Tính hết tháng 4/2023, tổng lượng khách đến Lào Cai đạt 2,6 triệu lượt, bằng 43% kế hoạch năm, tăng 238% so với cùng kỳ năm 2022; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 7.800 tỷ đồng, bằng 38% kế hoạch năm, tăng 192% so với cùng kỳ năm 2022.
TTXVN - Năm 2023 là năm ngành Du lịch Lào Cai bước vào giai đoạn phục hồi hoàn toàn sau thời gian dài chịu tác động của đại dịch COVID-19. Tuy vậy, trong bối cảnh lượng khách du lịch ngày càng tăng cao, đa số các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú tại Lào Cai đứng ngồi không yên do vướng các quy định về phòng cháy, chữa cháy, đầu tư kinh doanh du lịch... Tỉnh đang tìm giải pháp tập trung tháo, gỡ tạo thuận lợi trong hoạt động sản xuất kinh doanh du lịch, dịch vụ cho các doanh nghiệp trên địa bàn.
* Nhiều "nút thắt" cần tháo gỡ
Hiện nay, địa bàn tỉnh Lào Cai có xấp xỉ 1.700 cơ sở thuộc quản lý về phòng cháy, chữa cháy trong lĩnh vực văn hóa, du lịch; trong đó có 924 cơ sở kinh doanh lưu trú. Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Trần Sơn Bình, các doanh nghiệp và nhà đầu tư đang gặp rất nhiều khó khăn về đáp ứng các yêu cầu đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy; cấp giấy phép phòng cháy, chữa cháy theo quy định mới.
Khách sạn Sa Pa Vip được xây dựng từ năm 2017. Đại diện khách sạn cho biết, trước khi xây đã được cơ quan Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ thẩm duyệt thiết kế và khi hoàn thiện đưa vào sử dụng đã được kiểm tra xác nhận đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy. Vừa qua, Công an thị xã Sa Pa tiến hành kiểm tra lại và yêu cầu khách sạn phải xây buồng thang cho cầu thang bộ và cửa chống cháy cho thang máy (theo luật mới). "Điều này thực sự gây nên những khó khăn cho các khách sạn đã được xây dựng từ trước đây và cho các hộ dân, mặc dù đã đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy", đại diện khách sạn nói.
Nằm cách thị trấn Sapa 18km với khoảng 45 phút di chuyển bằng xe bus, Topas Ecolodge là một khu nghỉ dưỡng thiết kế theo phong cách Bắc Âu tối giản được bao bọc bởi thiên nhiên hoang sơ với những con đường mòn hai bên nở rực rỡ các loài hoa bản địa. Một số đoạn đường di chuyển khá ngoằn ngoèo và gập ghềnh bởi địa hình đặc trưng nhưng nhiều du khách thích thú cho biết quan trọng nhất là họ vẫn có thể thưởng thức cảnh đẹp và cuộc sống dung dị thường ngày của người dân vùng núi.
Tuy vậy, theo đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Topas Ecolodge họ đang có nhiều khó khăn gặp phải trong đảm bảo quy định mới về phòng cháy, chữa cháy. Đặc biệt là quy định về việc mở rộng đường giao thông đảm bảo xe chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đi vào khu du lịch…
Không chỉ với các khu nghỉ dưỡng biệt lập, do địa hình đồi núi đặc biệt, tình trạng này khá phổ biến tại Lào Cai với loại hình dịch vụ kinh doanh du lịch cộng đồng. Bởi theo rà soát của Công an tỉnh Lào Cai, dịch vụ kinh doanh của nhiều homestay xây dựng trong các thôn, bản địa phương có đường giao thông nhỏ, hẹp không đảm bảo cho các phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ hoạt động. Đồ thiết kế nội thất, trang trí chủ yếu làm bằng các loại vật liệu dễ cháy nên khi có sự cố cháy, nổ xảy ra rất dễ dẫn đến cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, lực lượng chức năng không thể chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ kịp thời.
