Giáo dục

Đà Nẵng: Thu hút nhân tài đóng góp cho quê hương

Đà Nẵng

Thạc sĩ Trần Nhật Pháp từ bỏ việc làm với mức lương hơn 5.000 USD tại Singapore để trở về Việt Nam giảng dạy ở khoa Thương mại Điện tử, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng.

Giảng viên Trần Nhật Pháp đang giảng dạy tại trưởng Đại học Kinh tế-Đại học Đà Nẵng.

TTXVN - Sau hơn 8 năm học tập và làm việc tại Singapore, Thạc sĩ Trần Nhật Pháp (quê Đà Nẵng, 32 tuổi, giảng viên Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng) đã từ bỏ công việc IT với mức lương cao trở về Việt Nam, với mong muốn góp sức nhỏ của mình để xây dựng quê hương.

Tốt nghiệp Trung học phổ thông, anh Trần Nhật Pháp đã nỗ lực tìm kiếm học bổng ở nước ngoài. Đến năm 2011, Anh được Chính phủ Singapore cấp học bổng, chuyên ngành Công nghệ thông tin. Học xong Đại học, anh tiếp tục đăng ký học Thạc sĩ Khoa học quản lý và làm việc tại Tập đoàn Shaw Organisation (tập đoàn hàng đầu Singapore về chiếu phim và bất động sản).

Trong quá trình học tập và làm việc tại Singapore, anh đã thành lập nhóm cộng đồng người Việt tại Singapore với hơn 20.000 người nhằm hỗ trợ những người Việt đang học tập và sinh sống tại Singapore với những việc làm cụ thể như: giúp đỡ các bạn sinh viên tìm kiếm cơ hội việc làm thêm, nơi ở; phiên dịch giúp cho những người xuất khẩu lao động, người Việt sang Singapore để khám chữa bệnh… Cộng đồng hoạt động hiệu quả, tạo khối đoàn kết người Việt tại quốc gia này.

Sau 3 năm làm việc tại tập đoàn lớn, với mức lương hơn 5.000 USD, lãnh đạo công ty đề xuất bảo lãnh anh có thể làm quốc tịch, mong muốn anh làm cho doanh nghiệp lâu dài. Tuy vậy, Trần Nhật Pháp vẫn quyết định trở về Việt Nam để làm việc, xây dựng sự nghiệp riêng và cống hiến một phần sức nhỏ cho quê hương.

Anh Pháp chia sẻ: “Lúc đầu bạn bè đều không tin tôi từ bỏ nơi làm việc lý tưởng để quay về Việt Nam. Tôi cũng khá phân vân bởi khi về Việt Nam tôi phải bắt đầu lại từ đầu, mức lương ở vị trí làm việc mới có thể sẽ ít hơn ở Singapore rất nhiều. Nhưng tôi thấy, nếu ở Singapore tôi chỉ là người làm công ăn lương dưới môi trường áp lực rất cao, khó phát triển sự nghiệp. Về Việt Nam tôi sẽ có nhiều cơ hội phát triển bản thân, cống hiến những gì mình học được để xây dựng quê hương.”

Với quyết tâm ấy, đầu năm 2019, anh Trần Nhật Pháp trở về Việt Nam và chọn giảng dạy ở khoa Thương mại Điện tử, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng.

Anh Trần Nhật Pháp cho biết thêm, khi mới về Việt Nam, anh thấy nhiều bỡ ngỡ với cuộc sống tại quê nhà, có rất ít bạn và từng có ý định quay lại Singapore. Không thể dễ dàng bỏ cuộc và kiên định với quyết định của bản thân, qua quãng thời gian khó khăn đó, anh bắt đầu làm quen với công việc, tham gia tích cực vào các hoạt động Đoàn và Công đoàn của Trường Đại học Kinh tế, đồng thời tìm kiếm cơ hội kinh doanh để kiếm thêm thu nhập và phát triển bản thân.

Thạc sĩ Trần Nhật Pháp đang giảng dạy cho sinh viên. (Ảnh: TTXVN phát)

Là một giảng viên trẻ của Khoa Thương mại điện tử, với lòng nhiệt huyết và yêu nghề, anh Pháp luôn mong muốn truyền đạt cho sinh viên những kiến thức mới, có thể áp dụng vào thực tế cuộc sống. Trong tiết học của thầy, sinh viên được làm chủ buổi học và giảng viên chỉ là người hướng dẫn, khuyến khích sinh viên đặt câu hỏi để cùng nhau giải quyết. Đặc biệt, thầy gợi ý các dự án và yêu cầu sinh viên triển khai mô hình kinh doanh thực tế, từ đó sinh viên có thể áp dụng phương pháp đã học vào kinh doanh, rút ra bài học quản trị doanh nghiệp, quản lý rủi ro, giao tiếp với khách hàng, tổ chức chiến lược marketing…

Thầy Pháp tâm sự: “Tôi may mắn khi được nhà trường và Khoa Thương mại điện tử tạo điều kiện để có thể áp dụng phương pháp giảng dạy mới cho sinh viên. Ngoài việc giảng những kiến thức kinh doanh, tôi còn hướng dẫn sinh viên chạy dự án thực tế, khích lệ các bạn tìm kiếm nguồn hàng, bán hàng ở ngoài. Nhiều dự án của sinh viên đã có hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập, một số sinh viên ra trường vẫn tiếp tục thực hiện và phát triển mở rộng mô hình kinh doanh, qua đó nâng cao các nâng cao các kỹ năng thực tiễn”.

