Đà Nẵng tiếp tục phát huy kết quả đạt được, đồng thời thực hiện những giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập.
TTXVN - Sau hơn 2 năm thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, bộ máy hành chính thành phố Đà Nẵng ngày càng được sắp xếp tinh gọn gắn với đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền; từng bước nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, phát huy dân chủ ở cơ sở. Xác định thực hiện hiệu quả mô hình chính quyền đô thị là nhiệm vụ trọng tâm, Đà Nẵng tiếp tục phát huy kết quả đạt được, đồng thời thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp nhằm khắc phục hạn chế, bất cập.
*Tính ưu việt của mô hình chính quyền đô thị
"Từ ngày 1/7/2021, Đà Nẵng thực hiện thí điểm tổ chức chính quyền đô thị. Trong bối cảnh đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Thành ủy Đà Nẵng luôn thể hiện quyết tâm chính trị cao trong việc triển khai nhằm phát huy tính ưu việt của một mô hình có tầm quan trọng đặc biệt trên nhiều khía cạnh của toàn khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Nhiệm vụ thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị đi đôi với cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng là chủ trương lớn được Bộ Chính trị ban hành tại Nghị quyết số 43-NQ/TW về "Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" và Nghị định số 34/2021/NĐ-CP của Chính phủ", Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng khẳng định.
Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, sau 3 năm thực hiện thí điểm mô hình, toàn thành phố đã cắt giảm được 30 phòng (tương đương) thuộc các sở, ban, ngành và giảm 33 phòng thuộc chi cục (tương đương); từ 423 đơn vị sự nghiệp công lập, sau sắp xếp còn 386 đơn vị sự nghiệp công lập. Thành phố hoàn thành hiệu quả và thực hiện nghiêm việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Mô hình góp phần đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, cải cách thủ tục hành chính, cụ thể tổng thời gian giảm của 89 nội dung phân cấp, ủy quyền là 233 ngày.
Việc tổ chức điều hành phát triển kinh tế - xã hội của UBND thành phố, quận, phường ổn định, thông suốt; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Hoạt động du lịch, thương mại và dịch vụ phục hồi mạnh mẽ sau COVID-19, tạo động lực để kinh tế thành phố Đà Nẵng lấy lại đà tăng trưởng. Các chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng khá, đặc biệt quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành ước đạt 124.436 tỷ đồng, tăng 13.250 tỷ đồng (so với năm 2019 thời điểm trước dịch COVID-19)…
Hội đồng nhân dân thành phố tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động theo hướng mở rộng phạm vi, nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp, hiệu quả hoạt động, phù hợp với đặc điểm của mô hình chính quyền đô thị. Nhiều điểm mới trong hoạt động giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân như hàng quý đều tổ chức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, phiên giải trình, giải quyết đơn, thư và chương trình "Hội đồng nhân dân với cử tri"; tổ chức các đoàn giám sát tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh tại tất cả phường, xã trên địa bàn thành phố; phân công các đồng chí trong Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố theo dõi hoạt động của tổ đại biểu, đồng thời theo dõi địa bàn phân công để kịp thời báo cáo tình hình.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho hay, việc Trung ương phân cấp cho thành phố thực hiện điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung nhằm rút ngắn trình tự, thời gian, tạo sự chủ động cho địa phương trong việc triển khai công tác quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
*Vẫn còn khó khăn
Ông Đoàn Ngọc Hùng Anh, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy nhận định, bên cạnh những thuận lợi, quá trình xây dựng mô hình chính quyền đô thị ở thành phố Đà Nẵng vẫn có những khó khăn nhất định như tình trạng quá tải dân số do di dân, đô thị hóa nhanh chóng; quản lý chất thải; khan hiếm tài nguyên; ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu; an ninh trật tự xã hội…
Theo các số liệu của Tổng cục Thống kê từ năm 2015 đến năm 2019, tỷ suất nhập cư của thành phố Đà Nẵng tăng mạnh từ 11,6‰ lên 16,7‰ (tăng 5,1‰). Trong khi đó, tỷ suất xuất cư vốn đã thấp, nay lại giảm trong cùng thời gian đó (giảm 3,7‰). Phần lớn người nhập cư đến thành phố Đà Nẵng đều không đăng ký tạm trú, một số ít có chỗ ở hợp pháp được đăng ký thường trú theo quy định của Luật Cư trú. Điều này gây không ít khó khăn trong quản lý nhân khẩu của thành phố.
