Dù đã khắc phục bằng nhiều cách khác nhau, việc chậm cấp trang thiết bị dạy học đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dạy, học theo chương trình sách giáo khoa mới.
TTXVN - Là yếu tố trợ lực giúp hoạt động giáo dục đạt hiệu quả cao, tạo hứng thú cho học sinh, góp phần đổi mới phương pháp dạy học nhưng trang thiết bị dạy học phục vụ Chương trình giáo dục Phổ thông 2018 của Thanh Hóa vì nhiều nguyên nhân chưa được trang cấp kịp thời.
Để có thiết bị đồng bộ với Chương trình giáo dục Phổ thông 2018, không chờ đợi được cấp phát, nhiều trường học tại huyện Nông Cống chủ động triển khai công tác xã hội hóa đầu tư mua sắm thiết bị giáo dục cần thiết phục vụ chương trình học. Nhờ vậy, 100% trường trên địa bàn được tiếp cận thiết bị hỗ trợ tối thiểu là tivi có kết nối internet để học tập.
Trường Tiểu học số 2 thị trấn Nông Cống huy động nguồn xã hội hóa mua sắm thiết bị dạy và học cần thiết. Nhà trường linh động bằng nhiều cách để giảng dạy, tạo hứng thú học tập cho học sinh và giáo viên như: Phân công chuyên môn đúng chuyên ngành đào tạo; thực hiện nghiêm việc bồi dưỡng chuyên môn theo các mô đun; tận dụng tối đa trang thiết bị dạy học hiện có, sử dụng trang thiết bị cũ còn phù hợp để giảng dạy. Để đảm bảo yêu cầu dạy học, các thầy cô chủ động tự làm tranh ảnh, đồ dùng, mẫu vật... tránh tình trạng dạy chay, học chay.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 thị trấn Nông Cống Lê Thị Hiền cho biết, chưa được cấp thiết bị, đồ dùng dạy học theo chương trình mới, giáo viên khắc phục bằng cách tận dụng thiết bị cũ phục vụ giảng dạy cho học sinh. Các thầy cô linh động sử dụng máy cá nhân đáp ứng yêu cầu dạy học theo nội dung, chương trình mới… Có đồ dùng dạy học các em được học trực quan, sinh động hơn. Nếu chưa có, giáo viên áp dụng phương pháp dạy theo giáo án điện tử. Hình ảnh nào thiết thực, gắn liền với cuộc sống, giáo viên có thể lấy trên mạng Internet minh họa cho bài giảng giúp học sinh dễ hiểu. Các giáo viên rất mong sớm được trang cấp trang thiết bị để giảm tải công việc họ phải chuẩn bị ở nhà.
Theo Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nông Cống Đỗ Ngọc Phan, Phòng chỉ đạo các nhà trường huy động nguồn lực đầu tư mua sắm thiết bị dạy học. Đối với lớp 3 và lớp 6, thực hiện môn Tin học bắt buộc, để có phòng máy Phòng Giáo dục kêu gọi con em quê hương ủng hộ. Đến nay, cơ bản 100% các nhà trường đã có phòng máy phục vụ học môn Tin học.
Tại huyện Như Thanh, nhờ sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ sở vật chất Trường Tiểu học Phú Nhuận với hơn 800 học sinh được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng yêu cầu dạy và học trong tình hình mới.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Nhuận Đỗ Xuân Tuấn cho biết, thực hiện Đề án 03 về nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện huyện Như Thanh giai đoạn 2021 - 2023, nhà trường được đầu tư 25 phòng học thông minh, với tổng trị giá gần 2 tỷ đồng. Nhà trường đang hoàn tất thủ tục tiếp nhận 20 máy tính mới do UBND huyện đầu tư trị giá 270 triệu đồng. Đây là những điều kiện thuận lợi để thầy và trò khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt chương trình giáo dục phổ thông mới.
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Như Thanh chủ động tham mưu UBND huyện tăng cường cơ sở vật chất cho các nhà trường. Thực hiện Đề án 03 của UBND huyện, tất cả trường Tiểu học và Trung học Cơ sở trên địa bàn được cấp phòng máy vi tính trị giá 260 triệu đồng. Đến năm 2023, 12 phòng máy tính cho bậc Trung học Cơ sở trên địa bàn được đưa vào sử dụng (trừ hai trường Dân tộc nội trú và phổ thông dân tộc bán trú), với tổng trị giá hơn 3,1 tỷ đồng và đang lắp phòng máy cho 18 trường Tiểu học. Ngành Giáo dục phối hợp với chính quyền địa phương lắp khoảng 160 tivi cho các nhà trường và 50 màn hình tương tác thông minh cho Trường Tiểu học Phú Nhuận và Trường Tiểu học Thị trấn Bến Sung...
Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Như Thanh Trịnh Minh Lâm, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Như Thanh chia sẻ, việc trang cấp thiết bị dạy học hiện đang bị chậm, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục của nhà trường, các trang thiết bị mới được cấp đến lớp 1,2; còn lại lớp 3,4 chưa được thực hiện. Dù đã khắc phục bằng nhiều cách khác nhau, việc chậm cấp trang thiết bị dạy học đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dạy, học theo chương trình sách giáo khoa mới. Các đơn vị liên quan cần đẩy nhanh mua sắm, trang cấp trang thiết bị dạy học để việc dạy, học của các nhà trường "chạm" tới mục tiêu phát huy tối đa năng lực cơ sở vật chất và người học…
Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa tổng hợp nhu cầu trang cấp của các cơ sở giáo dục và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kinh phí cấp phát trang thiết bị giáo dục phục vụ Chương trình giáo dục Phổ thông mới 2018 cho khối lớp 4,8 và 11. Dự kiến năm học 2023 - 2024, thiết bị được cấp phát tới các nhà trường. Sở hoàn thành lựa chọn nhà thầu và tiến hành các bước tiếp theo phê duyệt dự án cấp phát thiết bị cho khối lớp 3,7 và 10…
Những giải pháp các địa phương cũng như nhà trường đang thực hiện trong thời gian qua chỉ là cách thích ứng tạm thời bởi không phải địa phương nào cũng có đủ nguồn lực để kịp thời, chủ động mua sắm trang thiết bị cho các nhà trường... Vì thế, các cấp, ngành tỉnh Thanh Hóa cần sớm hoàn tất thủ tục để các nhà trường có đủ điều kiện dạy và học theo chương trình mới./.