Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền về an toàn giao thông trong trường học
Ngành Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ tập trung triển khai “Tháng 9 - Tháng cao điểm An toàn giao thông cho học sinh đến trường”.
(TTXVN) Ba tháng cuối năm 2022, thành phố Cần Thơ quyết tâm giảm sâu cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông.
Để đạt mục tiêu đề ra, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban An toàn giao thông thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường đã có văn bản yêu cầu các sở, ngành chung tay vào cuộc. Trong đó, đặc biệt yêu cầu ngành Giáo dục và Đào tạo tập trung triển khai “Tháng 9 - Tháng cao điểm An toàn giao thông cho học sinh đến trường”.
Theo đó, các trường học đẩy mạnh giáo dục kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh, sinh viên, tăng cường hướng dẫn các em chấp hành quy tắc đảm bảo trật tự an toàn giao thông bằng phương pháp sáng tạo, phù hợp.
Tuyên truyền trực quan sinh động ở bậc Tiểu học
Với phương châm triển khai tuyên truyền đồng bộ từ cấp Tiểu học đến bậc Đại học bằng nhiều mô hình hay để đạt hiệu quả, từ tháng 4/2022, Ban An toàn giao thông thành phố và Đoàn khối dân chính đảng phối hợp cùng Trường Tiểu học Ngô Quyền (quận Ninh Kiều) tổ chức khánh thành mô hình trải nghiệm “Công viên giao thông”. Đây được xem là khởi điểm sáng tạo, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền cho học sinh Tiểu học, bởi các em còn hạn chế nhiều trong nhận thức và ý thức về an toàn giao thông.
Ghi nhận thực tế một buổi học giáo dục thể chất lồng ghép trò chơi tuyên truyền an toàn giao thông tại Trường Tiểu học Ngô Quyền, không khí nhộn nhịp khi các em tham gia trải nghiệm mô hình rất tích cực qua nhiều trò chơi như kéo co, chạy xe đạp, ném vòng…
Thầy Huỳnh Phúc Thành, giáo viên bộ môn Giáo dục thể chất, Trường Tiểu học Ngô Quyền chia sẻ, khi giáo viên hướng dẫn học sinh đi xe đạp trong mô hình, theo chỉ dẫn của đèn giao thông và biển báo giao thông… các em dần hình thành ý thức tuân thủ quy định pháp luật khi tham gia giao thông.
Ngoài ra, học sinh có thể tự thiết kế thiết bị và trò chơi trong các tiết học. Đơn cử như làm mặt nạ, đóng vai trong trò chơi “Mèo đuổi chuột” với mô hình đèn giao thông. Các nhân vật phải tuân thủ Luật Giao thông đường bộ và tín hiệu đèn cũng như hiệu lệnh của Cảnh sát giao thông…
Em Nguyễn Ngọc Minh Thư, học sinh lớp 5.10, Trường Tiểu học Ngô Quyền cho biết, thông qua các trò chơi vận động, thầy cô đã hướng dẫn chúng em nhận biết được đèn tín hiệu giao thông, biển báo và một số nội dung khác của Luật Giao thông đường bộ.
Cô Lê Ngọc Điệp, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Quyền thông tin, với sự hỗ trợ trang thiết bị, nhân lực, vật lực từ Ban An toàn giao thông thành phố, Đoàn khối dân chính đảng, Công ty Honda Hồng Đức… nhà trường nói riêng và các trường Tiểu học trên địa bàn nói chung đang tiếp cận với bài giảng về an toàn giao thông kỹ thuật số. Tất cả các khối sẽ lựa chọn bài phù hợp để truyền tải cho học sinh, để các em “học mà chơi, chơi mà học”, phù hợp với phát triển tâm sinh lý lứa tuổi.
Đề xuất giải pháp tham gia giao thông an toàn
Ở cấp Tiểu học, ngành Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ đẩy mạnh những trò chơi lồng ghép tuyên truyền về an toàn giao thông. Đối với học sinh Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông, các cơ sở giáo dục tập trung tuyên truyền theo hướng khuyến khích các em cùng tham gia sáng tạo nội dung cũng như bước đầu nghiên cứu, đề xuất giải pháp tham gia giao thông an toàn.
Cô Trần Thị Ngọc Sương, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Bình Thủy, quận Bình Thủy cho biết, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh được quán triệt tham gia đầy đủ, hiệu quả các buổi tập huấn, đào tạo và sinh hoạt về an toàn giao thông.