Cùng với đó, lao động nhập cư thường lấy vỉa hè, lề đường và những nơi công cộng như bãi biển, trường học, công viên…làm nơi buôn bán, gây mất trật tự, mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến an toàn giao thông và nảy sinh tệ nạn xã hội. Tất cả điều này tạo nên sức ép đối với các nhà quản lý xã hội. Ngoài ra, với tình trạng đô thị hóa nhanh chóng như hiện nay, nếu thiếu thiết bị xử lý chất thải, cũng như không xử lý chất thải đúng quy trình thì đây thực sự là một nguy cơ gây ô nhiễm trầm trọng cho môi trường thành phố.
Tiến sỹ Huỳnh Huy Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội thành phố Đà Nẵng cho rằng thời gian triển khai thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị đến nay còn tương đối ngắn. Mặc dù đã có những thay đổi kịp thời, điều chỉnh các vướng mắc tuy nhiên trên thực tế cơ cấu tổ chức của một số địa phương vẫn còn chưa thật sự hoàn thiện. Việc phân cấp, ủy quyền đối với một số nhiệm vụ tại cơ sở còn hạn chế, đôi lúc chưa cụ thể, rõ ràng; gặp nhiều khó khăn trong việc dự toán và sử dụng ngân sách của quận, huyện mà chủ yếu liên quan đến việc dự toán ngân sách đầu năm. Thực hiện mô hình một cấp ngân sách dẫn đến cấp quận, phường không còn chủ động, linh hoạt trong việc thu chi. Việc thí điểm chính quyền đô thị thực hiện trong bối cảnh tinh giản biên chế, trong khi khối lượng công việc nhiều, điều này tạo áp lực cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức tại địa phương…
*Quyết tâm thực hiện thành công
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhận định, thực hiện thí điểm chính quyền đô thị là chủ trương đúng đắn, góp phần khắc phục hạn chế, bất cập trong quản lý, điều hành trước đây, khai thác lợi thế để đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Tuy thời gian thực hiện thí điểm chưa dài, chịu tác động bất lợi của COVID-19 nhưng thành phố đã nỗ lực, quyết tâm, sáng tạo để có kết quả bước đầu rất quan trọng; đồng thời, rút ra kinh nghiệm bổ ích. Đảng bộ thành phố Đà Nẵng tin tưởng rằng những vấn đề đặt ra từ thực tiễn xây dựng thí điểm chính quyền đô thị sẽ được giải quyết triệt để, tạo nền tảng cho lộ trình xây dựng mô hình chính quyền đô thị và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tiếp theo.
Đưa ra một số giải pháp trọng tâm khắc phục những khó khăn trong việc triển khai mô hình này, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho hay, thành phố tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng, tạo sự thống nhất về nhận thức và đồng thuận của cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị cũng như các tầng lớp nhân dân; phối hợp tích cực với các bộ, ngành Trung ương tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 theo hướng để thành phố Đà Nẵng chính thức thực hiện mô hình chính quyền đô thị (không còn làm thí điểm), có cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện hiệu quả mô hình chính quyền đô thị; thực hiện hiệu quả "Đề án phân cấp, ủy quyền quản lý Nhà nước theo mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng", đồng thời mở rộng lĩnh vực, nội dung phân cấp, ủy quyền nhằm tăng tính chủ động, trách nhiệm trong thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị.
Thành phố triển khai các nội dung cải cách hành chính, chuyển đổi số gắn với xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh để nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, quản lý xã hội và phục vụ người dân, doanh nghiệp hiện đại, tiện ích hơn. Các sở, ngành, UBND quận, phường chủ động triển khai, phối hợp các đơn vị làm tốt công tác kiểm tra, theo dõi việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại các quận, phường; kịp thời báo cáo, tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện và tham mưu giải quyết vấn đề phát sinh…/.