Ngành Giáo dục tỉnh Thanh Hóa đang phối hợp với các địa phương tận dụng các nguồn vốn từ các chương trình khác nhau và phân bổ ngân sách cho đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học.
TTXVN - Trong lộ trình xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia năm 2023, huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa đang gặp những khó khăn về tình trạng thiếu vốn, thiếu giáo viên, đặc biệt là cơ sở vật chất và thiết bị dạy học chưa đảm bảo.
Ngành Giáo dục tỉnh Thanh Hóa đang phối hợp với các địa phương tận dụng các nguồn vốn từ các chương trình khác nhau và phân bổ ngân sách cho đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học.
Hầu hết cơ sở vật chất ở các điểm trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Tam Văn, huyện Lang Chánh đều xuống cấp nghiêm trọng. Các phòng lớp học thiếu thốn, tạm bợ, các điểm lẻ cách xa nhau, đường xá đi lại còn gặp nhiều khó khăn. Theo lộ trình trường sẽ được công nhận chuẩn quốc gia mức độ 1 vào năm 2025 nhưng rào cản lớn nhất hiện nay của nhà trường là về cơ sở vật chất.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Tam Văn, Tống Văn Thủy cho biết, hiện nay, quy hoạch về đất đai để đầu tư điểm trường mới tập trung đã cơ bản hoàn thành. UBND huyện Lang Chánh đã có dự án xây dựng điểm trường mới, dồn các điểm lẻ về để tập trung nguồn lực xây dựng trường chuẩn quốc gia nhưng do khó khăn về kinh phí nên vẫn chưa được triển khai. Nhà trường mong muốn để thuận tiện trong công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục, địa phương sớm triển khai dự án dồn các điểm trường về một nơi. Ông Thủy chia sẻ: “Theo quy định, để được công nhận đạt chuẩn quốc gia, các trường học phải đáp ứng đủ 5 tiêu chí, gồm: Tổ chức quản lý nhà trường; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội và tiêu chí hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục. Trong những tiêu chí trên, khó khăn lớn nhất đối với các huyện miền núi vẫn là huy động các nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị dạy học…”.
Theo Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Lang Chánh Cao Bá Châu, tính đến tháng 12/2022, toàn huyện có 25/31 trường học đạt kiểm định chất lượng giáo dục và đạt chuẩn quốc gia, chiếm 80,6%. Theo kế hoạch, năm 2023 địa phương được Sở Giáo dục và Đào tạo giao công nhận đạt kiểm định chất lượng và chuẩn quốc gia sau 5 năm đối với 6 trường: Trường Mầm non Yên Khương, Mầm non Giao An; Trường Tiểu học Tân Phúc, Tiểu học Thị trấn 2; Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Giao An. Kiểm tra công nhận đạt chuẩn quốc gia mới đối với Trường Tiểu học Lâm Phú. Địa phương đang dành nguồn lực tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị các trường còn lại để đáp ứng kiểm định chất lượng giáo dục và đạt chuẩn quốc gia công nhận vào các năm tiếp theo; phấn đấu hết năm 2023, có 87% trường đạt chuẩn quốc gia.
Trường Mầm non Xuân Cẩm, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa có 246 học sinh với 17 nhóm lớp; trong đó có 5 nhóm trẻ và 12 lớp mẫu giáo. Năm học này, nhà trường được Ban Chỉ đạo xây dựng trường chuẩn quốc gia mức độ 1 của huyện giao kế hoạch trong tháng 11/2023 sẽ được công nhận chuẩn quốc gia mức độ 1. Do cơ sở vật chất hiện nay chưa đảm bảo, thiếu phòng học, phòng chức năng, nhà hiệu bộ, kế hoạch về đích trường chuẩn quốc gia mức độ 1 của trường Mầm non chưa thực hiện được.
Hiệu trưởng Trường Mầm non Xuân Cẩm Lang Thị Hoa cho biết, trong lộ trình xây dựng trường chuẩn Quốc gia mức độ 1, nhà trường đã được UBND thị trấn và huyện Thường Xuân quan tâm đầu tư hai công trình là nhà hiệu bộ và 4 lớp học. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn kinh phí, hai dự án hiện vẫn chưa được thực hiện, cô và trò Trường Mầm non Xuân Cẩm đang phải dạy và học trong điều kiện nhiều khó khăn. Nhà trường đang thiếu 4 phòng học, các nhóm trẻ phải ghép phòng. Các lớp mẫu giáo 3,4 tuổi phải ghép hai nhóm với nhau trong điều kiện phòng học chật hẹp và nhiều hạng mục đã xuống cấp. Bên cạnh đó, trang thiết bị và học của nhà trường cũng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nhà trường đề nghị địa phương tiếp tục quan tâm, đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình nhà công vụ và lớp học để nhà trường đủ điều kiện công nhận chuẩn quốc gia trong thời gian sớm nhất.
Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thường Xuân Tống Thị Hoa cho biết, nhiều trường học trên địa bàn huyện Thường Xuân vẫn còn thiếu phòng chức năng, phòng bộ môn, nhà hiệu bộ, thư viện, trang thiết bị dạy và học... Tình trạng thiếu giáo viên chưa được giải quyết dứt điểm đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. do cơ sở vật chất chưa kịp hoàn thiện, nên nhiều trường đã không thể về đích theo đúng kế hoạch đề ra.
Ngành Giáo dục huyện cùng cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn đã phát huy vai trò tự chủ, năng động, sáng tạo trong xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ nói chung và nhiệm vụ xây dựng trường chuẩn quốc gia nói riêng. Qua đó, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giỏi về chuyên môn, tâm huyết với nghề; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục... phấn đấu đến năm 2025 đưa tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn huyện lên 93,4%.
Báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho thấy, tính đến tháng 9/2023, toàn tỉnh có 1.711 trường đạt chuẩn quốc gia; trong đó có 590 trường Mầm non, 542 trường Tiểu học, 528 trường Trung học Cơ sở và 51 trường Trung học Phổ thông; đạt 86,02%. Riêng trong năm 2022, ngành Giáo dục Thanh Hóa được phân bổ hơn 44,7 tỷ đồng để thực hiện 12 dự án liên quan đến đầu tư cơ sở vật chất trường học; năm 2023, dự kiến được phân bổ hơn 194 tỷ đồng.
Để nâng cao hiệu quả xây dựng trường chuẩn quốc gia ngành Giáo dục, chính quyền các địa phương khu vực miền núi đã quan tâm huy động mọi nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất cho các nhà trường. Tuy nhiên, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia khu vực miền núi vẫn đạt thấp. Do đó, rất cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của ngành chức năng, chính quyền các địa phương cũng như các tầng lớp nhân dân trong công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia khu vực miền núi. Các nhà trường cần nỗ lực hơn nữa, nhất là trong việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên và đổi mới phương pháp dạy học, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, rút ngắn khoảng cách giữa khu vực miền núi và đồng bằng./.