Nhà trường tổ chức chào cờ đầu tuần lồng ghép nội dung tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông. Với sự linh hoạt, khéo léo đưa nội dung tuyên truyền, giáo dục với các tình huống thực tế đã giúp học sinh cập nhật kiến thức cơ bản về Luật Giao thông đường bộ, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và tham gia giao thông đúng quy định, hạn chế xảy ra tai nạn giao thông.
Ngoài tiết sinh hoạt chào cờ, tuyên truyền về an toàn giao thông, cô Vũ Thị Lan, giáo viên bộ môn Giáo dục công dân, Trường Trung học Cơ sở Đoàn Thị Điểm (quận Ninh Kiều) chia sẻ cách làm độc đáo đang được các tổ bộ môn triển khai tại trường là kết hợp đội, tổ chuyên môn hướng dẫn học sinh viết bài, vẽ tranh, xây dựng dự án về an toàn giao thông. Cuối học kỳ, các em sẽ nộp cho giáo viên để lấy điểm cuối kỳ.
Cách làm này thúc đẩy phong trào các em tự học, nghiên cứu Luật Giao thông đường bộ theo hướng ứng dụng vào cuộc sống. Thực tế cho thấy chất lượng các dự án của học sinh luôn năm sau cao hơn năm trước.
Em Trần Phương Anh, học sinh lớp 9A2, Trường Trung học Cơ sở Đoàn Thị Điểm cho biết, em tự đi xe đạp điện đến trường nên em rất vui khi được tham gia các buổi ngoại khóa về an toàn giao thông, nhất là những buổi có sự hướng dẫn của lực lượng Cảnh sát giao thông. Các hình thức đặt câu hỏi tình huống kèm những phần thưởng nhỏ luôn kích thích học trò hào hứng tham gia.
Hằng năm, vào đầu năm học, Ban An toàn giao thông thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức tuyên truyền an toàn giao thông và hướng dẫn lái xe an toàn cho học sinh Trung học Phổ thông, sinh viên Đại học, Cao đẳng trên địa bàn.
Theo ông Mai Minh Ngoan, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông thành phố Cần Thơ, việc tuyên truyền về an toàn giao thông trong trường học được đẩy mạnh từ năm học 2019-2020.
Qua các năm triển khai, dưới nhiều hình thức, mô hình như: hệ thống phát thanh học đường về an toàn giao thông; mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” với hệ thống biển báo, vạch kẻ đường, đội ngũ xung kích phường và Cảnh sát Giao thông cùng điều phối, hỗ trợ phụ huynh, học sinh; mô hình “Thảm an toàn giao thông” trước cổng trường, biển cảnh báo, vạch sơn kẻ màu đỏ ưu tiên cho người qua đường… đã mang lại hiệu quả cao.
Đặc biệt, không chỉ học sinh, sinh viên mà ý thức của phụ huynh, người dân đều được nâng lên, thể hiện bằng việc phương tiện lưu thông luôn điều chỉnh tốc độ khi tham gia giao thông ở nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ hay khu vực trước cổng trường đưa đón học sinh.
Để việc tuyên truyền về an toàn giao thông đi vào chiều sâu, ông Mai Minh Ngoan cho biết thêm, thời gian tới, Ban An toàn giao thông cùng Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đúng nội dung, đúng đối tượng, bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ.
Trong đó, sẽ chú trọng những trường học trên địa bàn các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng cả về nội dung, tờ rơi tuyên truyền và cán bộ tuyên truyền ở cấp thành phố, cấp quận. Ban An toàn giao thông thành phố phối hợp với đơn vị liên quan hỗ trợ việc tập huấn kỹ năng cũng như sẽ có mô hình giúp các em tham gia giao thông trong trường học như mô hình thực tế bên ngoài.
Việc kết hợp giữa lý thuyết với hoạt động ngoại khóa, trò chơi, mô hình sáng tạo trong các buổi tuyên truyền về an toàn giao thông đã thu hút sự tham gia của học sinh thành phố Cần Thơ, giúp các em dễ dàng nắm một số kiến thức cơ bản của Luật Giao thông đường bộ. Qua đó từng bước tạo nên ý thức chấp hành pháp luật khi lưu thông trên đường, hình thành văn hóa giao thông, góp phần đảm bảo an toàn, phòng ngừa ùn tắc và tai nạn giao thông./.
- Từ khóa:
- An toàn giao thông
- Học sinh
- Tuyên truyền