Nguyên nhân do người lao động bị áp lực về thu nhập, việc làm, tình trạng tái nợ do không chấp hành, chấp hành không nghiêm túc kết luận thanh tra, kiểm tra; cơ chế, quy định liên quan đến xử lý nợ bảo hiểm chưa được sửa đổi…
TTXVN - Ngày 12/8, Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thành phố Đà Nẵng tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo.
Ông Đinh Văn Hiệp, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội thành phố Đà Nẵng cho biết, tính đến cuối năm 2021, các chỉ tiêu về người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện đều tăng so với năm 2020 và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao. Tuy nhiên, trong 7 tháng của năm 2022, một số nhóm đối tượng giảm mạnh. Cụ thể tính đến cuối tháng 7, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện giảm 4.581 người (24,69%); số người tham gia bảo hiểm y tế giảm 18.516 người (1,71%), trong đó số học sinh, sinh viên giảm 17.498 người (6,39%).
Chỉ ra nguyên nhân, ông Hiệp cho rằng do mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ năm 2022 tăng gấp 2 lần so với trước; tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, kèm với đó là giá các loại hàng hóa trên thị trường tăng cao cũng ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, thu nhập của người dân...
Bên cạnh các vấn đề nêu trên, tình trạng trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện vẫn còn phức tạp. Theo đó, tổng số tiền nợ bảo hiểm đến ngày 31/7 hơn 360 tỷ đồng (chiếm 6,25% so với số phải thu, so với cùng kỳ năm 2021 tăng hơn 27 tỷ đồng). Nguyên nhân do người lao động bị áp lực về thu nhập, việc làm; tình trạng tái nợ do không chấp hành, chấp hành không nghiêm túc kết luận thanh tra, kiểm tra; cơ chế, quy định liên quan đến xử lý nợ bảo hiểm chưa được sửa đổi…
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh nhấn mạnh Đà Nẵng luôn nhất quán mục tiêu bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân và gia tăng người dân tham gia bảo hiểm xã hội. Để thực hiện mục tiêu trên, Bảo hiểm Xã hội thành phố Đà Nẵng cần phối hợp chặt với các đơn vị, đưa ra những biện pháp hữu hiệu nhằm sớm tháo gỡ khó khăn, tồn tại trong quá trình hoạt động. Liên Đoàn Lao động thành phố tăng cường tuyên truyền, vận động các chủ doanh nghiệp phải đảm bảo quyền lợi cho người lao động, không để xảy ra tình trạng nợ lương, nợ bảo hiểm; đồng thời, tổ chức các đợt thanh kiểm tra để nắm tình hình lao động làm việc, đặc biệt chú trọng tại các công ty có môi trường độc hại để có các chính sách hỗ trợ bảo hiểm phù hợp. Các địa phương cần nắm rõ thông tin của những đối tượng khó khăn, tổ chức vận động từ các nguồn khác để hỗ trợ mua bảo hiểm…
Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội thành phố Đà Nẵng, trong 7 tháng qua, tổng số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện đạt 3.186 tỷ đồng, tăng hơn 119 tỷ đồng (3,9%) so với cùng kỳ năm trước. Số lượng đăng ký tài khoản VssID-BHXH số trên toàn thành phố Đà Nẵng đạt 554.341 người, tỉ lệ đăng nhập ứng dụng đạt 71,92%. Việc sử dụng thẻ Căn cước công dân, ứng dụng Định danh điện tử quốc gia thay thế thẻ bảo hiểm y tế giấy trong khám, chữa bệnh được triển khai kịp thời.../.