An sinh

Thành phố Hồ Chí Minh triển khai mở kênh tư vấn tâm lý cho nhân viên y tế

TP. Hồ Chí Minh

Ngành Y tế đang đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường hỗ trợ nhân lực chuyên khoa và nhân lực quản lý đối với những đơn vị bị thiếu hụt nguồn nhân lực.

TTXVN - Ngày 11/8, tại cuộc họp cung cấp thông tin về dịch COVID-19 và các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế Thành phố cho biết, về tình hình biến động nhân viên y tế công lập, số người làm việc năm 2021 là 42.914 người; số người làm việc 6 tháng đầu năm 2022 là 42.608 người, bao gồm 181 công chức, 27.545 viên chức, 14.882 hợp đồng lao động. Trong số này có 8.864 bác sĩ; 1.187 y sĩ; 16.139 điều dưỡng, hộ sinh; 2.808 kỹ thuật viên; 2.718 dược sĩ và 10.892 thuộc các chức danh khác.

Theo đại diện Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, tổng số người làm việc giảm không nhiều, so với năm 2021 là 306 người nhưng gây khó khăn không nhỏ cho các cơ sở y tế công lập do hầu hết người nghỉ việc có thâm niên, kinh nghiệm, còn người mới được tuyển dụng là nhân viên mới cần có thời gian để thực hành, tập sự.

Trước thực trạng đó, bà Lê Thiện Quỳnh Như cho biết, ngành Y tế đang đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường hỗ trợ nhân lực chuyên khoa và nhân lực quản lý đối với những đơn vị bị thiếu hụt nguồn nhân lực. Cụ thể là việc vận dụng bài học kinh nghiệm từ công tác chống dịch COVID-19 sang chống dịch sốt xuất huyết trong tăng cường hỗ trợ nhân lực chuyên môn cho các cơ sở đang gặp khó khăn như: Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi; hình thành Tổ chuyên gia COVID-19, sốt xuất huyết; ưu tiên tăng cường nhân lực quản lý cho các cơ sở đang bị thiếu hụt như: Bệnh viện Mắt, Bệnh viện thành phố Thủ Đức, Bệnh viện Quận 6,7, Trung tâm Y tế Quận 10…

Bên cạnh đó, Sở Y tế triển khai một số giải pháp giúp ổn định tâm trạng lo lắng của nhân viên y tế như: “Lắng nghe và trao đổi với nhân viên y tế”; phối hợp các chuyên gia tâm lý của các trường Đại học mở kênh “tư vấn tâm lý cho nhân viên y tế”; mở thêm các hội thi giúp tăng cường giao lưu, học tập lẫn nhau giữa các loại hình nhân viên y tế (Hội thi điều dưỡng trưởng giỏi lần 7, Hội thi Trưởng Trạm Y tế giỏi lần 1); phối hợp với Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (VOH) tổ chức bình chọn Giải thưởng Thành tựu Y khoa Việt Nam, đã tổ chức bình chọn lần thứ nhất (2020) và lần thứ hai (2021), chủ đề của đợt bình chọn lần thứ ba (2022) là các thành tựu liên quan đến y tế cơ sở.

Về hoạt động khám chữa bệnh bảo hiểm y tế sử dụng căn cước công dân gắn chip để đăng ký, bà Lê Thiện Quỳnh Như cho biết, tính trong tháng 7/2022, số lượt người đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế sử dụng căn cước công dân gắn chip là 30.513/720.849 người (chiếm 4,2%), so với tỷ lệ trong tháng 3 và 4/2022 khi mới bắt đầu triển khai là 0,8%. Trong đó, 26.666 trường hợp căn cước công dân gắn chip tra cứu có thông tin thẻ bảo hiểm y tế (chiếm 87%).

Các bệnh viện công lập (trừ Bệnh viện Nhân Ái và Khu Điều trị phong) và các bệnh viện ngoài công lập (trừ các bệnh viện thẩm mỹ) đều đã triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp và truyền thông đến người dân bằng nhiều hình thức (băng rôn, standee, tivi, fanpage facebook, tư vấn trực tiếp...).

Liên quan tới hai vụ việc hành hung bác sĩ diễn ra gần đây tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, đại diện Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nêu, lãnh đạo Sở đã có buổi làm việc vào chiều 10/8 với lãnh đạo bệnh viện, đại diện của Ban Chỉ huy Công an quận Bình Thạnh. Phó trưởng Công an quận Bình Thạnh cho biết, Công an quận đang khẩn trương điều tra làm rõ hai vụ việc hành hung bác sĩ xảy ra vào ngày 27/7/2022 và 6/8/2022 tại Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Nhân dân Gia Định, khi đủ chứng cứ sẽ khởi tố vụ án để xử lý nghiêm minh đúng theo quy định pháp luật.

Nhân viên toàn ngành Y tế kịch liệt lên án hành vi hành hung nhân viên y tế, mong các cơ quan bảo vệ pháp luật sớm xử lý nghiêm để răn đe và tình trạng này sớm chấm dứt để nhân viên y tế toàn tâm toàn ý cứu chữa và chăm lo cho người bệnh./.

Thu Hương

Xem thêm