Hà Nội cần chủ động nắm bắt tình hình, không để bị động, bất ngờ, nâng cao khả năng dự báo những tác động, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế thành phố.
TTXVN - Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 195/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Thường trực Chính phủ tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.
Thông báo nêu rõ, thay mặt Chính phủ, Thường trực Chính phủ biểu dương, đánh giá cao nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội, đã góp phần cùng cả nước thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, phát triển văn hóa; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh; thúc đẩy đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thành phố còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức cần khắc phục như: Chưa có đột phá lớn về phát triển kinh tế, nhất là phát triển bền vững theo chiều sâu; tăng trưởng thấp hơn so với mục tiêu đề ra; tình trạng ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông, quá tải về hạ tầng đô thị chưa được cải thiện rõ nét…
Thường trực Chính phủ yêu cầu, trong thời gian tới, thành phố Hà Nội cần tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị về phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, Thủ đô Hà Nội, Nghị quyết của Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII phát triển Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".
Thành phố Hà Nội cần nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí, tiềm năng, tầm quan trọng của thành phố trong sự phát triển chung của cả nước "cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước". Đồng thời, nhận diện rõ các khó khăn, thách thức, tồn tại, hạn chế yếu kém, phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, truyền thống đoàn kết, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo để phát triển Hà Nội toàn diện, nhanh, bền vững, xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế của cả nước...
Hà Nội cần chủ động nắm bắt tình hình, không để bị động, bất ngờ, nâng cao khả năng dự báo những tác động, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế thành phố; phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; đẩy mạnh các động lực tăng trưởng của nền kinh tế thành phố (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng). Thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, yếu kém của các thị trường (tiền tệ, tín dụng, bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp); triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về miễn, giảm, thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất; giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định.
Đồng thời, Hà Nội nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Phấn đấu hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2023, tạo nền tảng vững chắc cho những năm tiếp theo. Huy động hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển, tăng cường hợp tác công tư, triển khai mô hình mới (lãnh đạo công, quản trị tư đối với một số mô hình và mô hình đầu tư công, quản lý tư, mô hình đầu tư tư, sử dụng công...).