Việc xây dựng, củng cố đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục là một trong những yếu tố then chốt bảo đảm cho sự thành công của việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới.
TTXVN - Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản, cơ chế chính sách chăm lo cho nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật hiện hành về nhà giáo còn thiếu tính đồng bộ, thống nhất và khó áp dụng trong thực tiễn. Vì vậy, Nghị quyết 95/NQ-CP của Chính phủ đã thống nhất thông qua đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc xây dựng Luật Nhà giáo.
Phóng viên TTXVN đã thực hiện chùm hai bài viết với chủ đề "Xây dựng Luật Nhà giáo", nhằm ghi nhận ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước cũng như các chuyên gia, các thầy cô giáo về những chính sách cần được luật hoá nhằm tạo hành lang pháp lý quan trọng đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của nhà giáo, giúp các thầy cô yên tâm công tác, tận tâm, tận tụy với sự nghiệp "trồng người".
Bài 1: Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của đội ngũ giáo viên
Nếu Luật Nhà giáo được thông qua, đây lần đầu tiên trong lịch sử phát triển của ngành Giáo dục, có một Luật riêng điều chỉnh về nhà giáo, góp phần khẳng định vị thế của giáo viên; đồng thời các chế độ, chính sách đối với nhà giáo được quy định toàn diện, phù hợp với đặc thù nghề nghiệp. Do đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên trong toàn ngành đều rất mong chờ và đặt nhiều kỳ vọng vào những tác động tích cực mà Luật sẽ mang lại.
*Giải bài toán tiền lương
Một trong những vấn đề khó khăn mà ngành Giáo dục đã và đang phải đối mặt đó là tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ xảy ra tại các địa phương. Từ đó, đặt ra thách thức rất lớn đối với ngành Giáo dục trong việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục - đào tạo, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng như nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ đất nước.
Do đó, chính sách về tuyển dụng, đãi ngộ, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên cần được hoàn thiện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.
Nhiều năm đứng trên bục giảng, cô giáo Trương Thị Thu Thuỷ, Trường Trung học Phổ thông Lê Quý Đôn, Hải Phòng nhận thấy rõ những bất cập của đội ngũ giáo viên hiện nay như vấn đề tinh giản biên chế viên chức hành chính liên quan đến nhà giáo, chế độ phụ cấp, tuyển dụng, quy hoạch, phát triển đội ngũ... Vì thế, đón nhận thông tin sẽ có Luật Nhà giáo khiến cô rất vui mừng.
Cô Trương Thị Thu Thuỷ chia sẻ: Cũng giống như mong muốn của rất nhiều đồng nghiệp, tôi hy vọng chính sách đãi ngộ về mặt vật chất, tiền lương sẽ được cải thiện để cán bộ, giáo viên đảm bảo được cuộc sống. Khi đã đảm bảo về mặt vật chất, giáo viên rất yên tâm để đầu tư hơn nữa về chuyên môn, nghiệp vụ.
Cô Lý Thị Thu, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Sủng Máng (Mèo Vạc, Hà Giang) bày tỏ, mỗi giáo viên khi tham gia vào lĩnh vực giáo dục đều quyết tâm đến với nghề và tận tâm cho công việc. Với những nhiệm vụ nặng nề, khó khăn, giáo viên luôn cố gắng vượt qua, không ngừng trau dồi, học hỏi, nâng cao trình độ. Tuy nhiên, với mức lương hiện nay, đội ngũ giáo viên không đủ trang trải cuộc sống. Đặc biệt, đối với những giáo viên mới ra trường, mức lương không đủ thu hút đội ngũ trẻ, gắn bó với nghề. Từ thực tế trên, cô Thu mong muốn, thời gian sớm nhất sẽ có những chính sách, đãi ngộ điều chỉnh thu nhập cho đội ngũ giáo viên.
Thầy Nguyễn Văn Đằng, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Lê Quý Đôn, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, cho rằng: Cần thiết phải sớm có bộ luật riêng bao quát, chi phối được hết các hoạt động của nhà giáo. Những vấn đề khó khăn, vướng mắc chung của toàn ngành hiện nay như chế độ chính sách đối với nhà giáo, khẳng định vị thế của nhà giáo, việc đối xử với nhà giáo chưa tương xứng về lương, thưởng..., chỉ có thể giải quyết một cách thấu đáo khi Luật Nhà giáo chính thức có hiệu lực thi hành.
Theo thầy Nguyễn Văn Đằng, hiện nay, Trường Trung học Phổ thông Lê Quý Đôn và hệ thống giáo dục trên cả nước nói chung đang triển khai thực hiện đổi mới chương trình phổ thông và sách giáo khoa. Vấn đề biên chế giáo viên, phụ cấp.... đều cần phải được tính đến. Khi chưa có Luật Nhà giáo, việc triển khai sẽ khó khăn, phải chi phối bằng những bộ luật, quy định khác. Thế nên, Luật Nhà giáo được ban hành sẽ là căn cứ pháp lý cao nhất để các địa phương, nhà trường thực hiện.