Ngoài vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy, các doanh nghiệp du lịch Lào Cai đang gặp nhiều khó khăn nảy sinh từ những xung đột trong việc phát triển du lịch với chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đầu tư kinh doanh du lịch nông nghiệp, khu điểm du lịch, công tác bảo vệ môi trường.
Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.
Theo đại diện Hiệp hội Du lịch Lào Cai, nội dung của chính sách là rất phù hợp với thực tế ở Lào Cai nơi có thiên nhiên ưu đãi với khí hậu mất mẻ, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Tuy nhiên, để có thể phục vụ khách du lịch đến tham quan và sử dụng các dịch vụ, cơ sở cần hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu nhất như nhà vệ sinh, nơi phục vụ nhu cầu ăn uống, giải khát,... của du khách. Cao cấp hơn nữa là đầu tư các trạm dừng nghỉ, xây dựng gian trưng bày giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, cơ sở lưu trú, công trình dịch vụ,...phục vụ khách du lịch.
Song, trên thực tế, việc triển khai các hạng mục trên còn rất nhiều bất cập khi cơ sở du lịch phải tuân thủ mục đích sử dụng đất, địa điểm phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tránh vi phạm Luật Đất đai (Điều 6) và Luật Xây dựng... Do đó, quá trình thực hiện được Quyết định 922/QĐ-TTg tại Lào Cai đang gặp nhiều khó khăn vướng mắc.
* Không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm
Tính đến hết tháng 4/2023, tổng lượng khách đến Lào Cai đạt 2,6 triệu lượt, bằng 43% kế hoạch năm, tăng 238% so với cùng kỳ năm 2022; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 7.800 tỷ đồng, bằng 38% kế hoạch năm, tăng 192% so với cùng kỳ năm 2022. Sự tăng tốc bứt phá của ngành Du lịch và những đóng góp mà nó mang lại trong phát triển kinh tế - xã hội, đòi hỏi địa phương phải gấp rút có những giải pháp thỏa đáng, hợp lý giải quyết những tồn tại, vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp sớm phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh; phục vụ, thu hút khách du lịch.
Mới đây, tại Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp du lịch do UBND tỉnh Lào Cai tổ chức, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường khẳng định, các cơ quan chức năng phải thay đổi nhận thức, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm để tham mưu giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp du lịch theo quy định của pháp luật.
Đối với việc cấp phép phòng cháy, chữa cháy, Thượng tá Trần Viết Phương, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai thẳng thắn nhìn nhận các tiêu chuẩn và quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy rất nhiều, liên quan đến nhiều bộ, ngành hướng dẫn và có những bất cập cần điều chỉnh, bổ sung phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế. Công an tỉnh Lào Cai đề nghị các chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh liên hệ và trực tiếp đến Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để được hướng dẫn cụ thể trước khi xây dựng, cải tạo, thay đổi công năng sử dụng của nhà và công trình để tổ chức thực hiện, vừa bảo đảm theo quy định pháp luật về an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, vừa không ảnh hưởng đến kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp, người dân.
Về vướng mắc liên quan đến các vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đầu tư kinh doanh du lịch nông nghiệp, khu điểm du lịch, công tác bảo vệ môi trường, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch tỉnh Lào Cai Nguyễn Duy Thanh đề xuất UBND tỉnh và UBND thị xã Sa Pa nghiên cứu tháo gỡ, xử lý tình trạng một số công trình xây dựng trên đất nông nghiệp ở thị xã Sa Pa. Cơ quan chức năng liên quan có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng ngay từ đầu để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc xây dựng đảm bảo đúng quy định, phù hợp với quy hoạch phân khu…
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hồ Cao Khải cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ triển khai việc kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các dự án cơ sở du lịch, thông qua các hoạt động kiểm tra sẽ hướng dẫn thêm cho các chủ dự án/chủ cơ sở thực hiện các thủ tục hồ sơ pháp lý về môi trường.
Để giải quyết triệt để các vướng mắc của doanh nghiệp du lịch trên địa bàn trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện kết nối thông tin được với các doanh nghiệp; đặc biệt là duy trì hiệu quả Cổng thông tin Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh để có thể kịp thời đưa ra các giải pháp thống nhất xử lý, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp./.