Quốc hội với Cử tri

Đáp ứng sự kỳ vọng, tin tưởng của cử tri và nhân dân

Bắc Ninh

Nhiều vấn đề cử tri, nhân dân quan tâm được Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh chuyển đến Quốc hội, cơ quan có trách nhiệm xem xét giải quyết.

Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

TTXVN - Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 do Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh tổ chức chiều 14/12.

Năm 2023, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh có nhiều đóng góp quan trọng cho hoạt động của Quốc hội và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đáp ứng sự kỳ vọng, tin tưởng của cử tri, nhân dân trong tỉnh.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia phát biểu 46 lượt ý kiến tại các kỳ họp Quốc hội, trong đó, có 32 lượt ý kiến tại tổ, 8 lượt ý kiến tại hội trường, 5 lượt chất vấn, một lượt tranh luận làm rõ, đóng góp vào các dự án Luật và báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh…

Các đại biểu Quốc hội trong Đoàn chuyển tải đến Quốc hội và cơ quan có trách nhiệm để xem xét giải quyết nhiều vấn đề cử tri, nhân dân quan tâm như: Việc triển khai chính sách về nhà ở xã hội và những giải pháp nhằm giải quyết tốt hơn nhu cầu cải thiện nhà ở của các đối tượng chính sách xã hội; danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá; giải pháp đảm bảo tính ổn định, nâng cao chất lượng xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội…

Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân phát biểu. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Đoàn thực hiện 4 cuộc giám sát, kiến nghị 56 nhóm vấn đề, trong đó, có 39 nhóm vấn đề gửi Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và 17 nhóm vấn đề gửi Ủy ban nhân dân tỉnh.

Đồng thời thực hiện 6 cuộc giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”; “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”; “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”; “Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2018 -2023”; “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại làng nghề và địa bàn dân cư giai đoạn 2018-2023”...

Đoàn tổ chức 35 cuộc tiếp xúc cử tri, trong đó, 16 cuộc tiếp xúc trước kỳ họp tại địa bàn xã, phường, thị trấn; 16 cuộc tiếp xúc sau kỳ họp tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, 3 cuộc tiếp xúc chuyên đề, gần 8.000 cử tri tham dự, 254 lượt cử tri phát biểu 244 kiến nghị, trong đó, có 44 kiến nghị thuộc thẩm quyền của Trung ương, 200 kiến nghị thuộc thẩm quyền của địa phương xem xét, giải quyết. Đoàn cũng tổ chức 8 hội nghị, ban hành 40 văn bản lấy ý kiến đóng góp vào các dự án Luật trình tại Kỳ họp thứ 5 và Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV; tổng hợp trên 300 nội dung góp ý báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đảm bảo thời gian quy định. Công tác giám sát, khảo sát được đổi mới hình thức, đảm bảo phù hợp thực tiễn địa phương.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn phát biểu. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Năm 2024, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh phấn đấu hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, trọng tâm là tổ chức các hội nghị triển khai đóng góp xây dựng luật; tham gia đầy đủ, có chất lượng các kỳ họp của Quốc hội, kỳ họp của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, hoạt động của địa phương; làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn cho biết, năm 2023, Đoàn tham gia trách nhiệm, hiệu quả vào các công việc của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, là cầu nối hữu hiệu giữa cử tri, nhân dân với Quốc hội và với các cơ quan trong hệ thống chính trị.

Trong năm tới, Đoàn Đại biểu Quốc hội nâng cao nhận thức, hiểu biết của cán bộ, đảng viên, nhân dân về địa vị pháp lý của Đoàn xây dựng và triển khai kế hoạch giám sát theo các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và giám sát chuyên đề; tiếp tục đổi mới các hoạt động, trong đó, quan tâm triển khai kế hoạch tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ các kỳ họp Quốc hội; đổi mới việc tiếp công dân; nâng cao chất lượng công tác giải thích pháp luật, góp ý xây dựng pháp luật.../.

Thanh Thương

Xem thêm