Khi chiến tranh kết thúc, một số hài cốt đã được thân nhân mang về gia đình an táng. Hiện còn 1.159 hộp sọ được lưu giữ, bảo quản tại Nhà mồ, trong đó có 1.017 hộp sọ đã xác định tuổi và giới tính.
(TTXVN) - Sáng 5/5 (nhằm ngày 16/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia Nhà mồ Ba Chúc, chùa Phi Lai và chùa Tam Bửu (thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, An Giang), Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tri Tôn phối hợp với Ban Trị sự Trung ương Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa tổ chức trang trọng lễ giỗ tập thể lần thứ 45 (16/3/1978-16/3/2023 âm lịch) cho 3.157 người dân vô tội của thị trấn Ba Chúc bị Pol Pot-Ieng Sary thảm sát trong chiến tranh biên giới Tây Nam.
Đến dự lễ giỗ có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy An Giang Lê Văn Nưng cùng lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể tỉnh; đại diện Đảng bộ, chính quyền huyện Tri Tôn và thị trấn Ba Chúc; đại diện Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa và đông đảo tín đồ, nhân dân, thân nhân gia đình các nạn nhân.
Lễ giỗ năm nay, về nghi thức, các vị chức sắc, chức việc Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa lạy trình tổ, cầu nguyện tại chùa Tam Bửu. Sau đó, các tín đồ, thân nhân nạn nhân và khách viếng tập trung thực hiện nghi lễ tại chùa Tam Bửu trước khi di chuyển sang Nhà mồ Ba Chúc dự lễ cúng chính thức.
Phần lễ cúng có nghi thức đánh trống Trung cỗ khai lễ giỗ, tóm tắt 12 ngày đêm chiến tranh biên giới Tây Nam và mặc niệm, đốt đuốc hồn thiêng, lễ dâng hương và nghi thức cúng tôn giáo…Trước đó, vào tối 4/5, Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa tổ chức các nghi thức tôn giáo cầu siêu cho những người đã khuất. Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên huyện Tri Tôn và nhân dân tổ chức thả hoa đăng, bày tỏ tấm lòng thương nhớ người đã khuất, cầu mong thế giới luôn bình an, hạnh phúc.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm cho biết, Khu di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia Nhà mồ Ba Chúc, chùa Phi Lai và chùa Tam Bửu là nơi lưu giữ những chứng tích tội ác diệt chủng khi lính Pol Pot-Ieng Sary tràn vào thị trấn Ba Chúc. Chỉ trong 12 ngày đêm (từ 18/4-29/4/1978), lính Pol Pot-Ieng Sary đã giết hại dã man 3.157 thường dân vô tội của thị trấn. Đây được xem như một bản cáo trạng về tội ác diệt chủng của chúng. Đồng thời khẳng định giá trị nhân văn, tính chính nghĩa và nghĩa vụ quốc tế cao cả của Quân tình nguyện Việt Nam đối với sự nghiệp giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng, tái thiết đất nước.
Khi chiến tranh kết thúc, một số hài cốt đã được thân nhân mang về gia đình an táng. Hiện còn 1.159 hộp sọ được lưu giữ, bảo quản tại Nhà mồ, trong đó có 1.017 hộp sọ đã xác định tuổi và giới tính. Ngày 10/7/1980, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) có Quyết định số 92/VH.QĐ xếp hạng Nhà mồ Ba Chúc là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Với trách nhiệm và tình cảm đối với những người dân vô tội đã khuất, vào hai ngày 15 - 16/3 âm lịch hàng năm, Đảng bộ, nhân dân tỉnh An Giang nói chung, huyện Tri Tôn và thị trấn Ba Chúc nói riêng tổ chức trang trọng lễ giỗ tập thể cho các nạn nhân./.