Các kinh nghiệm, giải pháp được trao đổi tại Diễn đàn là cơ sở góp phần thực hiện được mục tiêu đến cuối nhiệm kỳ 2023 - 2028, cả nước có 15 triệu công đoàn viên; đồng thời xây dựng đội ngũ Chủ tịch Công đoàn cơ sở có đủ năng lực, phẩm chất, trí tuệ.
TTXVN - Chiều 30/11, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Đổi mới công tác vận động, tập hợp người lao động vào tổ chức Công đoàn; nâng cao chất lượng đội ngũ Chủ tịch Công đoàn cơ sở”. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang chủ trì Diễn đàn.
Tại Diễn đàn, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang khẳng định, phát triển đoàn viên và thành lập Công đoàn cơ sở được xác định là khâu đột phá, một trong những yếu tố quan trọng chính là chất lượng đội ngũ Chủ tịch Công đoàn cơ sở. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở phải giỏi về kinh tế, thạo về quản lý; có kiến thức về kinh tế, về tiền lương để có thể thương lượng, thỏa thuận, ký kết Thỏa ước lao động tập thể với chủ sử dụng lao động.
“Các kinh nghiệm, giải pháp được trao đổi tại Diễn đàn là cơ sở góp phần thực hiện được mục tiêu đến cuối nhiệm kỳ 2023 - 2028, cả nước có 15 triệu công đoàn viên; đồng thời xây dựng đội ngũ Chủ tịch Công đoàn cơ sở có đủ năng lực, phẩm chất, trí tuệ, đáp ứng yêu cầu xây dựng phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn trong tình hình mới”, ông Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương Nguyễn Kim Loan cho biết, bối cảnh tình hình mới, nhất là việc hình thành các tổ chức đại diện của người lao động (ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam) sẽ tạo ra những thách thức lớn đối với Công đoàn Việt Nam. Thực tế đó đòi hỏi phải có những giải pháp căn bản, đột phá để đẩy mạnh công tác vận động người lao động tham gia tổ chức Công đoàn và nâng cao chất lượng đội ngũ Chủ tịch Công đoàn cơ sở.
Tham dự Diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các giải pháp nâng cao hiệu quả phát triển đoàn viên mới, quản lý đoàn viên, chăm lo ngày càng tốt hơn lợi ích cho đoàn viên, nâng cao chất lượng đoàn viên; đánh giá, phân loại đoàn viên; xây dựng nhân tố đoàn viên tiên tiến, nòng cốt trong hoạt động Công đoàn; đề xuất các nội dung, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của các cấp Công đoàn, nhất là việc phân định chức năng, nhiệm vụ của mỗi cấp Công đoàn, tránh chồng chéo, không rõ trách nhiệm; xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy tham mưu giúp việc các cấp Công đoàn phù hợp, đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, tinh gọn và hoạt động hiệu lực, hiệu quả; vấn đề nâng cao chất lượng hoạt động của Công đoàn cơ sở, nhất là Công đoàn cơ sở khu vực ngoài Nhà nước.
Đồng thời, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Công đoàn ở mỗi cấp; chăm lo công tác cán bộ Công đoàn, từ tuyển chọn, quy hoạch, quản lý, bố trí, sử dụng, luân chuyển và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ Công đoàn; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Công đoàn; đổi mới công tác cán bộ Công đoàn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Từ thực tiễn hoạt động tại cơ sở, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp đẩy mạnh phát triển đoàn viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đáp ứng yêu cầu tình hình mới; đề xuất giải giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ Công đoàn giai đoạn đẩy mạnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số...
Đề xuất các giải pháp để phát triển đoàn viên Công đoàn, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Chính Hữu cho rằng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, mang lại nhiều thời cơ cũng như thách thức đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam. Với việc ứng dụng công nghệ thông tin, internet, truyền thông di động, cán bộ Công đoàn có điều kiện kết nối và tương tác với đoàn viên và người lao động nhiều hơn; kịp thời nắm bắt thông tin về những vấn đề người lao động khó khăn, bức xúc và cả những mong muốn, nhu cầu của họ.
Trước tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đối với tổ chức Công đoàn, ông Nguyễn Chính Hữu cho rằng, tổ chức Công đoàn cần nhận thức đúng về vị trí, vai trò, cũng như việc phải thích ứng nhanh chóng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, nếu không sẽ không bắt kịp sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, cần đổi mới sinh hoạt Công đoàn đảm bảo hấp dẫn, linh hoạt, phù hợp với điều kiện sản xuất, công tác của đoàn viên, sử dụng có hiệu quả các ứng dụng của internet trong sinh hoạt Công đoàn; đơn giản hóa các thủ tục để người lao động gia nhập tổ chức Công đoàn.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Chính Hữu cho rằng, cần bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ Chủ tịch Công đoàn cơ sở ở cả 3 khía cạnh: Kiến thức chuyên môn, lý luận; phương pháp tổ chức; tư tưởng và kinh nghiệm hoạt động. Để có được những Chủ tịch Công đoàn cơ sở có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu, việc đào tạo, tập huấn nghiệp vụ phải được coi như một giải pháp cấp thiết, tiên quyết.
Phân tích về nội dung này, lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh cho rằng, cần xây dựng đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên và các hình thức phù hợp khác để tăng cường nguồn nhân lực có chất lượng cho công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở; có chính sách bồi dưỡng, hỗ trợ, khuyến khích đối với đội ngũ cán bộ Công đoàn, đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên làm công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở.
Đưa ra giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn cơ sở, đại diện Công đoàn Dầu khí Việt Nam cho rằng, việc phát triển đoàn viên phải gắn với cập nhật thông tin đoàn viên Công đoàn lên hệ thống quản lý và đa dạng hóa các các hoạt động chăm lo lợi ích thiết thực cho đoàn viên; thực hiện tốt cơ chế chính sách đối với cán bộ Công đoàn nói chung và cán bộ Công đoàn cơ sở nói riêng như đảm bảo tiền lương, khen thưởng, các chế độ phúc lợi… của cán bộ Công đoàn đặc biệt là đối với cán bộ Công đoàn chuyên trách như đối với cán bộ làm công tác chuyên môn…/