Văn hóa

Dịp nghỉ lễ, ngành du lịch thu khoảng 24.000 tỷ đồng

Tổng cục Du lịch nhận định: Đây là tín hiệu tích cực cho thấy hoạt động du lịch tiếp tục duy trì được đà phục hồi và đã hoàn toàn vượt qua khó khăn sau giai đoạn dịch bệnh.

TTXVN - Thông tin chính thức từ Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ngày 4/5 cho biết: Trong kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4 - 1/5 (từ ngày 29/4 đến 3/5), cả nước ước tính đã đón hơn 300.000 khách quốc tế, phục vụ khoảng 7 triệu lượt khách nội địa (tăng 40% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó 3,2 triệu lượt khách có lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 24.000 tỷ đồng (tăng 9% so với cùng kỳ). Công suất phòng trung bình tại các cơ sở lưu trú du lịch đạt 60%, đặc biệt vào những ngày cao điểm đạt trên 70%, một số khu vực đạt tỷ lệ lấp đầy 95-100%.

Kỳ nghỉ lễ năm nay, một số địa bàn du lịch trên cả nước đã ghi nhận những tín hiệu tích cực, lượng khách tăng đáng kể; có nơi lượng khách không đạt như kỳ vọng, nhưng chất lượng khách tốt hơn. Bên cạnh đó, vì thời gian nghỉ tương đối dài nên đa số lựa chọn của khách du lịch là một số khu, điểm du lịch gần biển, có sản phẩm du lịch biển phát triển như Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Phòng... Du khách cũng chọn vui chơi, tham quan các khu, điểm du lịch gần, có thể đi về trong ngày, chủ yếu là các khu điểm du lịch văn hóa, sinh thái, đối tượng chủ yếu là khách lẻ, khách đi theo gia đình, nhóm 3-5 người.

Du khách chiêm ngưỡng pháo hoa tại Carnaval Hạ Long. (Ảnh: Thanh Giang/TTXVN).

Trong đó phải kể đến, Thành phố Hồ Chí Minh phục vụ 950.000 lượt khách du lịch (tăng 126,2% so với cùng kỳ năm 2022), gồm khoảng 48.000 lượt khách quốc tế, công suất phòng trung bình đạt 70-75%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 3.130 tỷ đồng (tăng 94,4%).

Thanh Hóa đạt tổng thu du lịch khoảng 2.865 tỉ đồng, tăng 48,3% so với dịp nghỉ lễ cùng kỳ 2022. Hà Nội có công suất phòng trung bình đạt khoảng 58,4%; tổng thu từ khách du lịch đạt 2.400 tỷ đồng.

Tuy vậy, Kiên Giang lượng khách lại giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2022, công suất phòng trung bình đạt 54%. Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 132,5 tỷ đồng, giảm 24,3% so với cùng kỳ...

Các doanh nghiệp lữ hành và các hãng hàng không đã chủ động giới thiệu sản phẩm kích cầu hấp dẫn, phù hợp xu hướng và tâm lý của du khách. Với chính sách ưu đãi, giảm giá, nhiều sản phẩm mới dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, lượng du khách đặt tour, vé máy bay có sự gia tăng.

Du khách tắm biển ở Nha Trang (Khánh Hòa). (Ảnh: Đặng Tuấn/ TTXVN).

Có thể kể đến các sản phẩm du lịch được doanh nghiệp chủ động làm mới, liên kết, thu hút đông đảo khách du lịch như chuỗi sự kiện của chương trình "Khởi động mùa hè" (Quốc Oai, Hà Nội); trải nghiệm sinh thái, gắn với di tích lịch sử - tâm linh và văn hóa tại Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội); chương trình tham quan di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia trụ sở HĐND và UBND Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, sản phẩm du lịch đường biển (tàu biển, du thuyền xuyên Việt, tour đảo) được du khách quốc tế ưa chuộng, lựa chọn.

Trong đó, Saigontourist đã đón liên tục 10 đoàn khách quốc tế đến Việt Nam với hơn 5.000 du khách từ Đức, Pháp và các nước châu Á để tham gia tour du thuyền xuyên Vịnh. Vietravel đã phục vụ hơn 10.000 lượt khách quốc tế, chiếm 50% số lượng khách phục vụ trong kỳ nghỉ Lễ, sản phẩm chủ đạo được lựa chọn là tour biển, tour du thuyền dài ngày;.. Lượng khách đặt tour đi nước ngoài tăng mạnh, đạt tỷ lệ lấp đầy hơn 90%, thậm chí có tour đã hết chỗ như Thái Lan, Hàn Quốc, Bali (Indonesia)...

Du khách tham quan Dinh Độc Lập ở Thành phố Hồ Chí Minh theo chương trình về nguồn. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Tuy vậy, có một số đường bay du lịch trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 vẫn vắng khách, mặc dù giá vé tại một số chặng bay đã giảm nhẹ khoảng 10-15% so với trước đó. Ví dụ như đường bay từ Hà Nội đi Cam Ranh, Đà Nẵng, Đà Lạt, Phú Quốc, Tuy Hòa, Bình Định vào ngày 28/4, tỷ lệ đặt chỗ chỉ dao động từ 65% đến 77%. Trong khi đó, các đường bay đi Đồng Hới, Buôn Ma Thuột, Côn Đảo, Rạch Giá, có tỷ lệ đặt chỗ trên 90%; các đường bay đi Huế, Pleiku, Cần Thơ trên 80%...

Tổng cục Du lịch nhận định: Đây là tín hiệu tích cực cho thấy hoạt động du lịch tiếp tục duy trì được đà phục hồi; đã hoàn toàn vượt qua khó khăn sau giai đoạn dịch bệnh. Tín hiệu khách quốc tế tăng cũng chứng tỏ hướng đi đúng đắn, kịp thời của du lịch Việt Nam trong cơ cấu lại thị trường khách, chủ động làm mới sản phẩm, chủ động xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch hiệu quả.

Du khách trải nghiệm, tham quan vườn hoa hồng tại khu du lịch cáp treo Fansipan Legend ở Lào Cai. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN).

Tuy nhiên, hiện tượng ùn tắc cục bộ vẫn diễn ra vào giờ cao điểm và kéo dài trong nhiều giờ. Vì vậy, còn xảy ra hiện tượng hủy lịch trình, hủy dịch vụ do tình trạng ùn tắc kéo dài trên các tuyến quốc lộ. Chất lượng phục vụ chưa thực sự đáp ứng kỳ vọng của du khách, tình trạng đông đúc, chen lấn cục bộ vẫn diễn ra tại một số địa phương trọng điểm du lịch. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực du lịch vẫn bị thiếu hụt, chưa kịp đào tạo bổ sung.../.

Thanh Giang

Tin liên quan

Xem thêm