Với sự hỗ trợ của công nghệ, ngành Du lịch Việt Nam kỳ vọng sẽ tiến xa hơn trong lộ trình chuyển đổi số, giúp nâng cao trải nghiệm cho du khách, duy trì lượng du khách thường xuyên, thu hút du khách mới.
TTXVN - Ngày 5/5, tại Hà Nội, Hội Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam (VTGA) phối hợp với Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) và Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC) tổ chức Hội nghị giới thiệu “Thẻ Du lịch Quốc gia” thuộc Chương trình Thẻ Việt - Một thẻ Quốc gia. Hoạt động này nhằm chia sẻ tới các công ty lữ hành, cộng đồng hướng dẫn viên du lịch về tiện ích mới ứng dụng trong chuyển đổi số ngành Du lịch, quyền lợi, chính sách cũng như cơ hội mới trong vận hành, kinh doanh du lịch tại Việt Nam.
Ông Hoàng Quốc Hòa, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin du lịch chia sẻ: Có 3 sản phẩm chủ lực nằm trong chương trình trọng điểm chuyển đổi số quốc gia nhằm đẩy mạnh số hóa ngành du lịch. Đó là Thẻ Du lịch Quốc gia (Thẻ vật lý và thẻ số); Ứng dụng Du lịch Quốc gia “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel” và Nền tảng “Quản trị và kinh doanh du lịch”. Các sản phẩm được đưa vào sử dụng rộng rãi trong cộng đồng du lịch tại Việt Nam, gồm các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, hướng dẫn viên du lịch; du khách trong và ngoài nước.
Chương trình trọng điểm chuyển đổi số quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm hình thành các nền tảng số ở tầm quốc gia; đưa vào ứng dụng thực tiễn góp phần nâng cao trải nghiệm du lịch của du khách tại Việt Nam. Chương trình hỗ trợ tối ưu vận hành cho đội ngũ kinh doanh - điều hành du lịch; khuyến khích tinh thần sáng tạo trong ứng dụng công nghệ số hỗ trợ phát triển du lịch, khơi dậy niềm đam mê khởi nghiệp, lòng tự hào về sản phẩm do chính người Việt làm ra.
Thẻ Du lịch Quốc gia là sản phẩm chiến lược trong hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam, bao gồm thẻ vật lý và thẻ số. Thẻ Du lịch Quốc gia được sử dụng trong lĩnh vực du lịch, kết nối liên thông với tiện ích ở nhiều lĩnh vực liên quan khác như y tế, giáo dục, giao thông, thương mại điện tử và tiện ích khu dân cư. Giải pháp này giúp hình thành và thúc đẩy thói quen mới trong du lịch - “thanh toán không dùng tiền mặt”, tiết kiệm thời gian, công sức, tăng trải nghiệm và tiện ích cho người yêu du lịch tại Việt Nam. Giải pháp này góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về “du lịch xanh”, bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch, hướng tới phát triển du lịch bền vững.
Ứng dụng Du lịch Quốc gia “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel” dành cho du khách trong và ngoài nước khi du lịch ở Việt Nam, hỗ trợ toàn diện tìm kiếm thông tin du lịch, tra cứu doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, hướng dẫn viên, đặt phòng, đặt vé, thanh toán điện tử, quản lý tour du lịch, phản ánh tới cơ quan chức năng…Hiện nay, Thẻ Du lịch Quốc gia (thẻ số) đã được tích hợp đồng bộ trên Ứng dụng Du lịch Quốc gia “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel”, là bước đột phá, tạo nên một công cụ số hỗ trợ toàn diện du khách trong hoạt động du lịch, kết nối với các dịch vụ có liên quan khác.
Nền tảng “Quản trị và kinh doanh du lịch” được xác định là một trong 35 nền tảng số quốc gia cần ưu tiên phát triển. Đây là môi trường số kết nối các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành, hướng dẫn viên du lịch và các cơ quan quản lý. Nền tảng này được triển khai sâu rộng trên toàn quốc, giúp tối ưu hóa quản lý, phát triển du lịch dựa trên dữ liệu số, phát triển kinh tế số du lịch của từng địa phương và quốc gia. Nền tảng này có các tính năng như thanh toán điện tử một chạm, quản lý phòng tại các cơ sở lưu trú, chương trình khuyến mãi, bán hàng, khách hàng thân thiết, thuyết minh đa phương tiện (multi-media guide)...
Tại Hội nghị, các đại biểu được hỗ trợ mở Thẻ Du lịch Quốc gia miễn phí, hướng dẫn sử dụng và trải nghiệm các tính năng và hệ sinh thái ứng dụng. Các đơn vị lữ hành, hướng dẫn viên được chia sẻ chi tiết về cách thức kinh doanh và quản trị du lịch thông qua hệ thống tiện ích số của Thẻ Du lịch Quốc gia.
Với sự hỗ trợ của công nghệ, ngành Du lịch Việt Nam kỳ vọng sẽ tiến xa hơn trong lộ trình chuyển đổi số, giúp nâng cao trải nghiệm cho du khách, duy trì lượng du khách thường xuyên, thu hút du khách mới. Các đơn vị kinh doanh sẽ tối ưu chi phí vận hành, tăng hiệu suất và hiệu quả khai thác; giúp ngành Du lịch đẩy nhanh phục hồi và phát triển bền vững trong thời gian tới./.