Giáo dục

Truyền thống hiếu học họ Nguyễn Kim Đôi: Niềm tự hào quê hương Kinh Bắc

Bắc Ninh

Hội thảo khoa học đã giúp các đại biểu hiểu biết đầy đủ, toàn diện về tài năng, đức độ, gia thế và truyền thống hiếu học đáng tự hào của gia tộc này.

Hội thảo khoa học Truyền thống hiếu học khoa bảng dòng họ Nguyễn, khu phố Kim Đôi. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN)

TTXVN - Hội thảo khoa học Truyền thống hiếu học khoa bảng dòng họ Nguyễn, khu phố Kim Đôi (trước là làng Kim Đôi), phường Kim Chân, thành phố Bắc Ninh diễn ra sáng 15/11 tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc.

Nhà khoa học, nhà nghiên cứu Trung ương và địa phương, lãnh đạo một số sở, ngành, cùng đại diện các gia tộc khoa bảng tiêu biểu của tỉnh Bắc Ninh tham dự Hội thảo.

Với tư liệu phong phú, các tham luận tại Hội thảo đã tập trung làm sáng tỏ những vấn đề liên quan đến truyền thống hiếu học khoa bảng dòng họ Nguyễn khu phố Kim Đôi; các danh nhân tiêu biểu trong dòng họ; hoạt động khuyến học của dòng họ Nguyễn ở Kim Đôi trong lịch sử; công tác bảo tồn, phát huy giá trị di vật, di tích tiêu biểu phản ánh về truyền thống khoa bảng vẻ vang của dòng họ…

Từ chia sẻ những chuyện kể, giai thoại về vị danh nhân khoa bảng dòng họ Nguyễn khu phố Kim Đôi của bà Cao Thanh Hải, Trung tâm Bảo tồn di tích và xúc tiến du lịch tỉnh Bắc Ninh đã giúp hiểu biết đầy đủ, toàn diện về tài năng, đức độ, gia thế và truyền thống hiếu học đáng tự hào của gia tộc này.

Thạc sĩ Nguyễn Phạm Bằng (Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh) cho rằng, gia phả dòng họ Nguyễn khu phố Kim Đôi có ý nghĩa quan trọng trong việc gìn giữ truyền thống gia đình, tạo dựng mối liên kết, tạo cảm giác thuộc về, nghiên cứu lịch sử và nguồn gốc gia đình, cũng như kế thừa di sản văn hóa gia đình, dòng tộc. Hiện nay, những tài liệu trên đã bị thất lạc hoặc chưa tìm được. Đại biểu kiến nghị với dòng họ Nguyễn khu phố Kim Đôi nhanh chóng tìm lại bản gia phả gốc, có phương án dịch thuật, số hóa bảo lưu hiện vật hiệu quả, đồng thời cũng là bảo vệ truyền thống gia đình….

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Đáp phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN)

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Đáp cho biết, trong gần một nghìn năm chế độ khoa cử Việt Nam, bắt đầu từ khoa thi năm Ất Mão (1705) thời Lý đến khoa thi cuối cùng năm Kỷ Mùi (1919) thời Nguyễn, chính quyền nhà nước quân chủ tổ chức 183 khoa thi với gần 3.000 vị đỗ đại khoa và hàng ngàn cử nhân, tú tài. Trong đó, xứ Kinh Bắc có gần 700 vị đỗ đại khoa, chiếm gần 1/4 số lượng các vị đại khoa trong cả nước.

Theo địa danh hành chính hiện nay, tỉnh Bắc Ninh có gần 400 vị đỗ đại khoa, trong đó có 343 Tiến sĩ, 8 Phó bảng, ngoài ra, còn gần 1.000 vị cử nhân, tú tài. Bắc Ninh có 15 vị đỗ Trạng nguyên, chiếm 1/3 số lượng Trạng nguyên của cả nước (cả nước có 46 Trạng nguyên).

Bắc Ninh còn có nhiều dòng họ khoa bảng nổi tiếng: Họ Nguyễn làng Kim Đôi, nay thuộc phường Kim Chân, thành phố Bắc Ninh; họ Nguyễn khu phố Vĩnh Kiều phường Đồng Nguyên, thành phố Từ Sơn; họ Nguyễn Đăng làng Bịu ở xã Liên Bão, huyện Tiên Du; họ Nguyễn làng Tam Sơn nay thuộc phường Tam Sơn, thành phố Từ Sơn.

Họ Nguyễn làng Kim Đôi là dòng họ khoa bảng nổi tiếng với 13 đời liên tiếp đỗ đại khoa, trong đó có 9 anh em, chú cháu cùng làm quan đại thần một triều. Đây là dòng họ có nhiều người đỗ đại khoa khi còn trẻ tuổi như Nguyễn Nhân Thiếp đỗ Tiến sĩ lúc 15 tuổi, Nguyễn Nhân Dư đỗ Tiến sĩ năm 17 tuổi và hơn 10 vị đỗ Tiến sĩ ở tuổi 18-21. Dòng họ còn nổi danh có 5 anh em ruột đỗ Tiến sĩ và cùng làm quan một triều, giữ những trọng trách quốc gia và là điểm độc đáo hiếm có họ nào ở Việt Nam có được thành tích vẻ vang như thế. Kỳ tích này mang về cho làng Kim Đôi 8 chữ “Kim Ðôi gia thế, chu tử mãn triều” (nghĩa là: họ Nguyễn làng Kim Ðôi, áo đỏ áo tím đầy triều) do Vua Lê Thánh Tông ban tặng. Những di sản văn hóa họ Nguyễn Kim Đôi là niềm tự hào của dòng họ và quê hương Bắc Ninh.

Hội thảo Truyền thống hiếu học khoa bảng dòng họ Nguyễn, khu phố Kim Đôi có ý nghĩa thiết thực, góp phần quan trọng cho gia tộc và cơ quan chuyên môn bổ sung tư liệu về các vị Tiến sỹ, di tích thờ phụng các vị đại khoa. Các tư liệu của hội thảo khoa học còn giúp nhà quản lý trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích, di sản văn hóa của gia tộc và quê hương đất nước./.

Thanh Thương

Xem thêm