Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã rà soát, tham mưu, trình Chủ tịch UBND thành phố ban hành 4 quyết định về công bố danh mục thủ tục hành chính...
TTXVN - Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo các phòng, đơn vị nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Trung ương và thành phố về cải cách hành chính, cải thiện và từng bước nâng cao chỉ số cải cách hành chính, SIPAS, PCI, PAPI… Năm 2022, việc triển khai công tác cải cách hành chính của Sở tăng 2 bậc và chỉ số hài lòng (SIPAS) tăng 7 bậc so với năm 2021.
Công tác thông tin, tuyên truyền đã được chỉ đạo triển khai đa dạng, đồng bộ và hiệu quả; thực hiện lồng ghép giữa tuyên truyền trực quan và trên các phương tiện truyền thông như: Cổng thông tin điện tử của Sở, các trang mạng xã hội, Bản tin Tài nguyên và Môi trường... Các đơn vị thuộc Sở tích cực, chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chỉ đạo, điều hành.
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Minh Tấn, từ đầu năm 2021 đến nay, Sở đã rà soát, tham mưu, trình Chủ tịch UBND thành phố ban hành 4 quyết định về công bố danh mục thủ tục hành chính; đồng thời, trình tích hợp việc cắt giảm thành phần hồ sơ, thời gian giải quyết hồ sơ theo quy định hiện hành đối với thành phần hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép tài nguyên nước, giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất…
Sở thực hiện niêm yết công khai danh mục thủ tục hành chính, quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực tài nguyên môi trường; số điện thoại đường dây nóng, hòm thư góp ý; công khai, hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính, các biểu mẫu, phí, lệ phí giải quyết thủ tục tại Bảng tin đặt ở vị trí dễ nhìn, dễ thấy tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Sở thường xuyên khảo sát, lấy ý kiến của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cán bộ tiếp nhận, xử lý hồ sơ, công việc. Qua khảo sát cho thấy, đa số người dân, tổ chức hài lòng, rất hài lòng đối với sự phục vụ của Sở.
Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đang xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành trên cơ sở kiến trúc, tiêu chuẩn, quy chuẩn, dịch vụ chia sẻ dữ liệu thống nhất, bảo đảm nền tảng về dữ liệu là hạ tầng quan trọng, cốt yếu cho chuyển đổi số; tập hợp, số hóa nội dung, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu văn bản hành chính, cơ sở dữ liệu nội bộ, ứng dụng triển khai công nghệ khai phá, xử lý văn bản đáp ứng nhu cầu chỉ đạo, điều hành, thực hiện công tác hành chính. Đồng thời, Sở thiết kế, tích hợp, kết nối hệ thống dữ liệu đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị thông minh (dữ liệu không gian đô thị, đất đai, môi trường, tài nguyên nước, địa chất - khoáng sản...); xây dựng hệ thống lưu trữ điện tử chuyên ngành; xây dựng kho dữ liệu dùng chung, sử dụng giải pháp công nghệ quản lý dữ liệu lớn…
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, việc xây dựng và đưa vào vận hành Hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai của thành phố còn gặp một số khó khăn, vướng mắc do bản đồ địa chính trên địa bàn được hình thành qua nhiều thời kỳ lịch sử, bằng nhiều phương pháp, công nghệ quản lý khác nhau.
Trong khi đó, bộ máy chính quyền cấp xã thường xuyên thay đổi, cần thời gian để lãnh đạo cấp xã nắm được công việc của dự án và ảnh hưởng của COVID-19, tiến độ thi công bị chậm. Việc triển khai trả kết quả thủ tục hành chính qua bưu chính công ích chưa được người dân sử dụng do hồ sơ về đất đai (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) có giá trị lớn nên họ chưa tin tưởng để giao cho đơn vị bưu chính.
Bên cạnh đó, các trang thiết bị công nghệ thông tin được đầu tư từ lâu, hiện đã bị xuống cấp cần bố trí kinh phí để cải tạo, nâng cấp. Việc xây dựng chương trình số hóa các hồ sơ do thủ tục pháp lý phức tạp nên cần nhiều thời gian để thực hiện. Trong khi đó, Sở chưa có cán bộ chuyên trách thực hiện công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.
Qua giám sát việc thực hiện cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số tại Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà ghi nhận sự quan tâm, chú trọng của Sở trong công tác này, góp phần tích cực trong giải quyết các nhiệm vụ chuyên ngành. Tuy nhiên thực tế cho thấy, chỉ số cải cách hành chính của Sở vẫn còn thấp. Vì vậy, đơn vị cần rà soát, đánh giá lại việc phân cấp, ủy quyền cho cấp huyện; đặc biệt phải kiểm tra, siết chặt kỷ luật kỷ cương hành chính; đánh giá cán bộ, công chức bộ phận tiếp nhận hồ sơ và chỉ số hài lòng của người dân../.