Lào Cai có những giáo viên người bản địa mạnh mẽ vượt lên định kiến, đi học xa rồi trở về cống hiến cho bản làng, một lòng tâm huyết với sự học vùng cao, gieo chữ, dạy người.
TTXVN - Nhắc đến cụm từ "giáo viên vùng cao", "thầy giáo cắm bản", nhiều người không khỏi ái ngại bởi sự gian nan, vất vả của các thầy, cô giáo đang lặng lẽ gieo từng con chữ trên các thôn bản xa xôi. Lào Cai có hàng nghìn giáo viên quê miền xuôi đang công tác tại các huyện vùng núi cao biên giới, trong đó nhiều người đã gắn bó với vùng đất này hàng chục năm. Lào Cai cũng có những giáo viên người bản địa mạnh mẽ vượt lên định kiến, đi học xa rồi trở về cống hiến cho bản làng. Tất cả họ đều một lòng tâm huyết với sự học vùng cao, gieo chữ, dạy người.
Đi để trở về
Phá bỏ định kiến "Con gái học hành cũng chẳng để làm gì”, cô gái người Hà Nhì Ly Thó Trụ, xã Y Tý, huyện biên giới Bát Xát không quản ngại xa xôi, khó khăn quyết tâm đi học rồi quay về quê hương làm cô giáo. Khi ấy, Trụ là một trong hai giáo viên người Hà Nhì đầu tiên của đại ngàn Y Tý.
Thó Trụ sinh năm 1987 tại thôn Choản Thèn. Năm lên 3 tuổi mẹ Trụ mất vì bệnh nặng. Trụ được ông, bà ngoại đưa về nuôi. Đến tuổi đi học, thay vì được đến trường, Trụ phải ở nhà vì quan niệm của người dân địa phương khi ấy là không cần cho con gái học nhiều làm gì.
Tuy hoàn cảnh không thuận lợi, song niềm khao khát được đến trường học tập cùng bạn bè đồng trang lứa trong Trụ luôn cháy bỏng. Rất may, sau đó, Trụ được ông bà nội đón về nuôi và cho đến trường để học chữ. Ở Trường Tiểu học Y Tý, Trụ được các thầy, cô quan tâm, dìu dắt. Ý thức được hoàn cảnh của mình, trân trọng chút cơ hội đang có, Trụ rất ngoan và chăm chỉ học tập. Hết Tiểu học, Trụ rời Y Tý đến học tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Bát Xát. Trong suốt quá trình học tập, Trụ đều là học sinh giỏi của nhà trường.
Hết lớp 9, Trụ xuống thị xã Hà Tây theo học tại Trường Văn hóa hữu nghị Việt - Lào. Đây là ngôi trường dành riêng ưu tiên cho học sinh dân tộc ít người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Những năm học ở đây, cô học trò nghèo luôn chăm chỉ học tập và liên tục đoạt giải trong các Kỳ thi học sinh giỏi môn Ngữ văn của huyện Phúc Thọ.
Rời Trường Văn hóa hữu nghị Việt - Lào, năm 2007, Trụ chính thức trở thành sinh viên Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Ra trường, năm 2012, Trụ được phân công về làm giáo viên dạy Ngữ văn tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học Cơ sở Y Tý. Cô giáo Trụ tâm sự, khi chọn quay trở về, điều cô mong muốn nhất chính là các thế hệ học sinh được cô dìu dắt sẽ coi cô là động lực để nỗ lực học tập, vượt khó, vươn lên.
Y Tý là nơi tập trung sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số trong đó người Mông, Dao và Hà Nhì chiếm chủ yếu. Năm đầu nhận nhiệm vụ tại trường học, Trụ nhận thấy việc thuyết phục các gia đình cho con cái được đi học đầy đủ vẫn là bài toán vô cùng nan giải với giáo viên vùng cao, cũng là điều mà các thầy cô giáo là người dân tộc thiểu số như Trụ luôn đau đáu trong bao năm qua.
Tuy vậy, với lợi thế là người bản địa, thông thạo nhiều thứ tiếng của các dân tộc địa phương lại thấu hiểu suy nghĩ, tâm tư của đồng bào mình hơn ai hết, Trụ nỗ lực tới từng nhà trò chuyện, thuyết phục bà con và chính học sinh của mình rằng, muốn đời sống no ấm, hạnh phúc thì chỉ có một con đường duy nhất là con em đồng bào được học chữ. “Tôi đến từng nhà, một lần không được thì 2-3 lần. Mưa dầm thấm lâu, nếu như 10 năm trở về trước tỷ lệ học sinh chuyên cần luôn là mối khúc mắc trong lòng thầy cô thì giờ đây tỷ lệ này luôn đạt trên 98%", cô giáo Trụ tâm sự.
Không chỉ vậy, cô giáo Ly Thó Trụ luôn nỗ lực đổi mới, tìm tòi trong từng bài giảng để giúp học sinh tiếp thu bài một cách nhanh nhất, dễ hiểu nhất. Nhiều năm trở lại đây, trường luôn có học sinh đoạt giải các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và đỗ vào các trường top đầu của tỉnh. Trong những thành quả đó có sự đóng góp không nhỏ của cô giáo người dân tộc Hà Nhì Ly Thó Trụ.
