Xã hội

Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam: Đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt, làm chỗ dựa tin cậy của người lao động

TP. Hồ Chí Minh

Tổ chức Công đoàn trong giai đoạn mới cần phát huy vai trò đại diện; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động.

Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh trao đối với các đại biểu dự đại hội ( Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Ảnh: Thanh Vũ –TTXVN

TTXVN - Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhất là thành viên tích cực và có trách nhiệm của tổ chức Lao động quốc tế (ILO), việc xuất hiện của tổ chức đại diện người lao động ở cơ sở hoạt động song song tổ chức Công đoàn Việt Nam trong thời gian tới vừa là thời cơ nhưng cũng nhiều thách thức. Từ thực tiễn này đòi hỏi tổ chức Công đoàn và mỗi cán bộ, đoàn viên cần có sự đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt để từ đó khẳng định Công đoàn Việt Nam là niềm tin, chỗ dựa tin cậy, vững chắc của người lao động trong giai đoạn mới.

*Trọng tâm chăm lo, bảo vệ người lao động

Đồng hành cùng người lao động trải qua áp lực từ COVID-19 đến những tác động suy thoái kinh tế thế giới kéo dài khiến công nhân, người lao động ngày càng khó khăn, ông Nguyễn Đình Cường, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, công nhân, người lao động chỉ thật sự yên tâm công tác, đầu tư cho chất lượng chuyên môn khi cuộc sống của họ được bảo vệ, thỏa mãn những lợi ích hợp pháp, đời sống ngày càng cải thiện và nâng cao.

Do vậy, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công nhân, người lao động trong giai đoạn mới là nhiệm vụ quan trọng không chỉ đảm bảo tính đặc trưng của tổ chức Công đoàn mà còn tạo sức mạnh đoàn kết, cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, ông Nguyễn Đình Cường khẳng định.

Để đáp ứng yêu cầu mới, ông Nguyễn Đình Cường cho rằng, không tổ chức nào khác ngoài tổ chức Công đoàn, nhất là Công đoàn cơ sở gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, chăm lo đoàn viên, người lao động. Công đoàn đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện phương án chi trả lương, thưởng; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; kịp thời hỗ trợ người lao động khó khăn, nhất là tại doanh nghiệp đang thiếu hụt đơn hàng, sản xuất kinh doanh ngừng trệ…

Chia sẻ về hoạt động chăm lo cho người lao động của Công đoàn như, chuyến xe nghĩa tình, chương trình phúc lợi đoàn viên, phiên chợ nghĩa tình…, ông Nguyễn Đình Cường cho rằng, điều này không chỉ hỗ trợ kịp thời mà còn tạo sự đoàn kết, gắn bó, vận động hàng tỷ đồng mỗi năm chung tay vì người lao động. Công đoàn còn thăm hỏi, động viên đơn vị, doanh nghiệp thực hiện tốt chế độ chính sách, thuế, nâng cao chất lượng bữa ăn giữa ca, vận động chủ nhà trọ cùng các đơn vị chăm lo, hỗ trợ giảm giá phòng trọ, giới thiệu việc làm cho người lao động, thanh niên, bộ đội xuất ngũ góp phần tạo niềm tin cho người lao động vào tổ chức này.

Xác định nhiệm vụ bảo vệ, chăm lo công nhân, người lao động, Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Pou Yuen Việt Nam chủ động gắn kết với doanh nghiệp đảm bảo chế độ, chính sách theo luật định; tạo điều kiện thuận lợi, chăm lo về vật chất, tinh thần như tổ chức xe đưa đón công nhân, hỗ trợ tiền nhà trọ, cải thiện bữa ăn giữa ca, điều chỉnh lương tối thiểu vùng, dành hơn 800 triệu đồng khen thưởng sản xuất, thưởng Tết đoàn viên Công đoàn, người lao động hàng năm…

Theo ông Kim Vĩnh Cường, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Pou Yuen Việt Nam, với vai trò đại diện người lao động, Công đoàn Công ty luôn lắng nghe, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng; đồng thời trao đổi, giải thích khó khăn của doanh nghiệp để công nhân, người lao động cùng chia sẻ. Ngược lại, Công đoàn chủ động đề xuất doanh nghiệp có chế độ, chính sách chăm lo tốt hơn từ đó tạo cầu nối, thu hút sự đồng tình của công nhân, góp phần ổn định quan hệ lao động hài hòa, giúp doanh nghiệp tập trung khôi phục sản xuất.

Gần đây, tác động của dịch bệnh và kinh tế thế giới khiến doanh nghiệp thiếu hụt đơn hàng, Công đoàn nhiều lần thương lượng cùng Công ty hướng đến mục tiêu đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần; thực hiện chi trả lương người lao động trong lúc giảm, giãn việc làm.