*Chuẩn hóa đội ngũ và tạo sự bình đẳng
Một trong những chính sách quan trọng trong Luật Nhà giáo đó là các quy định về định danh, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo. Trong đó, nội dung của chính sách sẽ xác định các vấn đề cơ bản liên quan đến chuẩn nghề nghiệp, chuẩn chức danh nhà giáo làm cơ sở để quản lý và sử dụng nhà giáo, đảm bảo sự bình đẳng giữa nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập và nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Đồng thời, xác định quyền lợi và nghĩa vụ của nhà giáo; tăng cường quyền tự chủ trong giảng dạy và giáo dục của nhà giáo, quyền được áp dụng các biện pháp trừng phạt trong giáo dục và bản quyền sở hữu trí tuệ đối với các nội dung sáng tạo, đổi mới trong giáo dục; tăng cường nghĩa vụ của nhà giáo trong việc bảo vệ và hỗ trợ học sinh.
Đồng tình với chính sách này, cô Trương Thị Thu Thuỷ, Trường Trung học Phổ thông Lê Quý Đôn, Hải Phòng cho rằng: Trong thực tiễn hoạt động nghề nghiệp, có những nhà giáo chưa làm tròn trách nhiệm, để xảy ra tiêu cực, ảnh hưởng tới đồng nghiệp và sự đánh giá, nhìn nhận của xã hội đối với đội ngũ giáo viên nói chung. Vì vậy, khi xây dựng Luật, bên cạnh những chính sách đãi ngộ, khen thưởng, tôn vinh nhà giáo cũng cần có những quy định cụ thể về hành xử của giáo viên và đạo đức nhà giáo trong trường học để đảm bảo quyền lợi cho cả giáo viên, học sinh.
Bà Phạm Thị Thanh Tâm, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh bày tỏ: Những quy định về quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của nhà giáo hiện được quy định tại Luật Giáo dục, nhưng phần lớn được cụ thể hóa bằng văn bản dưới luật. Vì vậy, khi xây dựng Luật Nhà giáo cần luật hóa những quy định về chuẩn nghề nghiệp, quy định về các tiêu chuẩn khác đối với nhà giáo như chuẩn trình độ, lý lịch rõ ràng, phẩm chất đạo đức; quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của nhà giáo…
Ở góc độ của cơ sở giáo dục ngoài công lập, cô Bùi Thanh Anh, Hiệu trưởng Mầm non song ngữ MerryStar (Hà Nội) chia sẻ: Với các nhà giáo dục, dù ở môi trường nào cũng cần được hưởng bình đẳng và chế độ, chính sách, phúc lợi xã hội như nhau. Các văn bản hiện tại đang phù hợp với nhà giáo công lập nhiều hơn mà chưa có sự chỉ đạo cụ thể để đảm bảo quyền lợi với những nhà giáo ngoài công lập.
Vì vậy, cô Thanh Anh mong muốn, với Luật Nhà giáo được xây dựng và ban hành tới đây, sẽ rõ ràng hơn trong các quy định về quyền và nghĩa vụ để đảm bảo quyền lợi chung cho nhà giáo không kể trường công hay trường tư. Luật sẽ thực sự là hành lang pháp lý, tạo công bằng, là cách thể hiện sự tôn vinh đối với nhà giáo một cách cụ thể. Bên cạnh đó, cần có một hệ thống tiêu chí đánh giá phù hợp với các nhà giáo dù họ có làm việc trong cơ sở giáo dục công lập hay ngoài công lập. Tất cả nhà giáo đều nhận được quyền lợi công bằng và xứng đáng, không có sự phân biệt. Họ sẽ cùng nhận được các cơ hội để phát triển nghề nghiệp tốt nhất và đóng góp vào sự phát triển trong hệ thống giáo dục.
Cùng với đó, nhiều ý kiến cho rằng, những nhóm chính sách trong luật phải cụ thể hoá, tránh tình trạng xây dựng luật quá chung chung, khi ban hành không tạo ra thay đổi so với khi chưa có luật.
Theo bà Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Khi xây dựng Luật Nhà giáo chỉ quy định những vấn đề khung thì chưa đủ mà cần dựa trên cơ sở thực tiễn mới khả thi. Đội ngũ giáo viên hiện nay cần những gì về chế độ đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng; điều kiện làm việc… Làm thế nào để họ phát huy hết khả năng sáng tạo, cống hiến cho sự nghiệp "trồng người", truyền tải năng lượng tích cực đến với học sinh, nâng cao chất lượng dạy và học. Từ đó, khi xây dựng Luật có hai vấn đề phải được đặc biệt quan tâm.
Thứ nhất, lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng để đảm bảo nhà giáo có điều kiện kinh tế tạm đủ để nuôi sống bản thân và gia đình.
Thứ hai, chính sách về môi trường làm việc, cần bảo đảm để nhà giáo được làm việc trong một môi trường mang tính chuyên nghiệp, đáp ứng các yêu cầu cần thiết về cơ sở vật chất, công nghệ cho những đổi mới trong dạy, học, đánh giá; an toàn nghề nghiệp; năng động, đổi mới, sáng tạo; phát huy quyền tự chủ của thầy và trò./.