Nói về người giáo viên tâm huyết của nhà trường, thầy giáo Nguyễn Văn Thanh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trong quá trình giảng dạy cô Trụ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và cũng là một trong những đảng viên gương mẫu của nhà trường, được học sinh cũng như đồng nghiệp yêu thương, tín nhiệm. Thành tích của cô được thể hiện qua sự trưởng thành của các em học sinh và kết quả đáng khích lệ của nhà trường trong suốt nhưng năm cô tham gia công tác.
Ngược núi, bám bản
Nếu như những giáo viên người dân tộc thiểu số như Ly Thó Trụ phải nỗ lực xé bỏ định kiến, vượt lên nghịch cảnh để đi học rồi quay trở lại đóng góp xây dựng quê hương, thì những giáo viên ngược núi đến vùng cao Lào Cai bám bản lại gặp những khó khăn khác.
Lạ đất, lạ tiếng, nên những giáo viên miền xuôi khi mới lên công tác đều trải qua thời gian làm quen phong tục tập quán, ngôn ngữ địa phương. Thầy giáo Lê Văn Thắng, giáo viên Trường Mầm non Thanh Kim, thị xã Sa Pa không phải là ngoại lệ.
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Tổ, thầy giáo Thắng từng có nhiều năm công tác tại xã Hùng Long, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ với vai trò là Bí thư Đoàn Thanh niên xã. Tuy nhiên, ước mơ làm thầy giáo được nuôi dưỡng, ấp ủ từ nhỏ nên thầy Thắng đã “trốn” gia đình đi thi và đỗ vào Trường Đại học Hùng Vương, chuyên ngành Tiểu học. "Tôi sinh ngày 20/11/1982 - có lẽ sinh đúng ngày Nhà giáo Việt Nam nên tôi thấy mình có duyên với nghề dạy chữ”, thầy Thắng cho biết.
Sau khi tốt nghiệp, thầy Thắng xung phong lên công tác tại địa bàn vùng cao Sa Pa. Mặc dù học chuyên ngành Tiểu học nhưng thời điểm ấy, Sa Pa đang thiếu giáo viên mầm non nên thầy Thắng được phân công giảng dạy tại điểm trường Bản Kim A, Trường Mầm non xã Thanh Kim. “Khi biết tôi quyết định lên công tác trên này, gia đình phản đối kịch liệt", thầy giáo Thắng kể.
Dạy cấp Mầm non đối với phụ nữ đã khó khăn, với nam giới lại càng có nhiều hạn chế. "Không chỉ là thầy, tôi còn phải đóng vai là cô, là mẹ của các con. Học sinh ở đây là dân tộc thiểu số nên việc giao tiếp giữa thầy và trò cũng gặp khó, phải dùng cử chỉ, động tác mô phỏng. Nhiều em đến lớp còn nhút nhát, khóc cả buổi, thầy phải bế ẵm, dỗ dành”, thầy Thắng tâm sự.
Trong suốt 12 năm gắn bó với mảnh đất sương mù, luân chuyển qua 4 điểm trường, tại mỗi điểm trường, thầy giáo Thắng đều thấu hiểu được nỗi vất vả của người dân nơi đây và thấu hiểu cả khao khát được đến trường của học sinh. Càng tiếp xúc, thầy càng thấy yêu trẻ và gắn bó với nghề.
Không có lợi thế về sự khéo léo như các cô giáo, thầy giáo Thắng phát huy sở trường ở cách kể chuyện sinh động, dạy trẻ hát. Trong các tiết dạy múa, dù không dẻo như các cô, thầy vẫn cố gắng, chăm chú chỉnh sửa từng động tác cho học trò. Chính vì thế, thầy giáo Thắng luôn được học trò yêu quý, phụ huynh tin tưởng.
Năm học 2022 - 2023, thầy giáo Thắng quay trở lại điểm trường Bản Kim A, xã Thanh Bình (được sáp nhập từ 2 xã Thanh Kim và Bản Phùng) sau khi luân chuyển qua nhiều điểm trường khác nhau như Lếch Mông, Lếch Dao và điểm trường chính. Nghe tin thầy Thắng quay lại nơi bắt đầu dạy học, người dân trong thôn Bản Kim A đều vui mừng chào đón.
Thầy Thắng chia sẻ, sau 9 năm quay trở lại, cuộc sống bản Dao đã có nhiều đổi thay, nhưng tình cảm mà bà con dành cho tôi vẫn vẹn nguyên như trước. "Tôi chưa bao giờ hối hận vì quyết định lựa chọn ngược núi, bám bản của mình. Nhiều hôm, đến trường thấy bà con mang khoai, sắn tới cho, hạnh phúc bình dị vậy thôi, nhưng có tiền cũng không thể mua được". Phó Hiệu trưởng nhà trường Phạm Thị Thu cho biết, thầy Thắng là giáo viên có tinh thần trách nhiệm rất cao trong công việc, săn sóc học sinh hết mực chu đáo vì vậy luôn được học sinh và phụ huynh tin yêu, đồng nghiệp kính trọng.
Với những đóng góp cho ngành giáo dục địa phương những năm qua, thầy Thắng liên tục nhận được Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai và các Sở, ngành, đơn vị địa phương. Đặc biệt, thầy Thắng được vinh dự là một trong 2 giáo viên của Lào Cai được vinh danh trong Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2023 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long tổ chức nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Chương trình tuyên dương các thầy, cô giáo tiêu biểu đang công tác ở những trường học tại các xã khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại 51 tỉnh, thành phố trong cả nước./.