Từng được thầy Pháp dạy, bạn Lê Phương Cẩm Linh (sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng) cảm nhận: “Thầy Pháp là một giảng viên rất gần gũi, hỗ trợ sinh viên những lúc khó khăn. Khi học với thầy, em tiếp nhận được phương pháp học mới, không cần phải ghi chép nhiều nhưng vẫn nắm nội dung thầy giảng rất nhanh. Đặc biệt, tham gia dự án của thầy hướng dẫn, nhóm chúng em hiểu được thực tế kinh doanh ở ngoài thị trường, đúc kết những kỹ năng cơ bản mà trên giảng đường khó học được. Hiện mô hình kinh doanh của nhóm em vẫn hoạt động, mang lại nguồn thu nhập tốt”.

Bạn Võ Hoàng Thúy Vy (sinh viên Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng) chia sẻ: Đến tiết dạy của thầy mọi sinh viên đều hào hứng tham gia, buổi học khi nào cũng sôi nổi. Cách truyền đạt của thầy rất gần gũi, dễ hiểu, dạy lý thuyết nhưng thầy luôn lồng vào thực tế, khuyến khích sinh viên đặt câu hỏi, làm chủ buổi học. Thầy còn triển khai các dự án kinh doanh để sinh viên thực hiện. Khi dự án gặp khó khăn, thầy động viên, cổ vũ sinh viên, tìm ra lý do và hỗ trợ cách khắc phục. Với phương pháp dạy này, nhiều sinh viên đã thành công với dự án do thầy hướng dẫn, vững vàng hơn khi ra trường khởi nghiệp, hoặc làm ở những công ty lớn.

Thạc sĩ Trần Nhật Pháp, giảng viên Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Giai đoạn mới vào giảng dạy tại Trường Đại học kinh tế, thầy Trần Nhật Pháp được nhà trường giao nhiệm vụ làm Phó Bí thư Đoàn trường. Trên cương vị này, thầy đã thể hiện sự nhiệt huyết của bản thân, kết nối khối đoàn kết giữa các sinh viên, tích cực triển khai các hoạt động cộng đồng, xã hội ý nghĩa như: tham gia hỗ trợ phòng, chống COVID-19; bảo vệ môi trường; tổ chức chiến dịch xây đường nông thôn mới, sửa chữa nhà hư hỏng cho người dân khó khăn, lắp đèn điện đường ở vùng nông thôn; kêu gọi ủng hộ áo ấm cho các bạn trẻ vùng cao; thăm hỏi gia đình chính sách…

Thầy Trần Nhật Pháp tâm sự: “Khoảng thời gian đáng nhớ nhất khi vừa công tác ở trường của tôi là tham gia công tác Đoàn. Làm việc với các bạn sinh viên qua các hoạt động thiện nguyện đã khơi dậy nhiệt huyết tuổi trẻ trong tôi. Mỗi chuyến tình nguyện hoạt động Đoàn luôn đầy ắp tiếng cười, sức trẻ, sự nhiệt huyết, vô tư của các bạn sinh viên và lan tỏa hành động đẹp đến với mọi người. Tôi thấy hạnh phúc khi làm những công việc ý nghĩa, đóng góp một phần sức nhỏ cho cộng đồng, xã hội”.

Thầy Pháp cho biết, thầy đang lên kế hoạch thành lập cộng đồng, kết nối những bạn trẻ từng du học, sinh sống và làm việc ở nước ngoài đã trở về Việt Nam. Cộng đồng này sẽ kết nối, chia sẻ những khó khăn khi mới về nước và cùng nhau tìm kiếm cơ hội phát triển, khởi nghiệp, đưa hình ảnh của Việt Nam ra thế giới. Những năm gần đây, Việt Nam có nhiều chính sách thông thoáng, các nước lớn đều quan tâm, mở rộng đầu tư ở Việt Nam. Đất nước cũng có nhiều chính sách thu hút nhân tài ở nước ngoài về nước làm việc. Đặc biệt, là nước đang phát triển có nhiều cơ hội để các bạn trẻ khởi nghiệp, nhiều hình thức kinh doanh ở nước ngoài có thể áp dụng linh hoạt ở Việt Nam.

Với quan điểm phải biết cách thích nghi trong mọi điều kiện và tìm kiếm cơ hội phù hợp, ngoài công việc ở trường thầy Pháp còn sáng lập Trung tâm TOP Digital Center, chuyên đào tạo các khóa học và cung cấp các dịch vụ về Marketing điện tử. Công việc này giúp thầy tăng thêm nguồn thu nhập và hỗ trợ một số bạn sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp ra trường.

“Ở đâu cũng có thuận lợi và khó khăn. Nhưng ở quê hương, tôi được thể hiện bản thân nhiều hơn, công việc thoải mái và không áp lực như ở nước ngoài. Đặc biệt, ở đây tôi có nhiều cơ hội để khởi nghiệp, tăng nguồn thu nhập và cống hiến tuổi trẻ, tri thức để xây dựng quê hương, đất nước. Tôi hy vọng, trong thời gian tới sẽ có nhiều bạn trẻ ở nước ngoài về Việt Nam để xây dựng sự nghiệp, cống hiến cho đất nước”, thầy Pháp bày tỏ./.

PV

Xem thêm