Văn hóa

Đắk Lắk: Cải thiện Chỉ số hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính

Đắk Lắk

Để cải thiện chỉ số SIPAS, việc nâng cao nhận thức cho người dân; xây dựng nền hành chính phục vụ có sự đồng hành của người dân với các cấp chính quyền là cần thiết.

Ngày 21/10, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội thảo khoa học “Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính”.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà cho biết, giai đoạn 2016-2021, Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) của tỉnh tăng, giảm không ổn định. Trong 3 năm (2019-2021), Chỉ số Cải cách hành chính của tỉnh cải thiện 18 bậc. Tuy nhiên, sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn vẫn nằm trong nhóm cuối của cả nước.

Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (chỉ số SIPAS) năm 2021, tỉnh Đắk Lắk ở mức 83,65%, xếp thứ 59/63 tỉnh, thành phố. Đáng chú ý, trong 5 nội dung thành phần của chỉ số SIPAS, chỉ có nội dung kết quả giải quyết thủ tục hành chính có chỉ số hài lòng đạt yêu cầu đề ra, các nội dung còn lại không ổn định.

Ông Nguyễn Tuấn Hà nhấn mạnh, kết quả về chỉ số SIPAS đặt ra cho tỉnh những trăn trở vì thực hiện cải cách hành chính là hướng đến sự hài lòng của người dân và các tổ chức, phải làm thế nào để người dân hài lòng hơn đối với sự phục vụ của chính quyền. Với tinh thần cầu thị, thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, UBND tỉnh Đắk Lắk mong muốn nhận được những quan điểm góp ý, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm từ các nhà khoa học, nhà quản lý để làm căn cứ triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện Chỉ số đo lường sự hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính.

Các đại biểu tham dự hội thảo đánh giá, phân tích, đưa ra nhiều ý kiến tư vấn các giải pháp cải thiện sự hài lòng của người dân đối với thủ tục hành chính công; phân tích sâu về phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước giai đoạn 2022 - 2026.

Nhiều đại biểu kiến nghị, tỉnh Đắk Lắk cần khắc phục, xử lý nghiêm, dứt khoát những tồn tại kéo dài qua nhiều năm về thủ tục hành chính; nên có cơ chế, chính sách khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức tự học tập, nghiên cứu, sáng tạo, đổi mới để nâng cao năng lực, hiểu biết và nâng cao kết quả thực thi nhiệm vụ. Bên cạnh đó, tỉnh cần quan tâm phát triển đội ngũ công chức nòng cốt tham mưu về cải cách hành chính; nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về cải thiện chất lượng dịch vụ công của tỉnh. Lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương quan tâm sát sao hơn nữa và đầu tư đúng mức cho công tác cải cách hành chính để việc cung cấp dịch vụ công có những chuyển biến tích cực.

Ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ cho rằng, để nâng cao sự hài lòng của người dân và tổ chức, tỉnh Đắk Lắk cần quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp từ cơ chế, chính sách đến chương trình, hành động, luôn phải đặt người dân làm trung tâm, đáp ứng nhu cầu, mong đợi của người dân. Cùng với đó, tỉnh cần quan tâm phát triển đội ngũ công chức đảm bảo năng lực chuyên môn, có đạo đức nghề nghiệp, văn hóa công vụ của một nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại.

Theo ông Nguyễn Duy Thụy, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Vùng Tây Nguyên, Đắk Lắk là tỉnh có nhiều dân tộc, trình độ nhận thức của người dân không đồng đều, các địa bàn có những điều kiện kinh tế-xã hội khác nhau ảnh hưởng đến việc đánh giá chỉ số mức độ hài lòng chung của người dân. Do đó, để cải thiện chỉ số SIPAS, tỉnh cần quan tâm đến công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân; xây dựng nền hành chính phục vụ cần có sự đồng hành, hợp tác, phối hợp của người dân với các cấp chính quyền bởi người dân là đối tượng thụ hưởng kết quả cải cách hành chính./.

Tống Thị Hoài Thu

Xem thêm