Từ nghiên cứu trong hoạt động giảng dạy, Tiến sỹ Nguyễn Đình Hòa, Trường Đại học Tôn Đức Thắng nhìn nhận, việc thực hiện nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động là trụ cột, then chốt trong tập hợp người lao động dưới mái nhà chung Công đoàn Việt Nam. Trong đó, đối thoại, thương lượng tập thể có vai trò quan trọng bởi người lao động đi làm đều có nhu cầu về tiền lương, thưởng, các khoản phúc lợi để tái tạo sức lao động cũng như chi tiêu cho sinh hoạt hàng ngày.

Ra mắt Ban Chấp hành Công đoàn Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2023-2028 (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Theo Tiến sỹ Nguyễn Đình Hòa, thương lượng tập thể để bảo vệ quyền lợi người lao động; đảm bảo cho họ có được chế độ lương, thưởng và phúc lợi theo Luật định, phù hợp tình hình của doanh nghiệp, điều kiện kinh tế, xã hội. Do đó, cần xem đối thoại và thương lượng tập thể với người sử dụng lao động là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách nhất mà Công đoàn cần thực hiện hiệu quả để thu hút, duy trì số lượng đoàn viên trong những năm tới.

*Phát huy vai trò đại diện của tổ chức Công đoàn

Trước những chuyển đổi mạnh mẽ và hội nhập ngày càng sâu rộng của đất nước, ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, tổ chức Công đoàn trong giai đoạn mới cần phát huy vai trò đại diện; tập trung các hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động thông qua nâng cao kỹ năng, kiến thức pháp luật, hoạt động Công đoàn; huy động nguồn lực hỗ trợ, chăm lo cho đoàn viên, người lao động; nhân rộng mô hình đối thoại xã hội nhóm doanh nghiệp theo địa bàn, ngành nghề và thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp.

Công đoàn không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, phát huy mạnh mẽ khả năng tư duy, sức sáng tạo của đội ngũ cán bộ, đoàn viên Công đoàn. Cán bộ, đoàn viên Công đoàn, nhất là người thủ lĩnh Công đoàn từ cơ sở phải năng động, sáng tạo, phát huy tính tích cực, tiên phong, trách nhiệm trong hoạt Công đoàn nhằm tập hợp, đoàn kết, xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh trong tình hình mới.

Mỗi cán bộ Công đoàn, nhất là ở cơ sở phải thật sự gần gũi, thấu hiểu, có kiến thức, kinh nghiệm để chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Ngoài ra, cán bộ Công đoàn cần nỗ lực nhiều hơn để khẳng định vai trò, vị trí của mình; tăng cường đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng hoạt động cho cán bộ Công đoàn tại cơ sở, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Chia sẻ tại hội nghị gặp gỡ cán bộ Công đoàn thành phố, ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh chất lượng hoạt động Công đoàn cơ sở có tầm ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển bền vững của tổ chức Công đoàn. Công đoàn phải là tấm gương soi để thôi thúc người lao động tự nguyện đến với tổ chức Công đoàn và là nền tảng tập hợp phát triển đoàn viên, đoàn kết hướng đến mục tiêu xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh trong tình hình mới.

Để đoàn viên, người lao động tin tưởng giao trọng trách đại diện, hoạt động Công đoàn trong giai đoạn mới phải mang lại thành quả là đảm bảo chế độ, chính sách tốt nhất cho người lao động từ đối thoại, thương lượng. Công đoàn thực sự là cầu nối giữa đơn vị, doanh nghiệp với người lao động trong thực thi chính sách về lao động, giúp người lao động yên tâm gắn bó lâu dài với công việc của mình, với tổ chức Công đoàn, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Công đoàn cần chú trọng hơn nữa để tạo ra kênh giao tiếp trực tiếp với đoàn viên, người lao động, nắm chắc, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng, chỉ đạo cả hệ thống cùng thực hiện, làm thay đổi mạnh mẽ phương thức hoạt động Công đoàn...

Theo Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức Công đoàn thành phố triển khai nhiều giải pháp, đổi mới nội dung, hình thức thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên Công đoàn, người lao động. Trên cơ sở Nghị quyết của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, các cấp Công đoàn đa dạng hóa phương thức hoạt động Công đoàn đạt được kết quả tích cực, chất lượng, hiệu quả hoạt động, uy tín của tổ chức Công đoàn được nâng lên.

Đó là tập hợp, đoàn kết lực lượng, xây dựng giai cấp công nhân ngày càng lớn mạnh; đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, nhà nước với công nhân, người lao động với đơn vị doanh nghiệp, tích cực tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần hoàn thành tốt sứ mệnh của tổ chức Công đoàn cùng cả nước xây dựng đội ngũ giai cấp công nhân Việt Nam không ngừng lớn mạnh, trưởng thành trong giai đoạn mới./.

Thanh Vũ

Tin liên quan

Xem thêm