Đầu tư nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn cũng là chìa khóa để thu hút các nhà đầu tư
Hội thảo là dịp để các chuyên gia, nhà nghiên cứu, lãnh đạo các bộ ngành, trường học, doanh nghiệp làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến nguồn nhân lực làm việc trực tiếp trong lĩnh vực bán dẫn và vi mạch.
Chiều 16/8, Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Cao đẳng Cao Thắng kỹ thuật Thành phố tổ chức Hội thảo “Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn tại các trường cao đẳng”.
Đây là dịp để các chuyên gia, nhà nghiên cứu, lãnh đạo các bộ ngành, trường học, doanh nghiệp trao đổi, thảo luận, cập nhật các thông tin quan trọng về xu hướng phát triển công nghệ; làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến nguồn nhân lực làm việc trực tiếp trong lĩnh vực bán dẫn và vi mạch; những yêu cầu về kiến thức, kỹ năng đối với người lao động.
Theo ông Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp, ngành công nghiệp bán dẫn là một trong những ngành quan trọng trong xu hướng mới. Việc nghiên cứu học tập để hiểu hơn về ngành công nghiệp bán dẫn không chỉ để ứng dụng vào việc làm mà còn để hoạch định, xây dựng chính sách, chiến lược phát triển của đơn vị, doanh nghiệp và cả quốc gia.
Thực tiễn, nhu cầu nguồn nhân lực bán dẫn không chỉ ở bậc đại học mà cả ở bậc cao đẳng để hình thành nguồn nhân lực làm việc trực tiếp trong lĩnh vực bán dẫn và vi mạch. “Do vậy, các trường cao đẳng cần xác định nhu cầu nguồn nhân lực này; chủ động đầu tư trang thiết bị, nội dung chương trình đào tạo cung cấp nguồn nhân lực bán dẫn. Cùng với nhà trường, cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp cần tìm giải pháp để thúc đẩy phát triển đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng trong lĩnh vực bán dẫn và vi mạch để phục vụ cho sự phát triển của đất nước”, ông Dũng chia sẻ.
Nhấn mạnh xu hướng phát triển công nghệ mới đã và đang đi vào đời sống hằng ngày như ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, công nghệ Internet vạn vật, công nghệ dữ liệu lớn, chuỗi – khối dữ liệu, bà Huỳnh Lê Như Trang, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng các lĩnh vực như: công nghiệp chip bán dẫn, chuyển đổi năng lượng, tín chỉ carbon, năng lượng hydrogen có nhu cầu nguồn nhân lực rất lớn trong thời gian tới.
Theo bà Huỳnh Lê Như Trang, cuộc đua chip toàn cầu đang nóng lên và Việt Nam có cơ hội đặc biệt để khẳng định mình là một trong những nước tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn. Đây là cơ hội mang tới tiềm năng tăng trưởng kinh tế và xã hội chưa từng có. Do vậy, Việt Nam cần có những hành động quyết liệt và kịp thời hơn để phát triển một hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn và tận dụng những cơ hội to lớn trước mắt.
Nhu cầu thế giới ước tính sẽ cần thêm hơn 1 triệu nhân sự vào năm 2030 cho tất cả các khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói và kiểm thử chip. Với nguồn cung lao động dồi dào và lực lượng lao động có chất lượng, có thể khẳng định nguồn nhân lực chính là lợi thế lớn nhất và nổi bật nhất của Việt Nam so với các quốc gia, nền kinh tế khác trên thế giới.
Trước những cơ hội và thách thức, nhất là đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn tại Việt Nam Tiến sỹ Nguyễn Minh Sơn, Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất cần có chiến lược phát triển lâu dài trên 20 năm cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn. Đặc biệt, Việt Nam cần xây dựng hệ sinh thái cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn định hướng ATP & Design, thu hút Foundry, nhà đầu tư nước ngoài (FDI).
“Trong đó, các bộ ngành, cơ quan quản lý nhà nước, nhà trường cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực ATP & Design; xây dựng cơ chế chính sách thuế, thu hút chuyên gia; xây dựng môi trường thu hút đầu tư nước ngoài ATP & Foundry; phát triển công ty nội địa về ATP & Design; phát triển hệ sinh thái Starup Semi-Ic; phát triển trung tâm bán dẫn quốc gia….”, Tiến sỹ Nguyễn Minh Sơn chia sẻ.
Cùng quan điểm, Tiến sỹ Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cao Thắng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, đây có thể nói là thời điểm "có một không hai" của Việt Nam để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù đảm bảo cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực; sự đồng bộ hạ tầng điện, nước, giao thông, cáp quang, công nghệ thông tin; thì việc chuẩn bị nguồn nhân lực đủ về số lượng, đáp ứng được yêu cầu kiến thức, kỹ năng để làm việc trong lĩnh vực này cần phải được ưu tiên thực hiện. “Đầu tư chuẩn bị nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn cũng sẽ là chìa khóa để các nhà đầu tư quyết định chuyển cơ sở của họ sang Việt Nam”, Tiến sỹ Lê Đình Kha chia sẻ.
Bán dẫn là ngành công nghiệp rất lớn, gồm nhiều khâu từ nghiên cứu, phát triển và sản xuất vật liệu bán dẫn, thiết kế, chế tạo đến đóng gói. Để đào tạo nhân lực đáp ứng đúng và đủ cho nhu cầu thị trường, các đại biểu cho rằng phải trả lời được câu hỏi doanh nghiệp nào đã và sẽ đầu tư vào Việt Nam, đầu tư vào phân khúc nào, thực hiện công đoạn nào trong quy trình công nghệ bán dẫn?
Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm về công đoạn sản xuất lắp ráp/ kiểm định (Assembly/ Test Manufacturing) và yêu cầu về nhân lực của Nhà máy Intel Việt Nam; chương trình đào tạo bán dẫn - thuận lợi, khó khăn và thách thức; phát triển công nghiệp bán dẫn – vi mạch Việt Nam. Các đại biểu cũng thảo luận về sự phù hợp khi trường cao đẳng chọn đào tạo nguồn nhân lực thuộc phân khúc ATP; thách thức đối với các trường: đội ngũ giảng viên; chương trình đào tạo; cơ sở vật chất, trang thiết bị; vai trò của các bên liên quan trong đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực bán dẫn vi mạch thuộc phân khúc ATP.../.
- Từ khóa:
- nhân lực
- ngành bán dẫn
- nhà đầu tư