Đại sứ Nhật Bản Yamada Takio: Tôi kỳ vọng vào sự đóng góp của Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh G7
Việt Nam có quyết tâm đóng góp tích cực cho tiến trình giải quyết các vấn đề trọng tâm của cộng đồng quốc tế dự kiến được đưa ra tại Hội nghị.
TTXVN - Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng và làm việc tại Nhật Bản từ ngày 19 đến 21/5/2023.
Nhân dịp này, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio đã có cuộc trao đổi với báo chí về việc thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản.
* Phóng viên: Xin Đại sứ cho biết lý do và ý nghĩa việc Nhật Bản mời Việt Nam dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng. Lời mời này có ý nghĩa gì trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản, thưa Đại sứ?
* Đại sứ Yamada Takio: Việc Nhật Bản mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng lần này là do Việt Nam là đối tác quan trọng và cần thiết trong thực hiện mục tiêu Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) của Nhật Bản. Đồng thời, Việt Nam có khả năng và quyết tâm đóng góp tích cực cho tiến trình giải quyết các vấn đề trọng tâm của cộng đồng quốc tế dự kiến được đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 lần này tại Hiroshima, Nhật Bản.
Trong các nước thành viên của ASEAN, chỉ có Indonesia, nước Chủ tịch ASEAN 2023 và Việt Nam là hai quốc gia được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 lần này. Các quốc gia không phải là nước Chủ tịch của một diễn đàn hoăc cơ chế hợp tác trong khu vực và trên thế giới được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 lần này ngoài Việt Nam, chỉ có Brazil, Hàn Quốc và Australia. Dựa trên những điều này, tôi cho rằng các bạn đã phần nào hiểu được Nhật Bản vô cùng coi trọng quan hệ hợp tác với Việt Nam.
Thêm vào đó, Nhật Bản và Việt Nam đã đồng ý nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước hiện nay lên một tầm cao mới trong năm 2023 tại cuộc hội đàm trực tuyến cấp cao giữa Ngài Kishida Fumio, Thủ tướng Nhật Bản và Ngài Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra tháng 2/2023 vừa qua.
Việc Việt Nam được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 lần này là dấu mốc quan trọng để nâng cấp quan hệ đối tác giữa hai nước lên một tầm cao mới; đồng thời tạo động lực thúc đẩy cho tiến trình này.
* Phóng viên: Việc Việt Nam tham gia với tư cách thành viên ASEAN có ý nghĩa như thế nào đối với quan hệ Nhật Bản-ASEAN, thưa Đại sứ?
* Đại sứ Yamada Takio: Hội nghị Thượng đỉnh G7 lần này là hội nghị cấp cao được tổ chức tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung và châu Á nói riêng. Nhật Bản đã và đang hướng đến đạt được mục tiêu thực hiện khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP), đặc biệt coi trọng quan hệ hợp tác với các nước thành viên ASEAN – cơ chế hợp tác giữ vai trò trung tâm tại khu vực. Hiện nay, ASEAN đã và đang dần trở thành khu vực phát triển năng động nhất thế giới; nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng quốc tế. Nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu như an ninh năng lượng, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu…, cộng đồng quốc tế cần thống nhất đồng lòng và sự đóng góp của ASEAN vào tiến trình này là điều không thể thiếu.
Trong hội nghị lần này, không chỉ có Indonesia, nước Chủ tịch ASEAN 2023, Việt Nam- quốc gia có vị thế ngày càng cao trong ASEAN cũng tham gia. Tôi vô cùng kỳ vọng vào sự đóng góp của Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 diễn ra tại Hiroshima lần này trên cương vị là quốc gia thành viên của ASEAN.
* Phóng viên : Đại sứ đánh giá thế nào về nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư, trong đó có Nhật Bản của Chính phủ Việt Nam thời gian qua?
* Đại sứ Yamada Takio: Việt Nam rất thành công trong việc thu hút đầu tư từ các quốc gia. Tôi đánh giá cao sự tham gia tích cực của Việt Nam vào các khuôn khổ đối tác kinh tế trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và những nỗ lực của Việt Nam trong việc xóa bỏ các rào cản khi gia nhập.
Một cuộc khảo sát các doanh nghiệp Nhật Bản cho thấy, Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất và được yêu thích trên thế giới đối với doanh nghiệp Nhật Bản. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với một số vấn đề; trong đó có cơ sở hạ tầng. Việc hoàn thiện hơn nữa cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng sẽ làm cho thị trường Việt Nam hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư Nhật Bản. Đặc biệt, tôi cho rằng Việt Nam có nhiều dư địa để phát triển hạ tầng giao thông như đường cao tốc và đường sắt…
* Phóng viên: Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng lần này, Nhật Bản sẽ gửi thông điệp gì tới thế giới, thưa Đại sứ?
* Đại sứ Yamada Takio: Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tại Hiroshima được tổ chức trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức như xung đột vũ trang, biến đổi khí hậu, khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực… Hơn nữa, với kỳ vọng vào những tiến triển hướng tới hiện thực hóa một “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP)”, tôi cho rằng Hội nghị thượng đỉnh G7 Hiroshima là một hội nghị có tầm quan trọng lịch sử.
Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 Hiroshima, trước hết cần đưa ra một thông điệp: Việc sử dụng vũ lực để thách thức hiện trạng là không thể chấp nhận được và cộng đồng quốc tế phải kiên quyết duy trì trật tự dựa trên luật lệ. Ngoài ra, cộng đồng quốc tế cần chung tay để giải quyết các vấn đề như biến đổi khí hậu, năng lượng, khủng hoảng lương thực, lạm phát gia tăng… Những thách thức này cần được giải quyết không chỉ bởi G7, mà còn bởi tất cả các thành viên của cộng đồng quốc tế bao gồm cả các quốc gia Nam bán cầu.
* Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại sứ./.