trợ thường xuyên tham gia các Lễ hội ẩm thực trong và ngoài nước.

Mới đây, trong Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ năm 2023 diễn ra từ ngày 28/4-2/5 tại Cần Thơ, Nghệ nhân Hà Thị Sáu đã tự tay nướng những chiếc bánh tráng giới thiệu đến khách tham quan. Nghệ nhân phấn khởi cho biết, cứ sau các lễ hội như thế này, lượng khách biết đến thương hiệu bánh tráng Thuận Hưng nói chung và gia đình bà nói riêng càng tăng lên. Bà đã nhận được nhiều đơn hàng ngay tại lễ hội cũng như nhiều lời hẹn sẽ đến tham quan cơ sở sản xuất trong một ngày gần nhất.

Việc làng nghề bánh tráng Thuận Hưng được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia cho thấy nỗ lực của thành phố Cần Thơ trong việc khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống. Trong đó, phải kể đến nỗ lực nâng cấp hệ thống giao thông, mời gọi các đơn vị hoạt động du lịch thiết kế các tour, tuyến đến với làng nghề.

Theo bà Đào Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, du lịch sẽ mang lại nguồn kinh phí cũng như giúp lan tỏa nét đẹp văn hóa, nét đẹp ẩm thực của làng nghề, của người Cần Thơ. Thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị theo từng chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành xây dựng đề án du lịch gắn với làng nghề. Điều này sẽ giải quyết được cả bài toán phát triển kinh tế lẫn bảo tồn văn hóa. Mô hình “Du lịch làng nghề” thuận lợi vì không cần đầu tư cơ sở vật chất quá tốn kém, giữ nguyên những sinh hoạt thường nhật…

Tháng 8/2022, Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở đó, Cần Thơ đã triển khai đề án khôi phục và phát triển làng nghề gắn với du lịch.

Khó khăn, thách thức vẫn còn nhiều, nhưng với sự vào cuộc, tâm huyết của cả hệ thống chính trị và người dân trong việc phát triển làng nghề gắn với du lịch, nghề thủ công truyền thống bánh tráng Thuận Hưng sẽ mang lại thu nhập ổn định hơn cho người dân. Từ đó, mọi người phấn khởi, an tâm lao động và gìn giữ, phát huy nghề thủ công truyền thống của địa phương./.

Ánh Tuyết

Xem thêm